Tin tức
ĐHĐCĐ VPBank: Nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém

ĐHĐCĐ VPBank: Nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém

29/04/2024

Banner PHS

Trực tuyến

ĐHĐCĐ VPBank: Nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém

Sáng 29/04, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSEVPB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 để thảo luận, phê duyệt các tờ trình như kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức tiền mặt cho năm 2023, triển khai chương trình ESOP, bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT...


ĐHĐCĐ thường niên 2024 của VPBank tổ chức sáng 29/04 tại Hà Nội. Ảnh: Thế Mạnh

​Theo biên bản kiểm phiếu, tính đến 9h sáng 29/04, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của VPBank có sự tham dự của 180 cổ đông, đại diện cho hơn 6.52 tỷ cổ phần, tương đương 81.93% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đủ điều kiện tiến hành.

 

5 định hướng tăng trưởng chính cho năm 2024

Ông Nguyễn Đức Vinh – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPBank cho biết, mục tiêu tăng trưởng 2022-2026 đề ra không hề thay đổi, nếu những năm trước bị chậm ở đâu đó thì những năm tới đây, đặc biệt giai đoạn 2024-2025 sẽ là thời điểm Ban lãnh đạo đẩy mạnh, khắc phục, lấy lại sự tăng trưởng. VPBank sẽ tập trung vào 5 định hướng tăng trưởng chính cho năm 2024.

Đầu tiên là tập trung tăng trưởng chất lượng, nếu những giai đoạn 5 năm trước VPBank chủ trương tập trung mở rộng quy mô thì giờ phải song song, khách hàng mang lại giá trị đem đến nhiều lợi nhuận hơn.

Trọng âm trong thời gian tới, VPBank chú ý rất nhiều vấn đề chất lượng tài sản, năm nay mặc dù ảnh hưởng từ 2023 chưa hết, khó khăn từ bất động sản chưa nguôi nhưng VPBank vẫn nhìn thấy được những cơ hội, từ việc Chính phủ hỗ trợ thị trường, cầu – cung có khả năng phục hồi, tuy nhiên đến nay Ngân hàng tỏ ra hết sức thận trọng khi tăng trưởng quý 1/2024 trung bình chưa phải cao. Ban lãnh đạo VPBank vẫn đánh giá nửa cuối 2024 sẽ là thời điểm cầu trên thị trường phục hồi dần, có thể mức độ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2025 nhưng chúng tôi vẫn lạc quan để chuẩn bị cho sự tăng trưởng đó.

Thứ hai, đồng bộ tất cả phân khúc khách hàng, đặt mục tiêu trọng tâm tăng trưởng ở phân khúc chiến lược là khách hàng cá nhân và SME mức 25-30%. Đồng thời tìm kiếm cơ hội phát triển trong phân khúc FDI được đánh giá là nhiều tiềm năng, dự kiến hơn gấp đôi số lượng khách hàng và hơn gấp 4 lần quy mô huy động, cho vay làm sao đưa phân khúc FDI trở thành những trụ cột tương lai của VPBank, hòa đồng cùng các phân khúc khác, tạo cơ hội lớn trên thị trường.

Trước đây quy mô vốn còn hạn chế nên chúng ta chưa thể tiếp cận các phân khúc lớn nhiều, nhưng nay có nền tảng vốn lớn cùng với sự hỗ trợ của SMBC thì tin rằng VPBank đủ sức lực, nguồn lực để phát triển đồng bộ.

Thứ ba, VPBank xác định xu hướng từ Chính phủ, thế giới về tín dụng xanh (ESG) đi theo hướng đạt bền vững, chúng ta sẽ định hướng hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch, hỗ trợ chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hỗ trợ công đồng người yếu thế trong xã hội. Do vậy, VPBank không chỉ là Ngân hàng chỉ phục vụ cho người giàu, thu nhập cao để giảm thiểu rủ ro, dù vẫn đang được chủ trọng nhưng chúng tôi cũng có cam kết trách nhiệm xã hội cao.

VPBank đang cung cấp các dịch vụ cho tầng lớp bình dân nhất, hay doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt các doanh nghiệp siêu nhỏ không có điều kiện tiếp xúc, đó là trách nhiệm, định hướng cam kết xã hội của Ngân hàng vừa là phát triển kinh tế, vừa thúc đẩy kinh doanh cũng như đem lại cống hiến cho xã hội.

Thứ 4, VPBank xây dựng, củng cố nền tảng liên quan đến công nghệ, số hóa, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu. Đầu tiên hình thành lên khối thúc đẩy nghiên cứu dữ liệu, Ban lãnh đạo đã trực tiếp tham gia vào xây dựng sáng kiến để hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng các sáng kiến này, chúng tôi không dừng lại khẩu hiệu mà có cam kết đưa kết quả ứng dụng thực tế công nghệ, dữ liệu, AI vào hỗ trợ cho quá trình hiện đại hóa, số hóa của Ngân hàng để đem lại giá trị thiết thực cho cộng đồng.

Thứ năm là xác định hệ sinh thái không chỉ thể hiện ở quy mô Tập đoàn mà sự liên kết giữa các mảng, trong đó VPBank quan tâm hệ sinh thái hỗ trợ nhà đầu tư, hỗ trợ nhà tiêu dùng, hỗ trợ giao dịch bất động sản... Các chương trình thí điểm, sáng kiến trọng điểm đã được Ban lãnh đạo đầu tư rất nhiều.

Với 5 định hướng trên, trong điều kiện VPBank tối ưu hóa, mục tiêu sẽ tạo ra sự tăng trưởng trên dưới 30% của tổng tài sản, dự kiến duy trì sự tăng trưởng cao về huy động 25-30%, cho vay duy trì mức cao nhất nằm trong top thị trường.

VPBank cũng thực hiện tái cấu trúc toàn diện FE Credit. Sau 10 năm mang lại những giá trị to lớn cho ngân hàng, FE Credit bước vào giai đoạn khó khăn từ COVID-19, hơn 60% khách hàng bị ảnh hưởng, rất nhiều người lao động không còn khả năng chi trả, dẫn tới tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Do đó, VPBank áp dụng nhiều biện pháp để giảm tốc độ tăng trưởng, đảm bảo chất lượng tài sản. Đây cũng là cơ hội để ban lãnh đạo nhìn lại mô hình kinh doanh để thực hiện tái cấu trúc.

SMBC cũng hỗ trợ cho FE Credit đánh giá lại mô hình, tái cấu trúc lại danh mục. Hiện danh mục FE Credit vẫn lớn đứng đầu trên thị trường tín dụng tiêu dùng nhưng cần sự thay đổi chất lượng. Hiện đã có những tín hiệu tích cực khi chặn được đà suy giảm và tăng trưởng giải ngân quý 4/2023, quý 1/2024. Đà suy giảm chất lượng nợ cũng được chặn lại, đưa tỷ lệ nợ xấu FE Credit xuống dưới 20%.

Quý 1/2024, FE Credit vẫn gặp khó khăn và chưa mang lại hiệu quả. Ở quý 2, VPBank nhìn thấy dấu hiệu tích cực hơn, đặc biệt 6 tháng cuối năm dự kiến FE Credit sẽ mang lại hiệu quả như dự kiến.

Mặt khác, VPBank cũng đã phát triển mảng ngân hàng đầu tư thông qua công ty chứng khoán VPBankS. Đây là một trong 3 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất. Công ty bảo hiểm OPES mặc dù mới được mua lại cuối năm 2022 sau khi tích hợp vào hệ thống cũng đã mang lại hơn 160 tỷ lợi nhuận cho VPBank.

 

Chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10%, phát hành 30 triệu cp ESOP

Về phương án phân phối lợi năm 2023, lợi nhuận còn lại sau trích quỹ bắt buộc của VPBank là gần 8,353 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến chi khoảng 7,934 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ 10% (sở hữu 1 cp được nhận 1,000 đồng).

Thời gian thực hiện dự kiến quý 2-3/2024. Thời gian cụ thể sẽ do HĐQT quyết định, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và các điều kiện thực tế của Ngân hàng. Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận còn lại VPBank gần 419 tỷ đồng.

Đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt. Trước đó, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank tuyên bố tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 là Ngân hàng cam kết sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông trong 5 năm liên tiếp.

Bên cạnh đó, HĐQT VPBank sẽ trình ĐHĐCĐ phương án phát hành tối đa 30 triệu cp theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Giá chào bán dự kiến 10,000 đồng/cp. Đối tượng tham gia là cán bộ nhân viên VPBank và các công ty con theo tiêu chí và danh sách do HĐQT quyết định. Các thành viên HĐQT không điều hành không được mua.

Mục tiêu lãi trước thuế tăng 114%

Năm 2024, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 23,165 tỷ đồng, tăng 114% so với thực hiện 2023. Trong đó, lợi nhuận từ ngân hàng mẹ dự kiến 20,709 tỷ đồng, FE Credit 1,200 tỷ đồng, Chứng khoán VPBank (VPBankS) 1,902 tỷ đồng và Bảo hiểm OPES 873 tỷ đồng.

Lãi trước thuế VPBank giai đoạn 2010-2023

Ngân hàng cũng đưa ra mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản mức 19%, đạt 974,270 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng dự kiến 598,864 tỷ đồng, tăng 22%. Tăng trưởng tín dụng dự kiến 25%, tương ứng dư nợ cấp tín dụng đạt 752,104 tỷ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng trên còn phụ thuộc vào hạn mức của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ kiểm soát dưới 3%.

Theo BCTC hợp nhất quý 1/2024, VPBank ghi nhận lãi trước thuế gần 4,182 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối quý 1, tổng tài sản gần 822,367 tỷ đồng, tín dụng tăng 2.1% so với đầu năm, đạt gần 613 ngàn tỷ đồng. Huy động vốn từ khách hàng và giấy tờ có giá tăng 2.4%. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 5.02% xuống 4.84%.

Nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém

Một nội dung quan trọng khác là trình ĐHĐCĐ xem xét thông qua việc VPBank nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém là một ngân hàng thương mại. Theo đó, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của tổ chức này không vượt quá 5% quy mô tương ứng của VPBank vào cuối năm 2023 và vốn điều lệ của TCTD không quá 5,000 tỷ đồng.

Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, TCTD được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức Ngân hàng TNHH MTV do VPBank làm chủ sở hữu. Hiện, VPBank chưa công bố thông tin cụ thể về TCTD nào được nhận chuyển giao. 

Phát hành 400 triệu USD trái phiếu quốc tế

ĐHĐCĐ VPBank sẽ xem xét về kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế bền vững theo hình thức riêng lẻ cho một số nhà đầy tư. Giá trị phát hành dự kiến là 400 triệu USD với thời hạn 5 năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm, không kèm chứng quyền.

Việc thực hiện được lên kế hoạch trong năm 2024 hoặc quý 1/2025. Toàn bộ số tiền thu về từ phương án này sẽ được dùng để cấp tín dụng cho các phương án, dự án,... đáp ứng tiêu chí xanh và xã hội đủ điều kiện theo Khung trái phiếu Bền vững của ngân hàng.

Bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT

Tại Đại hội, VPBank cũng dự kiến trình cổ đông thống nhất số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 là 7 thành viên trong đó có một thành viên độc lập. Đồng thời, bầu bổ sung hai thành viên HĐQT vào nhiệm kỳ.

Ứng cử viên thứ nhất là ông Takeshi Kimoto sinh năm 1970 nguyên quán Nhật Bản, hiện là Thành viên Ban Giám sát Ngân hàng PT Bank BTPN Tbk, một công ty con được thành lập tại Indonesia của SMBC sau khi sáp nhập giữa Ngân hàng PT Bank Tabungan Pensiunan Nasional Tbk và ngân hàng PT Bank Sumitomo Mitsui Indonesia (SMBCI) vào năm 2019.

Ứng cử viên thứ hai là bà Phạm Thị Nhung sinh năm 1980, hiện là Phó Tổng Giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Khối quản lý đối tác và Quan hệ đối ngoại VPBank.

Với nhu cầu kết nối, mở rộng hợp tác kinh doanh trên một số mảng kinh doanh mới, nhóm khách hàng tiềm năng mới tại thị trường Nhật Bản, dưới sự hợp tác chiến lược nước ngoài SMBC, HĐQT VPBank cũng dự kiến sẽ thành lập một chi nhánh, văn phòng đại diện, công ty con hoặc các hình thức hiện diện thương mại khác của VPBank tại nước ngoài (Nhật Bản).

*Tiếp tục cập nhật...

Thế Mạnh

FILI

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng