Tin tức
Bong bóng chứng khoán: Định lượng hay hiện tượng tâm lý?

Bong bóng chứng khoán: Định lượng hay hiện tượng tâm lý?

02/02/2025

Banner PHS

Bong bóng chứng khoán: Định lượng hay hiện tượng tâm lý?

Bong bóng là một trong những khái niệm phổ biến nhất trong đầu tư, dùng để chỉ giai đoạn giá tài sản tăng trưởng phi lý rồi dẫn đến sụp đổ. Vậy, làm cách nào để nhận biết chúng ta có đang ở trong một bong bóng hay không?

Nhà đầu tư huyền thoại Howard Marks cho rằng, bong bóng là một trạng thái tâm lý, chứ không phải một tính toán mang tính định lượng.

Tỷ phú đầu tư – Howard Marks

Marks là một trong những nhà đầu tư nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn trên thị trường tài chính. Ông đồng sáng lập và điều hành Oaktree Capital Management - công ty đầu tư hiện đang quản lý 205 tỷ USD tài sản.

Đối với Marks, bong bóng tài chính không chỉ phản ánh sự gia tăng mạnh mẽ của giá tài sản, mà còn là cơn sốt được tạo nên bởi: (i) lòng phấn khích cực kỳ phi lý, (ii) sự tôn thờ hoàn toàn đối với một công ty hoặc tài sản nào đó, (iii) nỗi sợ bị bỏ lại phía sau nếu không tham gia cuộc chơi, và đặc biệt là (iv) niềm tin rằng “không có mức giá nào quá cao”.

“Chẳng có gì gây xáo trộn tinh thần và phán đoán của một người hơn việc thấy ông bạn bên cạnh trở nên giàu có” – Hai tác giả Charles Kindleberger và Robert Aliber đã trình bày như vậy trong sách Điên cuồng, Hoảng loạn và Đổ vỡ: Lịch sử về các cuộc khủng hoảng tài chính.

“Vì thế, để nhận ra bong bóng, bạn có thể xem xét những thước đo định giá, còn tôi từ lâu đã tin rằng chẩn đoán tâm lý là phương pháp hiệu quả hơn” – Marks nhận định.

Theo huyền thoại đầu tư, các giai đoạn của một thị trường đi từ bi quan đến lạc quan được xác định không phải bởi những sự kiện kinh tế, hay chuyển động của doanh nghiệp. “Vấn đề không phải điều gì đang diễn ra, mà đúng hơn là mọi người nghĩ gì về những điều đang diễn ra” – Marks cho biết.

Khi ít người nghĩ rằng nền kinh tế có thể cải thiện, lúc đó giá chứng khoán không bao hàm nhiều sự lạc quan. Tuy nhiên, khi tất cả đều tin mọi thứ sẽ tốt lên mãi mãi, Mark khẳng định rất khó để tìm ra những mức định giá hợp lý.

Khi thợ đánh giày khuyến nghị cổ phiếu

Sự tham gia của đám đông là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc hình thành bong bóng giá tài sản.

Theo Marks, mọi người có xu hướng bắt chước khi nhìn thấy những người khác đang kiếm lời dễ dàng từ việc mua đi bán lại. Trong giai đoạn thị trường sôi động, những nhà đầu tư mới – đặc biệt là người không chuyên – vốn trước đây chẳng mảy may quan tâm đến các giao dịch đầu cơ, bỗng nhiên bắt đầu tham gia cuộc chơi. Đây là dấu hiệu đơn giản về nguy cơ bong bóng mà bất kỳ ai cũng có thể quan sát.

Chủ ngân hàng nổi tiếng J.P Morgan từng nhận thấy điều không ổn khi người đánh giày của ông đưa ra lời khuyến nghị cổ phiếu. Riêng Marks cũng từng nghe câu chuyện một tài xế taxi ở Las Vegas kể về những bất động sản mà anh mua vào năm 2006 - ngay trước khi cuộc khủng hoảng nhà đất ở Mỹ xảy ra.

Tuy nhiên, trong thực tế, để xác định chính xác một bong bóng đang diễn ra hay không vẫn là việc gây đau đầu, bởi vì luôn có lý do hợp lý để thỏa mãn cho sự bùng nổ của thị trường. Các bong bóng tài sản ở quá khứ thường liên quan đến những phát kiến công nghệ mới, những mô hình kinh doanh chưa từng có trong lịch sử.

Nhằm đương đầu với tình thế khó xử này, Howard Marks đã chia sẻ những nguyên tắc mà ông thiết lập để tránh việc tham gia vào một bong bóng đầu cơ.

Theo đó, vấn đề không phải ở thứ bạn mua, số tiền bạn trả mới quan trọng. Mức giá bạn trả là đầu vào quan trọng cho lợi nhuận cuối cùng mà bạn có thể được hưởng. Và đương nhiên, bạn khó có cơ hội tham gia vào bong bóng nếu không sẵn sàng trả một mức giá cao chót vót.

Đầu tư khôn ngoan không phải là luôn mua những thứ tốt đẹp, mà đúng hơn là cách bạn mua phải thật tinh tế. Nếu bạn trả giá quá cao để mua cổ phiếu của một doanh nghiệp rất tốt, vẫn có trường hợp dù họ tăng trưởng nhưng vì không đáp ứng được kỳ vọng lớn của thị trường mà cổ phiếu giảm giá.

Chẳng có thứ tài sản nào tốt đến mức không thể bị định giá quá cao, và cũng rất hiếm tài sản nào tệ đến độ không thể trở thành món hời nếu mua được ở giá cực thấp. Luôn có trường hợp khoản đầu tư tốt lại liên quan đến những doanh nghiệp đang vất vả xoay xở để sinh tồn trong thế giới kinh doanh khắc nghiệt. Lúc đó, thị trường bi quan về triển vọng của họ, và mức định giá cổ phiếu rất thấp lại mở ra triển vọng sinh lời lớn nếu sự việc xoay chuyển.

Theo Marks, khi một thứ đang ở đỉnh cao của sự nổi tiếng, nguy cơ suy giảm sẽ rất cao. Vào lúc đại chúng cho rằng mọi thứ chỉ có thể tốt hơn, thiệt hại do những điều tiêu cực bất ngờ gây nên sẽ cực kỳ khủng khiếp.

“Trong thế giới thực, cây chẳng thể chạm đến trời xanh” – Marks nhận định.

Thừa Vân

FILI - 08:00:00 02/02/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng