Tin tức
ĐHĐCĐ OCB: Kế hoạch lãi trước thuế 2024 tăng 66%, chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu

ĐHĐCĐ OCB: Kế hoạch lãi trước thuế 2024 tăng 66%, chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu

15/04/2024

Banner PHS

Trực tuyến

ĐHĐCĐ OCB: Kế hoạch lãi trước thuế 2024 tăng 66%, chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu

Sáng ngày 15/04/2024, Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, phương án tăng vốn điều lệ và chia cổ tức.

Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT OCB chia sẻ đầu Đại hội, năm 2023, đối mặt với những cơn gió ngược từ thế giới như: Căng thẳng địa chính trị leo thang, chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều NHTW lớn nhằm kiểm soát lạm phát, tổng cầu thế giới giảm… kết hợp những khó khăn nội tại, tiêu dùng và bán lẻ tăng trưởng không như kỳ vọng, xuất nhập khẩu suy yếu, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng… từ đó, lĩnh vực ngân hàng cũng bị ảnh hưởng sâu rộng khi lượng hấp thụ vốn toàn nền kinh tế suy yếu, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng so với cùng kỳ.

Năm 2023, tăng trưởng tín dụng OCB đạt 148,005 tỷ đồng, tăng gần 21% so với năm 2022. Tập trung vào các ngành nghề ưu tiên, đầu tư công, giảm tỷ trọng ngành nghề có rủi ro cao đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động cho vay sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, thẻ tín dụng đối với khách hàng cá nhân.

Đồng hành cùng khách hàng, bên cạnh các biên pháp cơ cấu nợ, OCB triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp chỉ từ 5.2%/năm. Huy động thị trường 1 trong năm 2023 tăng 22%, đạt 168,000 tỷ đồng, trong đó tăng chủ yếu từ tiền gửi khách hàng, nguồn vốn tài trợ và ủy thác đầu tư từ các định chế tài chính. Quan hệ hợp tác với các định chế tài chính quốc tế như IFC, DEG… được tăng cường, qua đó giúp Ngân hàng củng cố nguồn vốn trung dài hạn.

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của OCB được tổ chức sáng ngày 15/04/2024.

Tăng vốn điều lệ lên 24,717 tỷ đồng, chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu

Năm 2023, OCB đạt lãi trước thuế hơn 4,139 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ theo quy định, lợi nhuận còn lại năm 2023 còn gần 2,770 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại gộp với các năm trước là hơn 5,307 tỷ đồng.

OCB đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4,168 tỷ đồng trong năm 2024 thông qua 3 phương án.

Đầu tiên là kế hoạch phát hành gần 411 triệu cp để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%. Nguồn vốn sử dụng từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến ngày 31/12/2023 theo BCTC hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán.

Thứ hai, phát hành 5 triệu cp theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá phát hành 10,000 đồng/cp. Số cổ phần mới phát hành theo chương trình ESOP (và cổ tức bằng cổ phiếu phát sinh từ các cổ phiếu này) chịu hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành, mỗi năm được giải tỏa 25%.

Thứ ba, chào bán tối đa 882,353 cp riêng lẻ với tổng giá trị dự kiến chào bán tối đa hơn 8.8 tỷ đồng. Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của Ngân hàng tại thời điểm cuối quý gần nhất với thời điểm phát hành. Số cổ phần mới chào bán trong đợt chào bán riêng lẻ chịu hạn chế chuyển nhượng theo quy định pháp luật và thỏa thuận giữa OCB và nhà đầu tư. Nhà đầu tư được chào bán trong đợt này là cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Nếu thành công cả 3 phương án trên, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ mức 20,548 tỷ đồng lên 24,717 tỷ đồng. Số tiền thu được từ tăng vốn, Ngân hàng sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư, cho vay và mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.

Thời gian thực hiện các đợt tăng vốn sẽ do HĐQT quyết định sau khi được cơ quan chức năng cho phép.

Dự kiến sau khi tăng vốn, Aozora bank, Ltd. vẫn là cổ đông lớn duy nhất của OCB với tỷ lệ sở hữu 15%.

Kế hoạch lãi trước thuế 2024 tăng 66%

Nguồn: OCB

Với số vốn điều lệ tăng thêm, OCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 6,885 tỷ đồng, tăng 66% so với kết quả năm 2023. Mục tiêu đến cuối năm 2024, tổng tài sản đạt 286,562 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Tổng huy động vốn thị trường 1 dự kiến đạt 197,346 tỷ đồng và tổng dư nợ thị trường 1 đạt 177,592 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 20%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.

Tỷ lệ ROE và ROA mục tiêu lần lượt đạt 17.11% và 2.06%.

Nguồn: VietstockFinance

Ngoài ra, OCB cũng dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên 2024 điều chỉnh một số điều lệ Ngân hàng và quyền hạn của ĐHĐCĐ.

Thảo luận:

Nguyên nhân khách quan và chủ quan làm cho chênh lệch báo cáo tự lập và kiểm toán 2023?

Ông Nguyễn Đình Tùng – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc: Sỡ dĩ sau báo cáo kiểm toán, kết quả kinh doanh của OCB có một số thay đổi, là do OCB chủ động trích lập thêm chi phí dự phòng để tăng cường bộ đệm quỹ dự phòng rủi ro tín dụng và điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 sẽ được hạch toán trong năm 2024.

Ngoài việc chủ động giảm lãi suất cho vay hiện hữu, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và thường xuyên đưa ra các chương trình ưu đãi, ngân hàng cũng liên tục triển khai nhiều biện pháp quản trị rủi ro tiên tiến và xử lý nợ xấu, để đảm bảo chất lượng tài sản tín dụng, bao gồm cả giải pháp cho phép khách hàng sử dụng tài sản đảm bảo để bàn giao cho ngân hàng nhằm thay thế nghĩa vụ trả nợ, nhằm rút ngắn thời gian xử lý và giảm gánh nặng về lãi và các khoản phí liên quan cho khách hàng so với việc thi hành các biện pháp xử lý nợ thông qua tố tụng thông thường. Ngoài ra, OCB vẫn hỗ trợ các điều khoản để khách hàng được ưu tiên mua lại tài sản của mình tại thời điểm phù hợp khi có nhu cầu và các khó khăn về thu nhập đã được cải thiện.

Mặc dù phương thức nhận tài sản đảm bảo để thay thế nghĩa vụ trả nợ được pháp luật cho phép nhưng việc triển khai lại đang thiếu thống nhất và đồng bộ giữa địa phương và các cơ quan hữu quan do vướng mắc tại khâu đăng ký cập nhật biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Việc hạch toán các khoản vay liên quan cũng còn nhiều quan điểm trái chiều từ nhiều phía cho dù nghĩa vụ nợ của khách hàng được xác định là đã chấm dứt khi hoàn tất bàn giao tài sản đảm bảo. Trên cơ sở đó, OCB đã chủ động trích lập tăng thêm chi phí dự phòng cho các khoản nợ đã bàn giao tài sản đảm bảo này.

Phần điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 đã được hoàn tất ghi nhận trong quý 1/2024, đồng thời các khoản nợ khách hàng đã bàn giao tài sản đảm bảo để thay thế nghĩa vụ trả nợ, tính đến nay, ngân hàng đã xử lý giảm hơn 50%, nên chi phí dự phòng đã trích bổ sung cho những tài sản này vào cuối 2023 cũng sẽ được hoàn lại tương ứng.

IFCOCB vừa ký kết tài trợ, lợi ích mà IFC mang đến cho OCB trong dài hạn? OCB có chiến lược đầu tư cho ESG như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Tùng: Thực tế, OCB đã xây dựng các chuẩn mực “xanh” trong hoạt động từ nhiều năm trước. Trong năm 2024, OCB quyết định đưa các nội dung này thành chiến lược tổng thể, xây dựng thành khung với 3 trụ cột liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để điều chỉnh tất cả các sản phẩm OCB đưa ra thị trường.

OCB đã không ngừng mở rộng danh mục cho vay đối với các dự án phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực xã hội và khí hậu đủ điều kiện. Quy mô tín dụng xanh tại OCB đang trong xu hướng tăng dần và đạt tỷ trọng trung bình 8-10% trên tổng quy mô dư nợ tín dụng toàn ngân hàng, quy mô này dự kiến sẽ tăng mạnh trong các năm tới.

Sự hợp tác chiến lược giữa OCBIFC khẳng định cam kết trong việc theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu trở thành ngân hàng xanh. Dự kiến, Quý 3/2024, OCB sẽ phát hành báo cáo phát triển bền vững độc lập với sự tư vấn từ PwC

Khoản vay của 2 khách hàng FLC và Đại Nam đến thời điểm hiện tại như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Tùng: Hai khoản này đã được giải trình với cổ đông rất kỹ trong ĐHĐCĐ 2023 và OCB đã thu hồi đầy đủ các khoản nợ của 2 khách hàng này. Riêng đối với khách hàng FLC, hoạt động cho vay của OCB rất chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch. Còn sai phạm chỉ mang phương diện cá nhân.

Ngân hàng Aozora Nhật Bản hiện vẫn là cổ đông nước ngoài lớn nhất của OCB, vậy sau 3 năm với vai trò là đối tác chiến lược, Aozora đã hỗ trợ OCB như thế nào và hiệu quả ra sao?

Ông Yoshizawa Tshiki – Cổ đông đến từ Aozora Bank: Từ tháng 6/2021, Aozora Bank nắm giữ 15% cổ phần OCB, không chỉ là cổ đông mà còn là đối tác chiến lược.

3 năm qua, thời điểm mới đầu tư, OCB không có khách hàng Nhật Bản. Sau đó, Aozora tiến hành khai thác khách hàng Nhật Bản. Khách hàng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng đông, nên Aozora cũng muốn nâng lượng khách hàng Nhật tại OCB.

2 thành viên HĐQT đến từ Aozora dù không thường trú tại Việt Nam nhưng cũng tham gia vào hoạt động quản trị giám sát của OCB và trong thời gian tới.

Ông Trịnh Văn Tuấn: Aozora tham gia vào tất cả cuộc họp HĐQT, ủy ban từ quản lý rủi ro, tín dụng, quản lý tài sản.

Aozora cũng đã giới thiệu và thành lập ban, đưa khách hàng Nhật Bản về giao dịch tại OCB.

....Tiếp tục cập nhật

Cát Lam

FILI

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng