Tin tức
Chuyên gia dự báo về sự dịch chuyển của các dòng tiền sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đầu tư

Chuyên gia dự báo về sự dịch chuyển của các dòng tiền sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đầu tư

27/04/2024

Banner PHS

Chuyên gia dự báo về sự dịch chuyển của các dòng tiền sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đầu tư

Chuyên gia lạc quan khi cho rằng dòng tiền sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đầu tư chứng khoán sẽ sớm quay trở lại vào nửa cuối năm nay, đồng thời nhận định chưa thể kỳ vọng nhiều vào dòng tiền đầu tư bất động sản.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển tại buổi chia sẻ. Nguồn: Ảnh chụp màn hình

Xuất khẩu phục hồi rõ rệt trong quý 1/2024

Trong chương trình Vietstock LIVE với chủ đề “Đọc vị kết quả kinh doanh Q1/2024 và triển vọng kinh tế Việt Nam” diễn ra chiều 24/04, ông Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng - Chủ tịch Ban Đại diện Quỹ Đầu tư Manulife, Thành viên HĐQT và cố vấn chiến lược cho một số công ty tại TPHCM, cho biết tình hình GDP của Việt Nam trong quý 1 vừa qua tiếp tục khả quan.

So với 5 năm gần đây, quý 1/2024 có mức tăng cao nhất và hầu như tất cả chuyên gia đều thấy rõ sản xuất đã có sự phục hồi. Các công ty đã bắt đầu tuyển dụng lại mạnh mẽ bởi các đơn hàng phục hồi mạnh hơn năm 2023.

Trong quý 1/2024, ngành công nghiệp vẫn có mức tăng trưởng ấn tưởng, ghi nhận 6.28%. Ngành thương mại dịch vụ tăng 6.12%, có phục hồi nhưng vẫn còn yếu. Còn ngành nông nghiệp vẫn còn khó khăn, đặc biệt vấn đề thủy sản vẫn rất khó.

Bên cạnh đó, CPI tháng 2 tăng mạnh nhưng tháng 3 đã kìm hãm lại. Tựu chung, CPI quý 1 ở mức 3.77%, có cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, gây lo ngại nhất định về vấn đề lạm phát, song song đó tỷ giá cũng tăng khá mạnh, và đến nay tỷ giá đã tăng trên 5%. Điều này có thể là điểm mà Chính phủ cần chú ý về vấn đề cung tiền để kích thích kinh tế và kìm chế lạm phát.

Năm 2021, mặc dù đại dịch COVID-19 và phải cách ly nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt kết quả tốt do xuất khẩu mạnh. Nhưng qua năm 2023, tình hình xuất khẩu lại rất khó, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn. Một điểm sáng rất rõ trong quý 1/2024 đó là xuất khẩu có sự phục hồi rõ rệt và tăng 17%, đem lại xuất siêu 8 tỷ USD.

“Đó là một điểm sáng thể hiện triển vọng rất tốt cho sản xuất kinh doanh cũng như nền kinh tế. Và chúng ta sẽ thấy kết quả càng tốt hơn trong quý 2/2024”, ông Hiển kỳ vọng.

Về thu chi ngân sách, trong quý 1 vẫn tốt và đem lại 540 ngàn tỷ đồng trong khi chi khoảng 400 ngàn tỷ đồng. Những quý tiếp theo, Chính phủ vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục cung tiền, đặc biệt vào đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tất cả nguồn vốn đầu tư nhìn chung tăng nhưng ấn tượng nằm ở khu vực FDI. Thống kê giải ngân trực tiếp từ khu vực này khoảng 4.6 tỷ USD, có mức tăng cao nhất trong 5 năm qua, thể hiện tính nhất quán khi Việt Nam vẫn là một điểm đến trong việc thu hút đầu tư trực tiếp. Đây có thể nói là động lực quan trọng cho năm 2024 bởi vì mức giải ngân này sẽ kéo theo sản xuất, việc làm, tiêu dùng nội địa phục hồi rất tốt.

Lạc quan về dòng tiền tiêu dùng từ quý 3

Tuy nhiên, theo ông Hiển, giới đầu tư không nên quá lạc quan bởi dòng tiền của năm nay vẫn còn đang khó khăn và điều này được nhận định từ trước. Dòng tiền ở đây gồm dòng tiền sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và dòng tiền đầu tư mà trong đó dành cho bất động sản, chứng khoán.

Năm 2023 và đầu 2024, dòng tiền sản xuất kinh doanh và tiêu dùng đang bị ảnh hưởng rất nặng bởi chính dòng tiền đầu tư bị “tắc”. Nên 2023 là một năm khó khăn kép, cả đối với doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư cá nhân, và đa số người dân.

Các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, Fitch vẫn đánh giá GDP Việt Nam năm nay trên 6% và các động lực như đầu tư công, xuất khẩu, FDI sẽ trở thành động lực để có được dòng tiền sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.

“Chúng tôi rất lạc quan về dòng tiền này, nó sẽ không bị trì trệ như năm 2023”, ông Hiển nhận định tăng trưởng tín dụng trong tháng 4 này sẽ tốt hơn dù các tháng đầu năm đã gây lo lắng.

Với sản xuất và kinh doanh phục hồi, kéo theo tiêu dùng thì ngân hàng đã có hướng đưa tiền ra cho doanh nghiệp. Trước mắt là trực tiếp đưa vào các doanh nghiệp nào làm xuất khẩu, tăng việc làm, tăng thu nhập và sau đó vào khu vực của người dân và làm tăng tiêu dùng. Dòng tiền tiêu dùng này đang tiếp tục mạnh lên và được dự đoán sẽ đạt kết quả ở mức rõ rệt vào quý 3 tới đây.

Dòng tiền đầu tư chứng khoán sẽ trở lại vào cuối quý 2

Bên cạnh sự thuận lợi của dòng tiền sản xuất kinh doanh, thì dòng tiền đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp bất động sản phải xử lý vấn đề nợ trái phiếu đến hạn khoảng 382 ngàn tỷ đồng trong năm 2024 và số tiền này rất lớn. Nhưng theo ông Hiển, điều này sẽ không ảnh hưởng đến hệ thống tài chính, ngân hàng cũng như dòng tiền sản xuất kinh doanh, mà chỉ làm cản trở dòng tiền đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Một điểm nữa là dòng tiền đầu tư sẽ gặp khó khăn bởi nợ xấu của ngân hàng, đã tăng cao nhất trong 5 năm trở lại. Đây là sự tích lũy nhiều năm chứ không tự nhiên tăng vì từ 2020, các ngân hàng vẫn tiếp tục đổ vốn vào bất động qua nhiều hình thức. Và khi thị trường gặp khó khăn thì nợ xấu xuất hiện.

Điều này đã xảy ra ở giai đoạn 2010-2012 và bây giờ tiếp tục lặp lại ở quy mô lớn. Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tập trung xử lý vấn đề này và cũng đã được kiểm soát. Nhưng là kiểm soát để giữ hệ thống ngân hàng được an toàn chứ không thể giúp dòng tiền được đưa ra mạnh để đầu tư.

Cuối năm 2023, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản cho thấy doanh thu trên hàng tồn kho đều giảm thấp nhất 5 năm trở lại, làm cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về vốn và cản trở dòng tiền đầu tư.

Ngoài ra, nguồn cung tiền của Chính phủ cũng trở nên thận trọng hơn. Khi cung tiền để phát triển kinh tế thì có thể chấp nhận góc độ nào đó về lạm phát nhưng Chính phủ sẽ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, nghĩa là không thể đánh đổi tăng trưởng kinh tế với lạm phát.

Chuyên gia cho rằng dòng tiền vẫn sẽ tiếp tục khó khăn trong quý 2, kể cả dòng tiền sản xuất kinh doanh. Tức nếu là một doanh nghiệp thì hiện nay vẫn sẽ cảm thấy khả năng vay vốn lưu động sản xuất hàng hóa, nguyên vật liệu còn hạn chế. Hoặc nếu là một người buôn bán nhỏ, hay người dân thì việc tiếp cận tín dụng vẫn còn cảm thấy khó khăn. Và các doanh nghiệp, người dân kinh doanh với nhau vẫn thấy hình như tiền vẫn còn “tắc” ở đâu đó.

Tuy nhiên, ông Hiển dự đoán tình trạng này sẽ được tháo gỡ dần trong quý 3 và 4. Dòng tiền của doanh nghiệp sẽ dễ thở hơn, người dân buôn bán sẽ thấy thoải mái hơn, người lao động bắt đầu thấy thu nhập dần phục hồi. Trong khi đó, dòng tiền đầu tư thì không thể nào đạt được kỳ vọng của các nhà đầu tư bất động sản. Nhưng còn dòng tiền đầu tư chứng khoán thì sẽ có sự tích cực vào cuối quý 2/2024.

“Đặc biệt khoảng tháng 5, 6 chúng ta sẽ thấy có một dòng tiền trở vào lại thị trường chứng khoán, thể hiện những phản ứng trước nền kinh tế một bước từ các nhà đầu tư này”, tiến sĩ đánh giá.

Tử Kính

FILI

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng