Tương lai hứa hẹn của Việt Nam
Với nhan đề "Tương lai hứa hẹn của Việt Nam", bài báo của tác giả Jean-Claude Pomonti nhấn mạnh đến những thành tựu cũng như triển vọng phát triển của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Dưới đây, VietNamNet xin giới thiệu nội dung lược dịch của bài viết này:
Thành tựu rực rỡ
Trong vòng 7 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã trở nên năng động nhất Đông Nam Á với tỉ lệ tăng trưởng hàng năm lên tới trên 7-8%. Việt Nam là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chỉ đứng sau Thái Lan và trở thành đối thủ của Brazil cho vị trí số 1 về xuất khẩu cà phê.
Việt Nam cũng đã thích nghi với nền kinh tế thị trường. Kể từ những cải cách năm 2001, thành phần kinh tế tư nhân đã tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang dẫn đầu nền kinh tế Việt Nam. Thành phố đang tăng gấp đôi số lượng các đường quốc lộ liên tỉnh, đào một đường hầm dưới sông và dự kiến xây dựng hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên ở Long Thành, trên con đường dẫn tới khu nghỉ mát Vũng Tàu. Tuy nhiên, Hà Nội cũng không muốn bị "vượt mặt": một vành đai các thành phố vệ tinh hiện đang nở rộ xung quanh thủ đô.
Ở phía đông bắc, xa tới tận biên giới Lào, chiếc cầu Savannakhet-Mukdahan bắc ngang con sông Mekong đã được hoàn thành vào tháng 10/2006. Đà Nẵng, một thành phố cảng tự nhiên nguy nga tráng lệ ở miền trung Việt Nam, có thể hoàn thành sứ mệnh là một cảng biển cho cả vùng nam Lào, đông bắc Thái Lan, giải tỏa ách tắc giao thông đường sông cho Bangkok.
Năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Quan hệ ngoại giao với "cựu thù" Mỹ được tái lập. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ thực sự trở thành một ngôi sao sáng trong số các nước đang nổi lên vào năm ngoái: Việt Nam được kết nạp vào WTO vào ngày 7/11 và tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh APEC ngay sau đó với sự tham dự của tất cả các lãnh đạo trong khu vực và hàng trăm nhà báo quốc tế.
Dù hơi muộn song tiếp đó Quốc hội Mỹ cũng thông qua PNTR, phục hồi "các quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn" với Việt Nam. Các công ty Mỹ đã chờ đợi điều này quá lâu và tận dụng chuyến công du Việt Nam mới đây của Tổng thống George W. Bush để ký kết hàng loạt các hợp đồng với tổng trị giá 1,9 tỉ USD, kể cả việc cung cấp máy móc phát điện cho vùng phát triển chính ở trong và ngoài TP. Hồ Chí Minh.
Làn sóng đầu tư
Cuộc đổ bộ đầu tiên của các nhà đầu tư và du khách nước ngoài vào Việt Nam bắt đầu từ những năm 1990. Đến năm 2006, đầu tư nước ngoài đã tăng 50% so với năm 2005, đạt mức kỷ lục 9 tỉ USD.
Theo một cuộc khảo sát do Hội đồng doanh nghiệp châu Á tiến hành, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về số dự án đầu tư của các công ty đa quốc gia (38%), sau Trung Quốc (85%) và Ấn Độ (51%) nhưng đứng trước Mỹ (36%).
Các nhà lãnh đạo Việt Nam ghi nhận cộng đồng Việt kiều đã đóng góp một nguồn cung cấp vốn và chất xám đáng kể cho đất nước. Họ đã nối kết Việt Nam với phần còn lại của thế giới và đem lại cho nền kinh tế đất nước thêm 3,86 tỉ USD vào năm ngoái.
Các nhà tài trợ cũng đang khuyến khích xu hướng này, với 4,41 tỉ USD cam kết dành cho Việt Nam trong năm 2007, tăng 20% so với năm 2006. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đi đầu với gần 1.165 triệu USD, tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU) với 942 triệu. Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới cùng đứng ở vị trí thứ ba với 835 triệu USD mỗi bên.
Sự tăng trưởng mạnh như trên có thể sẽ biến mất dần. "Khi bạn nhận được một khoản tiền lớn đến như vậy từ nước ngoài, bạn sẽ phải suy nghĩ thật kĩ về loại đầu tư bạn cần", Kongkiat Opaswongkarn - Tổng Giám đốc điều hành của Công ty Asia Plus Securities cho biết.
"Khi một đất nước tăng trưởng quá nhanh, sự thoái trào là có thể xảy ra", ông Opaswongkarn nói thêm, ám chỉ đến những vấn đề hiện tại của Thái Lan.
Sự xuất hiện của các "đại gia" IT
Năm 2006, Intel - tập đoàn IT khổng lồ của Mỹ đã khai trương xây dựng một nhà máy sản xuất vi mạch đầu tiên tại đây với số vốn đầu tư dự kiến hơn 258 triệu USD. Tháng 11/2006, Intel đã nâng tổng vốn đầu tư lên gần 1 tỉ USD cho một khu liên hợp công nghệ gần TP. Hồ Chí Minh. Dự án này sẽ mang tới 4.000 việc làm cũng như hàng chục các nhà thầu phụ, công ty cung cấp, và đơn vị nghiên cứu mới.
Khi Bill Gates có chuyến thăm ngắn ngày tại Hà Nội hồi tháng 5 năm ngoái, các sinh viên đã nồng nhiệt đón chào ông. Mặc dù Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10 đang diễn ra, các lãnh đạo Việt Nam cũng thu xếp gặp gỡ Bill Gates và lắng nghe lời khuyên của ông rằng: Việt Nam không nên hài lòng với việc sản xuất phần cứng mà còn phải thâm nhập vào lĩnh vực sản xuất phần mềm và cung cấp dịch vụ outsourcing.
Vào năm 2005, ngành công nghiệp IT của Việt Nam đã tăng 40% và sử dụng 15.000 nhân công. Vincent Kapa đến từ Synexer, một trong những công ty IT tiên phong ở Việt Nam được thành lập năm 2001, đã đánh cược vào một Bangalore của Việt Nam. Kết quả thu được đã vượt quá sự mong đợi. Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt qua Philippines, Thái Lan và thậm chí cả Malaysia - nơi Khu hành lang truyền thông đa phương tiên được xây dựng năm 1996, đã bộc lộ nhiều yếu điểm.
Dân số trẻ là một lợi thế của Việt Nam. Mặc dù chỉ có 10% học sinh trung học Việt Nam tiếp tục theo học đại học (tỉ lệ này ở Thái Lan là 40%) nhưng môn toán của họ tại trường được coi là tạo nên nền tảng tốt. (Việt Nam rất coi trọng các cuộc đua tài về Toán học).
Thống kê vào tháng 12/2006 cho thấy hơn 14 triệu trên tổng số 84 triệu người Việt Nam, tức 17,5% dân số toàn quốc sử dụng Internet thường xuyên, trong khi con số này vào tháng 9/2005 chỉ có 8 triệu người. Sự tăng trưởng của ngành viễn thông đến chậm, vì vậy điện thoại di động hiện tại đang bù đắp cho những thiếu hụt của ngành này. Cứ hai năm số người sử dụng dịch vụ mới lại tăng lên gấp đôi. Hiện tại có 18,5% người Việt Nam đang sử dụng điện thoại di động.
Nhiều công ty khác, kể cả Nike, Canon, Alcatel, Fujitsu và Siemens, đang thiết lập hoặc mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài cho biết tại Việt Nam việc kết nối với mạng lưới điện quốc gia chỉ mất 17 ngày (trong khi ở Thái Lan là 23 ngày) và hòa mạng viễn thông mất 9 ngày (ở Thái Lan là 15 ngày).
Dù còn có một số bất cập tồn tại như nạn tham nhũng, cơ sở hạ tầng thấp kém và hệ thống ngân hàng chưa mạnh nhưng Việt Nam vẫn có thể trông mong vào những thế mạnh như nguồn lao động rẻ, có khả năng tiếp thu, học hỏi chuyên môn dễ dàng và một cơ chế quản lý thống nhất khi chính sách được hoạch định rõ ràng.
Outsourcing là việc quản lý và/hoặc thực hiện toàn bộ một chức năng kinh doanh được giao cho một nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài. Dịch vụ có thể được cung cấp bên trong hay bên ngoài công ty khách hàng; có thể thuộc nước sở tại hoặc ở nước ngoài.
IT Outsourcing là việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Outsourcing phổ biến trong các công ty có nhu cầu sử dụng công nghệ thông tin tiên tiến. IT outsourcing cũng có nghĩa là việc thuê người bên ngoài thực hiện mảng công nghệ thông tin của công ty mình. Một đối tác như vậy sẽ cung cấp nhân lực làm việc sát cánh với nhân viên của công ty, có khả năng nắm bắt các vấn đề của riêng công ty và từ đó giúp công ty chuyển giao và thực hiện các giải pháp thích hợp.
VNN