“Vừng ơi, hãy mở cửa ra!” (kỳ 2)
Tất nhiên, sẽ không phải là câu thần chú trong câu chuyện cổ tích mà từ thực tế, Trung ương và các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ sau những nhận diện thực trạng thì cần đề ra những giải pháp như “bộ chìa khóa” để mở tung những cánh cổng, khơi thông nội lực vùng. Một hệ cơ chế mở, khoa học, bài bản, là bàn đạp cho mọi quyết sách hành động chính là “thần chú” để vùng kinh tế trọng điểm phía Nam này đóng góp hữu ích nhất, to lớn nhất cho cả nước; và quan trọng nó làm giàu cho chính nó, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân toàn vùng.
* Để vùng Đông Nam Bộ cất cánh
* "Nghị quyết 24 là động lực để Vùng Đông Nam Bộ cất cánh"
* Cơ chế phối hợp ngân sách trung ương - địa phương, các địa phương và nội vùng
Để hiện thực hóa Nghị quyết 24, trước mắt cần có một cơ chế đặc thù vùng, chủ yếu để thí điểm cơ chế phối hợp ngân sách trung ương với ngân sách địa phương, ngân sách của các địa phương trong vùng cho các dự án đầu tư vùng Đông Nam Bộ.
Các chuyên gia gợi ý, đối với các dự án do trung ương thực hiện, Thủ tướng Chính phủ nên cho phép UBND tỉnh/thành phố bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để hỗ trợ đầu tư vốn vào các dự án vùng nằm hoàn toàn hoặc một phần trên địa bàn tỉnh/thành và thuộc thẩm quyền thực hiện của các bộ, ngành trung ương. Các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương phải thống nhất về tỷ lệ chia sẻ chi phí và tỷ lệ này sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với các dự án vùng do địa phương thực hiện thì Thủ tướng Chính phủ nên cho phép các bộ, ngành trung ương bố trí vốn từ ngân sách trung ương để hỗ trợ đầu tư vốn cho các dự án vùng thuộc thẩm quyền thực hiện của chính quyền địa phương. Các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương phải thống nhất tỷ lệ chia sẻ chi phí và tỷ lệ này sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, chính quyền cấp tỉnh trong vùng cũng cần được phép phân bổ vốn từ ngân sách tỉnh để đầu tư và hỗ trợ vốn cho các dự án đầu tư vùng nằm hoàn toàn hoặc một phần trên địa bàn các địa phương khác trong vùng. Các UBND tỉnh/thành tham gia các dự án vùng phải thống nhất về tỷ lệ chia sẻ chi phí và tỷ lệ này sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều lưu ý, với vai trò trọng yếu của mình, Hội đồng Vùng Đông Nam Bộ cần thể hiện rõ trong việc phối hợp đầu tư vốn. Tức Hội đồng Vùng phải chịu trách nhiệm tạo điều kiện và làm trung gian đàm phán giữa chính quyền trung ương và địa phương trong việc xác định phương thức thực hiện và chia sẻ chi phí cho các dự án đầu tư vùng, bao gồm quản lý, và kế hoạch vận hành, và bảo trì tài sản.
* Sửa đổi Luật PPP
Như bài 1 đã nêu, các luật đang bị “trói” cần sớm được tháo gỡ, điển hình là Luật PPP đã được áp dụng trong Nghị quyết đặc thù cho TP.HCM (Nghị quyết 98) thì nay, cần mở rộng tương tự với Nghị quyết 24. Các chuyên gia kêu gọi Luật PPP nên được áp dụng cho các lĩnh vực có thể quan trọng đối với phát triển kinh tế vùng (như hạ tầng văn hóa, giải trí, thể thao) và cho phép áp dụng cho các dự án đầu tư để nâng cấp, mở rộng, và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng hiện có (như mạng lưới đường bộ) được xác định là dự án ưu tiên trong quy hoạch cấp tỉnh và vùng đã được phê duyệt.
Cũng căn theo Nghị quyết 98, mức trần tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP được tăng thì với Nghị quyết 24, các dự án đầu tư vùng ở vùng Đông Nam Bộ cần được phép vượt quá mức trần 50% tổng mức đầu tư dự án theo Luật PPP đối với tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án vùng. Theo đó, cho phép các dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để chi trả cho các yêu cầu lớn về bồi thường và hỗ trợ tái định cư và cho phép các dự án được đóng gói hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư tư nhân.
Nhiều ý kiến tỏ ra đồng thuận cao về việc nên sửa đổi Luật PPP để quy định việc thành lập Quỹ Bù đắp Thiếu hụt Tài chính hoặc Quỹ Dự phòng trong ngân sách trung ương và địa phương, sẽ được sử dụng riêng cho các dự án PPP để làm công cụ bồi thường cho nhà đầu tư trong trường hợp doanh thu của dự án thấp hơn đáng kể so với doanh thu dự kiến trong phương án tài chính. Đây được xem là cơ chế chia sẻ rủi ro có tính khả thi, khả dụng hơn rất nhiều, nên tất nhiên nó khả tín.
* Quỹ Phát triển Hạ tầng Vùng và cơ chế huy động vốn tư nhân
Ngay trong các điều khoản của việc thành lập Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ đã có quy định về “việc nghiên cứu hình thành Quỹ Phát triển Hạ tầng Vùng (Quỹ PTHTV)”. Vì vậy, cần rà soát để tiến hành theo các phương án như sau: Phương án mở rộng chức năng các Quỹ Đầu tư Phát triển Địa phương (ĐTPTĐP) hiện hành, cho phép các quỹ này đầu tư, cho vay cấp vốn các dự án đầu tư vùng. Các điểm yếu của Quỹ ĐTPTĐP hiện hành như năng lực quản lý, kỹ thuật và tài chính yếu; thiếu vốn trầm trọng; hệ thống quản trị và cơ cấu tổ chức chưa phát triển phải được giải quyết dứt điểm.
Lẽ dĩ nhiên, việc đầu tư Quỹ ĐTPTĐP vào các dự án khác ở địa phương khác phải được chính quyền địa phương liên quan chấp thuận.
Phương án kế tiếp là sáp nhập các Quỹ ĐTPTĐP hiện hành để thành lập Quỹ PTHTV lớn hơn nhằm đầu tư, cho vay các dự án đầu tư vùng. Loại bỏ cạnh tranh và phân tán không cần thiết khi sử dụng các Quỹ ĐTPTĐP riêng lẻ để huy động vốn đầu tư trong vùng. Cần tổ chức lại tài chính, quản lý, kỹ thuật một cách đáng kể và phức tạp để hợp nhất bảng cân đối kế toán, hoạt động, quản lý, nhân sự của các Quỹ ĐTPTĐP được sáp nhập, có thể dẫn tới việc phải bổ sung quy định và quyết định của các chính quyền địa phương liên quan.
Một lựa chọn tối ưu là nâng cấp Quỹ Đầu tư Phát triển TP.HCM (HFIC) thành Quỹ PTHTV đầu tư, cho vay các dự án đầu tư vùng. Cho đến nay, HFIC là Quỹ ĐTPTĐP hoạt động tốt nhất và có thành tích tài trợ tốt cho các dự án đầu tư quy mô lớn tại TP.HCM. Vì vậy, cần có khung pháp lý phải cho phép HFIC đầu tư vào các địa phương khác.
Ngoài ra, có thể mở rộng phạm vi hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam bao gồm chức năng của Quỹ PTHTV, tức tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình hoạt động của Ngân hàng này bao gồm chức năng của Quỹ PTHTV nhằm cấp vốn cho các tỉnh, thành phố thực hiện các dự án đầu tư vùng. Hoặc thành lập Quỹ PTHTV dưới hình thức một ngân hàng chính sách mới do trung ương thành lập; hay thành lập Quỹ PTHTV mới dưới hình thức một ngân hàng đầu tư hoạt động theo Luật Các Tổ chức Tín dụng và quy định pháp luật hiện hành liên quan; thành lập Quỹ Quốc gia về Đầu tư Phát triển Hạ tầng Vùng mới để phát triển cơ sở hạ tầng vùng…
Nói chung, cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn nhà nước và tư nhân cho phát triển vùng. Một đầu mối liên hệ tập trung sẽ lấp đầy khung pháp lý hiện hành giữa các nhà hoạch định chính sách trung ương và 6 hội đồng điều phối vùng. Trong đó, các chuyên gia quốc tế, trong nước đều khuyến khích việc Chính phủ có thể xem xét thành lập Ủy ban Phát triển Vùng (UBPTV) với vai trò cơ quan trung ương có nhiệm vụ, chức năng, thẩm quyền nhằm thúc đẩy phát triển vùng trong nước, hỗ trợ nhu cầu phát triển của 6 vùng kinh tế - xã hội.
UBPTV sẽ được thiết kế để bổ sung các chức năng hiện có của các hội đồng điều phối vùng. Ở đó, UBPTV sẽ thúc đẩy phát triển vùng thông qua nghiên cứu những cải cách chính sách tiềm năng, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội về xây dựng luật, cơ chế, chính sách về phát triển và điều phối vùng, quy hoạch, tài chính và đầu tư, cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu vùng. Đồng thời hỗ trợ Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương, hội đồng phát triển vùng, và chính quyền địa phương điều phối các hoạt động phát triển vùng ở tất cả các vùng. UBPTV cũng có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực cho các hội đồng vùng và chính quyền cấp tỉnh.
Cơ chế chính sách đặc thù Vùng Đông Nam Bộ cần có quy định về chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư chiến lược, bao gồm: (1) Danh mục ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư chiến lược; (2) Thủ tục đăng ký nhà đầu tư chiến lược; (3) Chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư chiến lược và các nghĩa vụ và thủ tục hưởng ưu đãi; và (4) Trình tự, thủ tục đăng ký dự án đầu tư chiến lược. |
Quốc Học