Hải Phòng sẽ góp gần 11 ngàn tỷ cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
UBND thành phố Hải Phòng đề xuất đóng góp 10,960 tỷ đồng vào nguồn vốn dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn; xây tuyến nhánh Nam Hải Phòng - Nam Đồ Sơn.
![]() Vị trí xây dựng các ga
|
Theo Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố thông qua việc đóng góp kinh phí từ nguồn vốn ngân sách thành phố để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (đoạn qua địa bàn TP. Hải Phòng), tiến độ đầu tư xây dựng khu bến cảng Nam Đồ Sơn và Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, UBND Thành phố đã đề xuất về việc Hải Phòng đóng góp với tổng kinh phí khoảng 10,960 tỷ đồng vào nguồn vốn dự án để thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố (cả hai giai đoạn) và xây dựng tuyến nhánh Nam Hải Phòng - Nam Đồ Sơn trước năm 2030, chiều dài 12.63km.
Hải Phòng nhận định việc triển khai dự án có ý nghĩa tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần từng bước phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ, qua đó tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững đúng như mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.
Hải Phòng đánh giá dự án sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa trên hành lang Đông Tây, là cửa ngõ giao thương với thế giới qua các cảng biển lớn khu vực Hải Phòng, cũng như kết nối liên vận quốc tế về giao thông đường sắt tại cửa khẩu Lào Cai.
Cơ hội phát triển kinh tế cho các địa phương dọc tuyến
Được đánh giá có hướng tuyến tối ưu, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng chạy dọc theo sông Hồng và đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, rất thuận lợi cho kết nối đường bộ và đường sắt. Việc phát triển giao thông vận tải đường sắt trên hành lang kinh tế Đông Tây "Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng" không chỉ thúc đẩy kinh tế mậu dịch qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn hình thành tuyến thông đạo bằng đường sắt liên kết Đông Á - Trung Á - châu Âu; tạo không gian phát triển mới, đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ... tại các địa phương dọc hành lang tuyến.
Với tỉnh Lào Cai, dự án mang lại những lợi ích to lớn và tạo ra những cơ hội phát triển vượt bậc cho tỉnh, góp phần rất lớn xây dựng tỉnh thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc; tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia vào quá trình xây dựng, cung cấp vật liệu, dịch vụ logistics.
Các doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi từ việc giảm chi phí vận chuyển, mở rộng thị trường tiêu thụ. Người dân địa phương sẽ có cơ hội được đi lại, giao thương thuận lợi hơn, tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục tốt hơn. Dự án cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm, giúp người dân tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Đối với tỉnh Yên Bái, địa phương mà tuyến đường sắt sẽ chạy qua gần 77km với hai ga trung gian hành khách và hàng hóa tập trung là An Thịnh và Yên Bái; có ba ga kỹ thuật là Châu Quế Thượng, Đông An và Y Can, dự án sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối các khu, cụm công nghiệp và các huyện phía tây của tỉnh với bên ngoài; đồng thời tạo bước đột phá trong phát triển hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, tăng cường kết nối giao thông, giảm chi phí logistics hàng hóa; tăng thêm lợi thế thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng phát triển kinh tế của các địa phương vùng miền núi phía tây của Yên Bái.
Huy Khải