Tin tức
Vì sao cần hình thành Cục Điều tiết điện lực?

Vì sao cần hình thành Cục Điều tiết điện lực?

20/12/2005

Banner PHS

Vì sao cần hình thành Cục Điều tiết điện lực?

Dự kiến, vào ngày 21/12 tới đây, tại Hà Nội, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công nghiệp) sẽ tổ chức lễ ra mắt trước công luận...

Dự kiến, vào ngày 21/12 tới đây, tại Hà Nội, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công nghiệp) sẽ tổ chức lễ ra mắt trước công luận.

 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bùi Hải, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực về quá trình hình thành cũng như vai trò của Cục trong tương lai.

 

Xin ông cho biết quá trình hình thành và sự cần thiết thành lập cơ quan điều tiết điện lực ở Việt Nam?

 

Theo Chiến lược phát triển ngành điện giai đoạn 2004 - 2010, định hướng đến 2020 đã được Bộ Chính trị cho ý kiến kết luận và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần thiết phải hình thành thị trường điện cạnh tranh nhằm mục đích giải quyết 2 thách thức lớn nhất đối với sự tồn tại và phát triển của ngành điện hiện nay là thiếu vốn đầu tư và tính kém hiệu quả trong hoạt động ở các khâu, các đơn vị của ngành.

 

Sự ra đời của Cục Điều tiết điện lực trực thuộc Bộ Công nghiệp là bước đi quan trọng trong tiến trình cải cách ngành điện theo hướng thị trường hóa hoạt động sản xuất kinh doanh điện. Cục Điều tiết điện lực nhằm giúp Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ Công nghiệp thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành điện.

 

Cụ thể, Cục sẽ giúp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp “thực hiện chức năng điều tiết hoạt động điện lực và thị trường điện lực, góp phần cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả và bảo đảm tính công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật”.

 

Ý thức được sự cần thiết phải phát triển thị trường điện, ngay từ tháng 11/2004, Bộ Công nghiệp đã thành lập Tổ nghiên cứu phát triển thị trường điện – khí để triển khai thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng được quy định trong Luật điện lực là xây dựng để trình Thủ tướng phê duyệt 2 đề án: Lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện ở Việt Nam; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Điều tiết điện lực ở Việt Nam.

 

Sau hơn một năm triển khai nghiên cứu và soạn thảo đề án, lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, bộ, ngành có liên quan, tới cuối tháng 6/2005, 2 đề án đã được hoàn thành và được Bộ trưởng Bộ Công nghiệp chính thức trình Thủ tướng phê duyệt.

 

Ngày 19/10/2005, Thủ tướng đã có Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công nghiệp.

 

Dự kiến, vào ngày 21/12/2005, tại Hà Nội, Cục sẽ tổ chức lễ ra mắt trước công luận.
 
Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của Cục trong tiến trình hình thành và phát triển thị trường điện?

 

Hoạt động điều tiết điện lực bao gồm việc thiết lập và đảm bảo hiệu lực thi hành các luật lệ, quy định nhằm thúc đẩy vận hành thị trường điện nói riêng và ngành công nghiệp điện lực nói chung một cách có hiệu quả và tối ưu, nhằm đạt mục tiêu phát triển ngành điện bền vững và mang lại lợi ích cho các bên tham gia hoạt động điện lực.

 

Theo Quyết định của Thủ tướng, Cục Điều tiết điện lực được giao những nhiệm vụ chính: trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành một loạt các quy định liên quan đến hoạt động cạnh tranh lành mạnh của thị trường điện; xây dựng quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, chương trình tái cơ cấu ngành điện, xây dựng biểu giá bán lẻ điện để Bộ trưởng trình Thủ tướng quyết định; thẩm định khung giá phát và bán buôn điện, các thủ tục giải quyết khiếu nại và tranh chấp trong thị trường; thẩm định các loại phí liên quan đến thị trường điện; cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; quản lý cung cầu ngành điện...

 

Trong việc phát triển thị trường điện tại Việt Nam, cơ quan điều tiết điện lực có nhiệm vụ xây dựng lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện ở các cấp độ để trình Thủ tướng phê duyệt, xây dựng khung pháp lý để thực hiện các cấp độ phát triển thị trường này kể cả việc xây dựng khung giá bán buôn, bán lẻ điện...
 
Như vậy, Cục sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng giá điện. Nhưng, hình như điều này chưa được thể hiện trong đợt dự kiến điều chỉnh tăng giá điện vào đầu năm 2006 tới đây, thưa ông?

 

Xây dựng phương án giá điện là một nhiệm vụ lớn và phức tạp. Vì vậy, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc xây dựng phương án giá điện 2006 - 2008, Bộ Công nghiệp đã thành lập Tổ công tác liên ngành xây dựng phương án giá gồm đại diện của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể như Ban kinh tế TW, Ban tư tưởng Văn hóa TW, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính, do lãnh đạo Bộ Công nghiệp chủ trì.

 

Mặc dù mới thành lập, nhưng Cục Điều tiết điện lực đã và đang tham gia thành phần Tổ công tác với tư cách là một trong các cơ quan được giao nhiệm vụ chính trong quá trình nghiên cứu xây dựng phương án điều chỉnh giá điện.

 

Dự báo khả năng thiếu điện sẽ xảy ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2008; Cục sẽ đưa ra các biện pháp cụ thể nào để điều chỉnh quá trình thực hiện các dự án nguồn điện để đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành phù hợp, để khắc phục thiếu điện?

 

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, nhằm góp phần đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện đưa vào vận hành theo đúng tiến độ được phê duyệt, Cục đang tích cực phối hợp với các vụ chức năng của Bộ Công nghiệp trong công tác giám sát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng, kịp thời tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công.

 

Ngoài ra, Cục cũng đang triển khai giám sát chặt chẽ cung cầu ngắn hạn và dài hạn để kịp thời đề xuất các giải pháp điều chỉnh tiến độ thực hiện các dự án nguồn và lưới điện.

Trong giai đoạn 2006 – 2008, do một số công trình nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành bị chậm tiến độ và dự báo mức tăng trưởng nhu cầu điện có thể đạt từ 15 – 17%/năm, nên hệ thống điện quốc gia có thể không đáp ứng đủ điện.

 

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công nghiệp đã xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục tình trạng thiếu điện có thể xảy ra, trong đó có các giải pháp về quản lý vận hành hệ thống điện, các giải pháp về đầu tư xây dựng, về tiết kiệm điện, đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu điện năng từ Trung Quốc...

 

Đặc biệt, mới đây Thủ tướng đã có ý kiến kết luận về các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu điện giai đoạn 2006 - 2010, trong đó cho phép đầu tư xây dựng một số dự án nguồn điện theo cơ chế cấp bách và đẩy nhanh tiến độ mua điện của Trung Quốc bằng các đường dây 220 KV từ năm 2007.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng