Trà đá Sài Gòn, hẻm Sài Gòn
Khi lòng nhân ái ở khắp hang cùng ngõ hẻm…
Một hình ảnh lướt qua trên mạng xã hội trong những ngày cao điểm 168, trong khi ở một số nơi khác người dân tìm cách tạo các thanh chắn để người lưu thông không lách vào hẻm thoát khỏi dòng kẹt xe thì ngay tại TP.HCM, có nhiều nơi, người dân tự động đứng ra kẽ bảng hướng dẫn lối thoát kẹt cho người đi đường thông qua các con hẻm. Một ví dụ của lòng hào hiệp mà chỉ những ngày tắc đường, ngập nước mới thấy rõ sự biểu hiện.
Hay trong đại nạn COVID-19, những cửa hàng, tiệm rau củ, tạp hóa cứ hồn nhiên mọc lên kèm theo tấm bảng nghuệch ngoạc ghi, ai cần cứ đến lấy; ngay giữa những ngày nắng như đổ lửa thì dưới những tấm lều che tạm, gốc cây ven đường những bình trà đá cứ thế bày ra, dành cho người qua đường giải khát, trú nóng.
Những ngày giáp Tết Ất Tỵ này cũng vậy, trong những con hẻm, người dân tự gom góp gạo, nước mắm, dầu ăn rồi quần tụ lại, trẻ giúp già, người ít khó khăn hơn giúp người nghèo khó. Họ đặt vội mấy cái ghế ra khoảnh sân chung rồi xếp hàng lần lượt đến ghế ngồi, dưới mỗi chân ghế đều có gói quà Tết.
Từ nhà thờ đến nhà chùa, cứ mỗi mùa cận Tết hay ngay sau khi thiên tai ập xuống ở bất kỳ nơi đâu thì lại diễn ra những đợt sinh hoạt cộng đồng chung tay đóng góp để giúp đỡ đồng bào mình qua cơn khốn khó. Ngay trước tối 23 tháng Chạp, chúng tôi có mặt ở chùa Minh Đạo (quận 3) không hẳn chỉ để coi văn nghệ mà còn chứng kiến hàng trăm bà con nghèo, người thu nhập thấp đến xem chương trình ca hát, nhận quà Tết. Nghệ sĩ nổi tiếng xuất hiện, nghiêm túc biểu diễn, chân thành trao tặng. Thay vì nhận cát sê, họ chuyển thẳng cho nhà chùa để mua gạo, thực phẩm cho bà con có cái Tết sung túc, no ấm.
Trên những tuyến đường ra các bến xe về quê, nhiều suất quà đã được chuẩn bị sẵn, tự phát cá nhân hay nhóm thì đều cùng chung một mục đích, giúp thêm cho những người dân về quê có chút quà từ phương Nam. Hay trong các khu xóm trọ mà chúng tôi biết, theo dõi, nhiều hộ gia đình khá giả chung tay, giấu mặt để gửi đến các gia đình ở xóm trọ quanh đó những phần thực phẩm ngày Tết. Với lý do: những ai không về quê, ở lại thành phố để kiếm thêm tiền việc làm ngày Tết thì sẽ được hỗ trợ một phần quà Tết để khỏi bận lòng mua sắm đêm 30!
Lo cho dân là phẩm hạnh của chính quyền
Năm 2024, TP.HCM đã chi gần 150 tỷ đồng mỗi năm để khám sức khỏe miễn phí cho trên 1 triệu người cao tuổi nhằm "đánh chặn" bệnh tật từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi. Là địa phương đi đầu hoạt động khám sức khỏe miễn phí cho tất cả người cao tuổi trong năm qua, thành phố còn hướng đến lập hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân từ lúc mới sinh ra, trẻ em, vị thành niên, phụ nữ mang thai, người cao tuổi.
Kể từ năm học tới 2025-2026, trẻ mầm non và học sinh tất cả các cấp ở thành phố sẽ được miễn học phí. Đây là hành động thiết thực nhất mà chính quyền thành phố muốn thể hiện sự quan tâm, đầu tư cho giáo dục, đi đầu trong các chính sách miễn giảm, hỗ trợ học phí, đảm bảo chất lượng giáo dục và cơ hội học tập cho người dân.
Đó là 2 ví dụ điển hình cho chính sách an sinh tiếp cận đối tượng người già, trẻ em mà TP.HCM đang triển khai.
Sức khỏe người dân được đặt lên hàng trọng tâm để tập trung đầu tư là mục tiêu được xác quyết ngay trong và sau đại dịch. Trải qua thời kỳ phục hồi cũng là lúc triển khai nhiệm vụ kiện toàn, nâng chất ngành y tế cho toàn bộ cộng đồng. Trong đó có chương trình thí điểm thực hành 18 tháng tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế dành cho các bác sĩ mới tốt nghiệp. Ngành Y tế cũng đã tổ chức “Ngày hội việc làm”, lần đầu tiên hệ thống y tế cơ sở tiếp nhận được 57 bác sĩ đã hoàn thành chương trình thực hành 18 tháng với chứng chỉ hành nghề trong tay tình nguyện đăng ký về các trung tâm y tế và bệnh viện quận, huyện.
Ngoài ra còn có Chương trình tình nguyện luân phiên các bác sĩ trẻ đang công tác tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của Thành phố đến công tác tại Trạm Y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Triển khai y tế thông minh về với trạm y tế xã đảo Thạnh An. Kết nối, tư vấn từ xa của các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện thành phố đến các bác sĩ đang khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế và cả người dân khi đến khám bệnh tại các trạm y tế. Hay Phòng khám đa khoa vệ tinh đặt tại trạm y tế là giải pháp giúp đưa bệnh viện về gần dân hơn, giải quyết nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân ở những nơi cách xa trung tâm, xa các bệnh viện tại những vùng đông dân nhưng còn thiếu cơ sở khám chữa bệnh công lập như huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi,…
Một trong những nhiệm vụ nặng nề của năm 2024 và những tháng còn lại vắt qua năm 2025 là phải cơ bản di dời số hộ dân ven kênh rạch. Tiến tới trước năm 2030 phải hoàn tất bố trí tái định cư toàn bộ, khoảng 46,452 căn hộ trên và ven sông, kênh, rạch. Việc này nhằm khai thông dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường, thực hiện chỉnh trang đô thị, khai thác quỹ đất phát triển kinh tế.
Đây là cam kết qua mấy nhiệm kỳ và cột mốc 2025 là phải tạo sự chuyển biến rõ rệt, không để người dân sống, sinh hoạt trong những khu dân cư không đủ điều kiện, hoặc điều kiện sống thấp, tạm bợ, mất vệ sinh, an toàn. Việc bố trí tái định cư cũng phải đảm bảo theo tiêu chí mới là ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, có điều kiện sinh kế…
Khi công trình metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành thương mại, thành phố đã “tặng” người dân một tháng đi metro miễn phí, đó cũng là cách thành phố xin lỗi về sự chậm trễ của công trình, cảm ơn sự đồng thuận của người dân trong bao năm qua để ngày công trình thành tựu, hiển nhiên người thụ hưởng - nhân dân - sẽ là hành khách đầu tiên đi không tốn phí.
Ít nhất từ “của tặng” đến “cách tặng” đã nói lên trách nhiệm, sự tử tế của một lối hành xử từ phía chính quyền.
Quốc Học