Chứng quyền có bảo đảm (CW) - sản phẩm tài chính với cách giao dịch như chứng khoán cơ sở nhưng có nhiều lợi ích đặc trưng riêng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư hiện nay. Cùng PHS tìm hiểu Chứng quyền là gì? và Tổng quan về sản phẩm chứng quyền khi chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào sản phẩm hấp dẫn này nhé!
Vậy “Khái niệm Chứng quyền có bảo đảm (CW) hay Chứng quyền là gì?”
Chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) thường được gọi tắt là chứng quyền, là chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành. Người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo một mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước một thời điểm cụ thể đã được ấn định trong tương lai.
Nói cách khác, chứng quyền là sản phẩm tài chính có thể giúp bạn kiếm được lợi nhuận cao từ sự thay đổi của giá cổ phiếu cơ sở nhưng chỉ với số vốn thấp hơn nhiều lần.
Tổng quan về thị trường chứng quyền tại Việt Nam
Chứng quyền có bảo đảm (CW) là một sản phẩm tài chính phổ biến trên thế giới và chính thức được giao dịch trên sàn HOSE vào ngày 28/06/2019 - đánh dấu cột mốc lịch sử trên thị trường Việt Nam.Trong đợt phát hành đầu tiên có 7 công ty chứng khoán được cấp phép chào bán 9 mã chứng quyền.
Thị trường CW sẽ vận hành với sản phẩm đầu tiên là chứng quyền mua (có quyền mua cổ phiếu tại giá xác định tại thời điểm xác định trong tương lai), kiểu châu Âu (tất toán tại thời điểm đáo hạn), có kỳ hạn từ 3-24 tháng và được thanh toán bằng tiền mặt.
Bên cạnh đó, theo công bố của HoSE, trong thời gian đầu phát hành có 26 mã cổ phiếu đủ điều kiện làm chứng khoán cơ sở cho sản phẩm CW, bao gồm CII, CTD, DHG, DPM, EIB, FPT, GMD, HDB, HPG, MBB, MSN, MWG, NVL, PNJ, REE, ROS, SBT, SSI, STB, TCB, VHM, VIC, VJC, VNM, VPB và VRE.
Sự góp mặt của chứng quyền giúp các công ty chứng khoán có thêm nguồn thu từ sản phẩm mới và đa dạng thêm sự lựa chọn tài chính cho các nhà đầu tư. Với những đặc điểm nổi bật như vốn đầu tư thấp hơn nhiều so với chứng khoán cơ sở, không ký quỹ và tính đòn bẩy rất cao, chứng quyền ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư Việt.