TPS: Tỷ giá có thể đạt 26,000 VND/USD vào cuối năm, lãi suất duy trì mức thấp
Theo báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam CTCK Tiên Phong (TPS, HOSE: ORS) vừa công bố, tỷ giá có thể tiếp tục tăng và mặt bằng lãi suất vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế.
Mục tiêu tăng trưởng 8% còn nhiều thách thức
Tháng 2/2025, Chính phủ đã trình Quốc hội đề xuất điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2025 đạt 8% trở lên. Mức này cao hơn mục tiêu Quốc hội quyết nghị tại kỳ họp cách đây 3 tháng ở mức 6.5%, đồng thời mục tiêu tăng trưởng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tức lạm phát bình quân khoảng 4.5-5%. Theo đề án của Chính phủ, cơ sở để đạt muc tiêu như sau :
• Thúc đẩy đầu tư công và FDI: Chính phủ dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2025 đạt khoảng 174 tỷ USD, tương đương 33.5% GDP. Trong đó, đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (875,000 tỷ đồng), tăng 84,300 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2024. Đầu tư tư nhân dự kiến đạt 96 tỷ USD, và FDI khoảng 28 tỷ USD.
• Thương mại quốc tế: Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 khoảng 12%, với kỳ vọng đạt thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tăng 14.3%, trong khi nhập khẩu tăng 16.7%, dẫn đến thặng dư thương mại 24.77 tỷ USD.
• Ổn định tài chính và kiểm soát lạm phát: Chính phủ hướng đến việc duy trì lạm phát trong mức 4.5-5%, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đây là một điều chỉnh đáng chú ý thể hiện tham vọng thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ trong năm 2025 tạo bàn đạp cho mục tiêu “tăng trưởng hai chữ số” mà Thủ Tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đề cập vào cuối năm 2024.
Tuy nhiên quan điểm TPS cho rằng để đạt mục tiêu 8% có thách thức.
Biến động kinh tế toàn cầu: Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến đạt 2.8% vào năm 2025, không thay đổi so với năm 2024. Đây là mức thấp hơn so với giai đoạn 2010-2019 (trung bình 3.2%), phản ánh sự suy yếu trong đầu tư, năng suất lao động và những áp lực tài chính gia tăng. OECD cũng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 đạt 3.3%, với mức tăng trưởng khu vực Eurozone chỉ đạt 1.3%. Điều này đặt ra thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt đối với các ngành dệt may, điện tử và nông sản, vốn phụ thuộc vào các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu. Trung bình dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 của các tổ chức lớn cũng quanh mức 6.5% Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khởi động chiến tranh thương mại, đặc biệt với Trung Quốc, có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu căng thẳng thương mại leo thang, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp khó khăn do chính sách thuế quan mới, đồng thời gây áp lực lên chi phí sản xuất trong nước.
Tỷ giá VND/USD có thể chạm 26,000 vào cuối năm, đặc biệt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chậm lại tiến trình cắt giảm lãi suất, Đồng USD mạnh lên có thể làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế, khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trở nên thận trọng hơn.
Áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng cao: Lạm phát tại Việt Nam nhưng vẫn chịu áp lực lớn từ chi phí đầu vào và logistics. Hiện nay, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16.8% GDP, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 10.6% (theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam - VLA). Việc giá xăng dầu giá cước đang ở vùng đáy rất thấp đang có dấu hiệu tăng trở lại làm tăng áp lực lên mục tiêu lạm phát.
Quan điểm của TPS cho rằng khó để đạt được mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ 8%, tuy nhiên Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6.5% - 7% (mục tiêu ban đầu) và mục tiêu mới là thông điệp cho việc Chính Phủ mong muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ưu tiên hàng đầu năm 2025.
Tỷ giá có thể lên 26,000 VND/USD vào cuối năm
Thị trường tài chính đang trong bối cảnh tỷ giá USD/VND đang có xu hướng tăng mạnh từ cuối năm 2024. Tỷ giá hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều tháng qua, với tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đạt mức 24,572 VND/USD. Tỷ giá USD của các ngân hàng thương mại cũng đã có lúc lên 25,740 VND/USD.
TPS dự báo rằng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng trong năm 2025, có thể lên đến mức 26,000 VND/USD vào cuối năm, phản ánh sự biến động mạnh mẽ từ các yếu tố bên ngoài.
Một trong những tác động lớn đến tỷ giá USD/VND là tình hình lạm phát tại Mỹ. Lạm phát tăng lên 3% trong tháng 1/2025, tạo khó khăn cho kế hoạch cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Việc hạn chế tiến trình giảm lãi suất của Fed trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định và thị trường lao động vững vàng, đã giữ cho đồng USD mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các chính sách thuế quan và cắt giảm thuế của Mỹ, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Donald Trump, cũng gây ra sự không chắc chắn trong thương mại quốc tế. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác mà còn làm gia tăng áp lực lên các đồng tiền quốc gia, bao gồm cả đồng Việt Nam (VND). Chính sách thuế quan có thể sẽ tiếp tục đẩy tỷ giá USD/VND lên cao, vì dòng tiền quốc tế tiếp tục đổ vào USD như một kênh đầu tư an toàn.
Trong bối cảnh này, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm và tăng trần tỷ giá USD bán ra. Việc tăng trần tỷ giá USD cho phép NHNN có thêm công cụ để can thiệp vào thị trường sau này khi cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh dự trữ ngoại hối có thể bị ảnh hưởng.
TPS cho rằng việc tỷ giá tăng mạnh đầu năm còn gây bất ngờ với giới đầu tư khiến cho phản ứng của thị trường có phần thái quá trong các phiên ngày 12/02/2025, tuy nhiên dựa trên định hướng thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ trong năm nay của chính phủ và tình hình bất ổn về chính trị thương mại thế giới, kịch bản tỷ giá USD/VND giới hạn tới 26,000 VND/USD là một kịch bản tích cực.
Lãi suất huy động của ngân hàng tiếp tục duy trì mức thấp
TPS nhận thấy rằng lãi suất huy động của các ngân hàng tại Việt Nam trong năm 2025 vẫn duy trì ở mức thấp, với một số điều chỉnh tăng lãi suất ở một số ngân hàng nhỏ trong thời gian ngắn. Còn lại hầu hết các ngân hàng đều giữ trung bình lãi suất ở quanh 5%/năm kỳ hạn 12 tháng, điều này phản ánh sự ổn định về thanh khoản và có nhiều dư địa để các ngân hàng giữ lãi suất cho vay ở mức thấp, hỗ trợ kinh tế.
Hàn Đông