Wall Street có gượng dậy sau cơn bão lửa?
(Vietstock) - Wall Street tránh được “cú ngã đau” trong tuần trước nhờ đợt xả hàng mạnh cuối cùng cũng tìm thấy điểm dừng sau khi các chỉ số chính đánh rơi gần 10% giá trị trong chưa đầy ba tuần. Tuy nhiên, có thể nói tuần này là một thời điểm khá quan trọng khi thị trường đứng trước hai kịch bản: một là nhà đầu tư có thể tham gia trở lại hết sức mạnh mẽ hoặc có thể tiếp tục đẩy các chỉ số chính xuống mức sâu hơn.
Trong tuần này, chứng khoán Mỹ sẽ đón nhận kết quả kinh doanh của hai đại gia Walt Disney và Coca-Cola cũng như một loạt chỉ báo kinh tế như doanh số bán lẻ, lượng hàng tồn kho, việc làm và tâm lý người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, thị trường sẽ dành sự quan tâm đặc biệt đến phiên điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện vào ngày Thứ Tư. Buổi điều trần này sẽ hé lộ một số chi tiết về chương trình cứu trợ khẩn cấp của FED.
Diễn biến đầu năm 2010: Thực tế không như mong đợi
Trước khi bước sang năm mới, giới đầu tư tin tưởng rằng thị trường sẽ tiếp tục đợt phục hồi trong năm ngoái, nhưng niềm lạc quan này đã không trở thành hiện thực do những lộn xộn trên thị trường lao động và rối ren về mặt tài chính của một số quốc gia Châu Âu.
Các mối quan ngại về nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền lên một loạt quốc gia Châu Âu khác vốn đang ngập đầu trong nợ nần và khiến ba chỉ số chính của Mỹ tiếp tục đi xuống trong tuần trước.
Giới đầu tư đã “giải trừ” số tài sản rủi ro và thâu tóm các tài sản an toàn như đồng USD và trái phiếu chính phủ với lo sợ rằng đà phục hồi kinh tế Mỹ chưa đủ mạnh để chịu đựng cơn bão nợ nần đang càn quét vùng Đại Tây Dương
Và kết quả là đồng EUR đã giảm khá mạnh so với đồng USD, từ đó tác động mạnh đến giá cổ phiếu và hàng hóa toàn cầu. Khép lại tuần giảm điểm thứ tư liên tiếp S&P 500 mất 0.7%, Dow Jones trượt 0.6% và Nasdaq Composite hạ 0.3%.
Được biết, kết thúc cuộc họp tại Canada, các nhà lập pháp Châu Âu đã cố gắng trấn an thị trường rằng mọi chuyện vẫn đang trong tầm kiểm soát. Theo đó, Châu Âu sẽ đứng ra bảo đảm cho Hy Lạp và cam kết thu lại đủ số tiền đã chi để cứu ngành ngân hàng.
Hơn nữa, trong thông báo sau cuộc họp hai ngày của các bộ trưởng và thống đốc ngân hàng trung ương thuộc nhóm G7; Chủ tịch ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), Jean-Claude Trichet, bày tỏ tin tưởng rằng Hy Lạp sẽ hoàn thành được mục tiêu khá khó khăn là cắt giảm khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ.
Tuy nhiên, thuyết phục Wall Street là một việc không hề dễ dàng tí nào. Nhất là trong bối cảnh kế hoạch cải tổ hệ thống ngân hàng và y tế của Tổng thống Obama đã làm tăng tâm lý bi quan trong giới đầu tư. Chưa hết, thâm hụt ngân sách Mỹ cũng ngày càng leo thang mạnh mẽ.
Sóng lợi nhuận tạm lắng
Mùa công bố báo cáo tài chính quý IV đã bước qua giai đoạn cao điểm và dần tạm lắng, nhưng vẫn còn sót lại một số công ty tên tuổi như Coca-Cola và Disney sẽ thông báo kết quả kinh doanh vào ngày Thứ Ba.
Theo đó, EPS của Coke ước đạt 66 cent/cp, nhỉnh hơn so với mức 64 cent/cp của cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, Disney cũng ước đạt EPS 39 cent/cp, thấp hơn so với 41 cent/cp cách đây một năm.
Theo số liệu của Thomson Reuters, tính đến thời điểm này, có khoảng 314 công ty S&P 500 (chiếm 63% tổng số thành viên) đã công bố báo cáo tài chính. Lợi nhuận và doanh thu đang trên đà tăng lần lượt 206% và 7% so với cùng kỳ 2008.
Sở dĩ có sự cải thiện vượt bậc này là do so sánh với kết quả khá ảm đạm trong quý IV/2008, thời điểm bĩ cực nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Và không có gì ngạc nhiên khi các công ty tài chính dẫn đầu trong đợt phục hồi này.
Nếu loại trừ lĩnh vực tài chính, lợi nhuận và doanh thu chỉ đạt lần lượt 16% và 2% so với năm quý IV/2008.
Kết quả trong mùa báo cáo tài chính này tương đối tích cực với khoảng 74% công ty có lợi nhuận vượt kỳ vọng và 71% công ty có doanh thu vượt dự báo.
Thế nhưng đà suy yếu nối tiếp đợt chốt lời hồi cuối Tháng 1 đã cướp mất của S&P 500, Dow Jones và Nasdaq gần 10% giá trị, sau khi ba chỉ số này chạm các mức cao 15 và 16 tháng trong tháng trước. Về mặt kỹ thuật, con số 10% chính là hiện thân của một đợt điều chỉnh và nhà đầu tư đã cố gắng hạn chế, cũng như dừng việc bán ra để thị trường dừng lại ở các mức sau giờ đóng cửa ngày Thứ Sáu.
“Rõ ràng là nhà đầu tư đã quá bi quan và sự lo ngại này là có cơ sở, nhưng chưa đến mức khiến thị trường giảm liền một mạch 10% hoặc sâu hơn nữa. Nếu vượt qua được tâm lý lo lắng này, chúng ta có thể tập trung hơn vào các yếu tố cơ bản vốn đang từng bước giành được sự cải thiện.”, nhận định của chiến lược gia Phil Orlando thuộc Tập đoàn Federated Investors.
Ông chứng minh quan điểm của mình bằng việc chỉ ra rằng các kết quả lợi nhuận quý IV cũng như báo cáo gần đây đều cho thấy nền kinh tế đang dần ổn định, mặc dù bức tranh thị trường việc làm vẫn chưa thực sự sáng sủa.
Theo ông Robert Siewert, Giám đốc quản lý quỹ của Công ty Glenmede, khó khăn chính ở đây là sức mạnh phục hồi kinh tế trước đây chủ yếu dựa vào hiệu quả của các gói kích cầu thì nay chuyển sang điểm tựa mới là các yếu tố cơ bản.
Ông cho rằng mối bận tâm chính trong thời gian tới là: “Lợi nhuận doanh nghiệp và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ như thế nào nếu các yếu tố cơ bản không cải thiện, nhất là trong bối cảnh các quốc gia bên ngoài vẫn còn đương đầu với vô vàn khó khăn.”
Kịch bản nào cho thị trường trong tuần này?
Wall Street có thể tiếp tục gặp rắc rối và các chỉ số sẽ bị mắc kẹt trong vòng xoáy điều chỉnh khi mối nghi ngờ về tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu và tâm trạng lo lắng triền miên về vấn đề nợ nần tại Châu Âu.
Dưới quan điểm của nhà đầu tư, điều này sẽ cản trở những nỗ lực duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế và làm tiêu tan mọi hy vọng về tính ổn định của các chính phủ khu vực sử dụng đồng tiền chung EUR.
Với việc chỉ số Dow Jones tích tắt rớt khỏi mốc 10,000 điểm và chỉ số S&P 500 đánh mất 7.3% giá trị từ mức cao 15 tháng ngày 19/01, các chuyên gia phân tích cùng các nhà quản lý quỹ nhận xét rằng đà phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ kể từ mức thấp ngày 09/03 đã kiệt sức.
Cơ hội gom hàng lại xuất hiện
Như đã đề cập trước đây, đợt điều chỉnh trong thời gian vừa qua đã được dự đoán từ rất lâu, lo lắng lúc này là liệu thị trường sẽ điều chỉnh sâu tới đâu. Đợt tổn thất gần đây nhất đã đẩy Dow Jones xuống dưới mốc quan trọng 10,000 điểm nhưng chỉ số này cũng đã nỗ lực giành lại được số điểm trên.
Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1,085 điểm khi rớt xuống tới mức 1,044.50 điểm.
Các chuyên gia phân tích kỹ thuật cảnh báo rằng trong trường hợp thị trường tiếp tục sụt giảm, chỉ số này có thể xuống mức 1,036 điểm, tương đương với 10% điều chỉnh từ mức cao 15 tháng ngày 19/01.
Tuy nhiên, nếu kịch bản hồi Tháng 7 và Tháng 10 năm ngoái tái diễn, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội gom hàng khi giá cổ phiếu đang nằm trong vùng khá hấp dẫn.
Vào cuối phiên ngày Thứ Sáu, đã bắt đầu manh nha một số dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang thâu tóm cổ phiếu ngành công nghệ và tài nguyên, qua đó giúp thị trường đi lên vào phút chót.
Phạm Thị Phước (Theo Reuters, CNN Money)