Giá cổ phiếu SHS gấp đôi đầu năm, Phó Tổng kiêm Kế toán trưởng đã thoái sạch vốn
Ông Trần Sỹ Tiến - Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS) đã bán toàn bộ hơn 1.1 triệu cp SHS nắm giữ, tương đương tỷ lệ 0.14%, trong ngày 10/11/2023.
Mục đích thực hiện giao dịch là đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân. Tạm tính theo thị giá SHS kết phiên 10/11 (17,400 đồng/cp), ông Tiến thu về hơn 19 tỷ đồng sau khi thoái toàn bộ vốn tại SHS.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm, SHS hiện có một cổ đông lớn duy nhất là CTCP Tập đoàn T&T nắm giữ 45.5 triệu cp, tương ứng 5.59% vốn.
Ông Trần Sỹ Tiến (sinh năm 1973) được HĐQT bổ nhiệm chức vụ Kế toán trưởng Chứng khoán SHS vào tháng 09/2011 và chức vụ Phó Tổng Giám đốc kiêm nhiệm Kế toán trưởng Công ty vào tháng 04/2014. |
Đáng chú ý, giai đoạn từ tháng 7-10/2023, loạt lãnh đạo khác của SHS cũng thoái sạch vốn hoặc bán phần lớn cổ phiếu SHS đang nắm giữ với cùng mục đích “đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân”.
Cụ thể, trong hai ngày 04-05/07, bà Nguyễn Thủy Hạnh Mai, người được ủy quyền công bố thông tin, đã bán hết 178,614 cp SHS nắm giữ (tỷ lệ 0.02%).
Ngày 08/08, ông Vũ Đức Trung - Thành viên BKS giảm sở hữu cổ phiếu SHS từ hơn 2.74 triệu cp (tỷ lệ 0.34%) còn hơn 2.66 triệu cp (tỷ lệ 0.33%). Phó Tổng Giám đốc - Nguyễn Chí Thành cũng thoái sạch vốn tại SHS sau khi bán ra toàn bộ hơn 1.1 triệu cp nắm giữ, tương ứng 0.14% vốn, từ ngày 07-24/08.
Từ ngày 15-20/09, ông Lưu Danh Đức - Ủy viên HĐQT bán hết 375,000 cp SHS (tỷ lệ 0.05%); bà Doãn Thị Như Quỳnh - Người phụ trách quản lý Công ty bán sạch 58,750 cp SHS (tỷ lệ 0.01%) trong ngày 04/10; bà Phạm Thị Bích Hồng - Trưởng Ban kiểm soát, thoái toàn bộ 355,299 cp (tỷ lệ 0.04%) từ ngày 11/09-06/10.
Không dừng lại tại đó, từ ngày 17/11-15/12, bà Lương Thị Lựu - Thành viên BKS đăng ký bán hết 62,578 cp SHS nắm giữ, tương ứng 0.01% vốn. Nếu thành công, bà Lựu sẽ không còn là cổ đông của SHS.
Tổng hợp các giao dịch thoái vốn của lãnh đạo SHS
Nguồn: VietstockFinance
|
Động thái thoái toàn bộ vốn đang nắm giữ của các lãnh đạo SHS diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu này tăng tích cực từ đầu tháng 3 và đạt mức cao nhất 17 tháng là 20,500 đồng/cp (phiên 12/09), trước khi quay đầu giảm mạnh từ cuối tháng 9.
Kết phiên 16/11, thị giá SHS dừng ở mức 18,100 đồng/cp, giảm 12% so với đỉnh nói trên nhưng tăng 97% so với đầu năm. Khối lượng khớp lệnh bình quân từ đầu năm hơn 21 triệu cp/phiên.
Diễn biến giá cổ phiếu SHS từ đầu năm 2023 đến nay
Nguồn: VietstockFinance
|
Đồng pha với diễn biến giá cổ phiếu, kết quả kinh doanh quý 3 của SHS khả quan. Cụ thể, doanh thu hoạt động ở mức 484 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ và lãi ròng gần 199 tỷ đồng, gấp 2.3 lần cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, SHS ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 1,469 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ và đạt 76% kế hoạch năm. Lãi trước thuế tăng vọt từ hơn 20 tỷ đồng lên 471 tỷ đồng, tương ứng gấp 24 lần, nhưng chỉ thực hiện được 43% kế hoạch lợi nhuận năm (1,103 tỷ đồng).
Lợi nhuận ròng các năm trước của SHS | ||
Tại ngày 30/09/2023, tổng tài sản của SHS đạt hơn 10,806 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với đầu năm.
Khoản mục FVTPL có giá trị gốc hơn 3,535 tỷ đồng, giảm 17%, gần một nửa trong đó là cổ phiếu niêm yết với hơn 1,766 tỷ đồng, tiếp theo là cổ phiếu chưa niêm yết 765 tỷ đồng, trái phiếu niêm yết 644 tỷ đồng, trái phiếu chưa niêm yết 350 tỷ đồng và chứng chỉ quỹ 10 tỷ đồng. Các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục FVTPL của SHS vào cuối quý 3 là EIB có giá trị gốc 311 tỷ đồng, MWG 184 tỷ đồng, FRT 184 tỷ đồng.
SHS còn có khoản tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) hơn 475 tỷ đồng, chiếm phần lớn tỷ trọng là cổ phiếu SHB và TCD.
Thế Mạnh