Tin tức
Khối ngoại khởi đầu năm mới bằng tháng bán ròng gần 6.5 ngàn tỷ đồng

Khối ngoại khởi đầu năm mới bằng tháng bán ròng gần 6.5 ngàn tỷ đồng

27/01/2025

Banner PHS

Khối ngoại khởi đầu năm mới bằng tháng bán ròng gần 6.5 ngàn tỷ đồng

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua tháng giao dịch đầu tiên của năm 2025 với không ít “sóng gió”, thể hiện rõ nét qua việc VN-Index có nhịp giảm sâu về dưới 1,230 điểm và chỉ phục hồi trở lại trong nửa sau của tháng, đi kèm thanh khoản tiếp đà suy giảm. Trong bối cảnh đó, khối ngoại bán ròng 14 trên tổng số 17 phiên giao dịch, đưa tổng quy mô bán ròng tháng 1 lên gần 6.5 ngàn tỷ đồng.

Chỉ 3 phiên mua ròng trong cả tháng

Sau năm 2024 chịu áp lực lớn từ việc bán ròng đột biến hơn 90 ngàn tỷ đồng từ khối ngoại, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục hứng chịu làn sóng bán ròng trong tháng đầu tiên của năm 2025 với quy mô gần 6.5 ngàn tỷ đồng. Việc bán ròng nhìn chung diễn ra xuyên suốt trong tháng 1 với tổng cộng 14 phiên, trong khi chỉ mua ròng vỏn vẹn 3 phiên.

Quy mô giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài giảm đáng kể so với các tháng trước đó, ghi nhận hơn 20.4 ngàn tỷ đồng mua vào và hơn 26.9 ngàn tỷ đồng bán ra. Với 17 phiên giao dịch do trùng với giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán thì các con số này thấp hơn trước là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khi tính đến quy mô bình quân mỗi phiên chỉ mua hơn 1.2 ngàn tỷ đồng và bán gần 1.6 ngàn tỷ đồng, tức thấp hơn phần lớn các tháng của năm 2024, thì thực tế thu hẹp quy mô giao dịch của khối ngoại mới thật sự rõ nét.

Trên HOSE, hai “ông lớn” là VIC và FPT bị bán ròng mạnh nhất trong tháng 1, lần lượt hơn 2 ngàn tỷ đồng và gần 1.6 ngàn tỷ đồng. Riêng FPT có tháng thứ hai liên tiếp về nhì trong bảng xếp hạng bán ròng. Chiều mua ròng không xuất hiện cổ phiếu nào có quy mô ngàn tỷ, dẫn đầu là HDB cũng chỉ hơn 404 tỷ đồng.

Kịch bản bán ròng ở tháng 1 cũng diễn ra trên HNX, quy mô gần 83 tỷ đồng, đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp bán ròng.

PVS là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất, ghi nhận hơn 46 tỷ đồng, xếp sau là SHS hơn 38 tỷ đồng. Ở chiều mua ròng, DHT dẫn đầu với quy mô hơn 66 tỷ đồng.

Khởi đầu cho 6 tháng nhiều thách thức

Trong những ngày gần đây, các yếu tố tác động đến lực bán ròng mạnh mẽ trong năm 2024 như đồng USD tăng giá, chênh lệch lãi suất, chênh lệch lợi tức trái phiếu Chính phủ (TPCP) ở mức cao đã có chiều hướng bớt căng thẳng hơn.

Cụ thể, chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) sau khi tiệm cận vùng 110 đã có sự điều chỉnh giảm nhẹ về dưới 108, bên cạnh là lợi tức TPCP 10 năm của Mỹ cũng từ vùng 4.8% giảm xuống quanh 4.6%.

Tuy vậy, năm 2025 mới chỉ bước qua tháng đầu tiên và các chuyển động trong khoảng thời gian gần đây chưa đủ sức tạo ra sự thay đổi lớn. Các diễn biến liên quan tỷ giá, lãi suất, xu hướng dòng vốn đầu tư toàn cầu… vẫn sẽ là ẩn số trong chặng đường dài còn lại.

Theo nhận định của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nêu trong báo cáo chiến lược gần đây, 2025 dự kiến vẫn sẽ là một năm nhiều thách thức trong việc điều hành tỷ giá, cùng chính sách để chênh lệch lãi suất USD/VND (SWAP) hầu hết thời gian ở mức âm như những năm gần đây đi kèm với bối cảnh kỳ vọng Fed chỉ cắt giảm lãi suất thêm hai lần.

Dựa trên cách điều hành về việc để SWAP USD/VND âm nhẹ những năm gần đây, nền lãi suất liên ngân hàng dự kiến cũng sẽ về xấp xỉ 3.8% với dự báo Fed cắt giảm lãi suất thêm hai lần về quanh 4%.

SHS cũng đưa kịch bản khối ngoại tiếp tục bán ròng vào một trong các yếu tố rủi ro, bất định cho TTCK Việt Nam năm 2025, khi chênh lệch lãi suất vẫn ở mức cao, thị trường không có nguồn cung chất lượng mới. Các rủi ro còn lại bao gồm tỷ lệ dự nợ vay ký quỹ ở mức cao, căng thẳng địa chính trị trên thế giới và diễn biến kinh tế thế giới, Việt Nam trước áp lực áp đặt thuế quan của Mỹ.

Tuy vậy, SHS kỳ vọng sự kiện Việt Nam nâng hạng lên thị trường Mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging) của FTSE vào tháng 9/2025 nếu thành công có thể thu hút dòng vốn đầu tư tương đối từ nước ngoài, chủ yếu từ các quỹ thị trường mới nổi tại Mỹ.

Chia sẻ tại chương trình Vietstock LIVE ngày 17/01/2025, bà Đỗ Minh Trang - Giám đốc Trung tâm Phân tích ACBS cho rằng, TTCK Việt Nam khả năng cao sẽ được nâng hạng vào tháng 9/2025, qua đó thu hút dòng vốn ETF thụ động 300 - 400 triệu USD. Còn với dòng tiền chủ động, dự báo khoảng 3 - 5 tỷ USD có thể đổ vào trong vòng 5 năm.

Bà Trang cũng nhấn mạnh về tính cấp thiết của sự kiện nâng hạng. Cụ thể, với việc dòng tiền trong môi trường kinh doanh bất định có xu hướng rút về Mỹ thì các thị trường Mới nổi cũng đang bị rút ròng chứ không riêng Cận biên. Do đó, nếu Việt Nam không nhanh chóng chuyển mình sang Mới nổi thì rất khó thoát cảnh tiếp tục bị bán ròng.

Hay theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS, các rủi ro về kinh tế vĩ mô sẽ diễn ra trong nửa đầu 2025 do những lo ngại từ chính sách thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, đến nửa cuối năm, Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng chính từ chính sách thuế quan. Kết hợp với yếu tố nâng hạng, quý 3 và quý 4 sẽ là giai đoạn mà dòng tiền tăng mạnh hơn, khối ngoại trở lại mua ròng.

Kịch bản khối ngoại trở lại mua ròng hay ít nhất là giao dịch cân bằng từ quý 3 cũng được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán đồng tình, hay thậm chí với một số quan điểm tích cực hơn có thể bắt đầu từ quý 2.

Cần lưu ý rằng, các dự báo về diễn biến tích cực của dòng vốn ngoại từ nửa cuối 2025 cũng cho thấy thị trường vẫn phải trải qua 6 tháng đầu năm không hề dễ dàng và tháng 1 khép lại cũng chỉ là sự khởi đầu cho giai đoạn đó.

Huy Khải

FILI - 07:00:00 27/01/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng