Trung Quốc báo hiệu sẵn sàng đàm phán với Mỹ
Trong diễn biến mới nhất của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Bắc Kinh cởi mở về khả năng đàm phán thương mại với Washington, chỉ một ngày sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẵn sàng cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng khẳng định họ sẽ không ngồi vào bàn đàm phán dưới áp lực từ Nhà Trắng.
"Thái độ của Trung Quốc đối với cuộc chiến thuế quan do Mỹ phát động là hoàn toàn rõ ràng: Chúng tôi không muốn chiến đấu, nhưng chúng tôi không hề sợ hãi. Nếu chúng tôi phải chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng; nếu chúng tôi đàm phán, cánh cửa luôn rộng mở", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun nhấn mạnh tại cuộc họp báo thường nhật vào ngày 23/04.
Dù các quan chức Trung Quốc đã từng sử dụng những từ ngữ tương tự khi đề cập đến khả năng đàm phán thương mại với Trump trong quá khứ, nhưng khi xem xét toàn cảnh, những phát ngôn mới nhất từ cả Bắc Kinh và Washington dường như phản ánh nỗ lực của cả hai bên trong việc tìm kiếm lối thoát cho vòng xoáy căng thẳng gần đây.
![]() Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên phải)
|
Tuyên bố từ phía Trung Quốc được đưa ra sau khi Trump bất ngờ hạ giọng khi nói rằng ông sẽ không đối đầu gay gắt với Trung Quốc, đồng thời bày tỏ niềm tin rằng hai quốc gia cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận thương mại. Đáng chú ý, trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cũng đã chia sẻ với các nhà đầu tư tại cuộc họp kín của JPMorgan hôm thứ Ba rằng ông kỳ vọng xung đột thương mại với Trung Quốc sẽ sớm hạ nhiệt, theo nguồn tin thân cận.
Sự cởi mở từ cả hai cường quốc về khả năng đạt được thỏa thuận đánh dấu một bước chuyển đáng kể so với không khí căng thẳng đã bao trùm trong suốt tháng qua. Trong giai đoạn đó, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã liên tục áp thuế đáp trả lẫn nhau và đưa ra những tuyên bố cứng rắn, góp phần đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu vào những tuần giao dịch tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.
Sự thay đổi trong giọng điệu từ Nhà Trắng đối với Trung Quốc, kết hợp với thái độ mềm mỏi hơn của Trump đối với Chủ tịch Fed Jerome Powell, đã tạo động lực cho làn sóng hồi phục mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán, tiếp tục lan rộng sang thị trường châu Á trong ngày 23/04. Minh chứng rõ ràng nhất là chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã đóng cửa tăng 2.4%, đánh dấu ngày tăng điểm thứ 3 liên tiếp.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán, khả năng đạt được giải pháp nhanh chóng cho các mâu thuẫn kinh tế giữa hai nước vẫn còn khá mong manh. Trong những tuần gần đây, thông qua các thông điệp ngày càng cứng rắn trên hệ thống truyền thông nhà nước, Bắc Kinh đã dần chuẩn bị tâm lý cho người dân về một cuộc đấu tranh kéo dài với Mỹ.
Một yếu tố phức tạp khác là lòng tin giữa hai Chính phủ đã suy giảm đáng kể, điều này sẽ tạo ra không ít thách thức nếu và khi các cuộc đàm phán thương mại chính thức được khởi động. Đáng chú ý là trong khi Trump đã bày tỏ sự cởi mở về việc thảo luận thương mại với Trung Quốc, Nhà Trắng vẫn không ngần ngại làm trầm trọng thêm các khía cạnh khác trong mối quan hệ song phương. Điển hình là việc Mỹ gần đây đã thay đổi các trang web chính thức của Chính phủ về COVID-19 nhằm thúc đẩy quan điểm cho rằng virus này có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.
Theo các chuyên gia về chính trị Trung Quốc, ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình là tránh tỏ ra yếu thế trước các biện pháp thuế quan của Trump. Về mặt công khai, Bắc Kinh kiên định yêu cầu Nhà Trắng phải giảm bớt các cuộc tấn công nhằm vào Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán, một quan điểm mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nhấn mạnh lại vào ngày 23/04.
"Nếu Mỹ thực sự muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán, họ nên ngừng đưa ra các mối đe dọa và ép buộc, thay vào đó hãy tham gia đối thoại với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi", ông Guo Jiakun nhấn mạnh.
Vũ Hạo (Theo WSJ)