Tin tức
Tuần bận rộn của các nhà lãnh đạo khu vực đồng Euro

Tuần bận rộn của các nhà lãnh đạo khu vực đồng Euro

14/10/2008

Banner PHS

Tuần bận rộn của các nhà lãnh đạo khu vực đồng Euro

Nhóm họp tại Paris chỉ sau Hội nghị thượng đỉnh thu nhỏ của bốn nhà lãnh đạo có nền kinh tế phát triển nhất châu Âu tròn một tuần, hội nghị thượng đỉnh của 15 nước khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro diễn ra ngày 12-10 tiếp tục bàn thảo phương thức đối phó cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang lan rộng với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Một quyết định chung có tính lịch sử

Chưa bao giờ, các nhà lãnh đạo của khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro lại bận rộn như tuần vừa qua kể từ khi thành lập năm 1999. Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh của bốn nhà lãnh đạo các nước có nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức, Anh, Italia và Pháp tại thủ đô Paris ngày 4-10, liên tiếp sau đó là các cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng tài chính khu vực đồng Euro và Liên minh châu Âu (EU) tại Luxembourg, cuộc họp thượng đỉnh của nhóm G7 tại Washington cũng như cuộc gặp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng nhóm G20 với lãnh đạo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) tại Hoa Kỳ. Nhiều giải pháp và tuyên bố được đưa ra nhằm ổn định thị trường tài chính nhưng vẫn chỉ mang tính chất cục bộ và đơn lẻ mà chưa có một giải pháp chung của toàn thể nhóm Euro. Chính vì vậy, thị trường chứng khoán thế giới và thị trường chứng khoán châu Âu đã trải qua một tuần sụt giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Điều đó cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư sụt giảm tới mức báo động. Bóng ma suy thoái kinh tế nghiêm trọng thời kỳ những năm 30 của thế kỷ trước lại hiện về ám ảnh.

Trước thực trạng bất ổn đó, cuộc gặp thượng đỉnh của nhóm Euro tại ngày 12-10 nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng xấu kế tiếp có thể làm sụp đổ cả thị trường tài chính châu Âu, điều dẫn tới một cuộc khủng hoảng tồi tệ không thể lường trước được những hệ quả tiếp theo.

Thêm một lần nữa, Pháp, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU tiếp tục đóng vai trò là nhà tổ chức sự kiện quan trọng này. Tất nhiên, hội nghị quan trọng như  vậy không thể thiếu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso, Chủ tịch nhóm Euro Jean-Claude Juncker cũng như Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet.

Sau cuộc họp thượng đỉnh kéo dài hơn ba giờ đồng hồ chiều qua, các nhà lãnh đạo khu vực đồng Euro đã đi đến một kế hoạch hành động chung để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nội dung chính của kế hoạch đó bao gồm việc rót tiền cho các ngân hàng gặp khó khăn nhằm vực dậy niềm tin trong thị trường tài chính, bảo đảm việc cho vay của các giao dịch liên ngân hàng, hỗ trợ các ngân hàng bằng cách mua lại các cổ phiếu ưu đãi để gia tăng tính thanh khoản của thị trường tiền tệ.

Cũng theo kế hoạch này, các nước trong khu vực sử dụng đồng Euro sẽ bảo đảm cho các khoản cho vay liên ngân hàng trong thời hạn trước mắt từ nay đến hết ngày 31-12-2009. Các khoản bảo đảm trên sẽ được các nước trả cho các ngân hàng với giá trị tính theo tỷ giá lên xuống của thị trường.

Phát biểu sau cuộc họp, Thủ tướng Luxembourg kiêm Chủ tịch nhóm sử dụng đồng tiền chung Euro Jean-Claude Juncker cho biết: “Chúng tôi đã thông qua kế hoạch hành động của các nước thành viên. Chúng tôi không được quyền thất bại trong kế hoạch này và trên thực thế, chúng tôi đã thành công”.

Tuy giá trị của kế hoạch hành động này không công bố con số cụ thể, nhưng theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, tổng giá trị của kế hoạch này lên tới nhiều trăm tỷ Euro.

Theo dự tính, con số mà Đức, đầu tàu kinh tế của khu vực đồng Euro đưa ra để giải cứu ngành tài chính của nước này sẽ lên tới khoảng 480 tỷ Euro. Trong số đó, 80 tỷ Euro là khoản tiền cung cấp vốn cho các ngân hàng và 400 tỷ dùng để bảo đảm cho các khoản cho vay giao dịch liên ngân hàng.

Trong khi đó, các nước Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Đức và nhiều nước khác trong khu vực đồng Euro cũng tổ chức cuộc họp hội đồng bộ trưởng khẩn cấp ngày hôm nay để bàn thảo và công bố chi tiết kế hoạch hành động của từng nước đối phó với cuộc khủng hoảng đang hoành hành.

Chính phủ Tây Ban Nha công bố sẽ bảo đảm cho các khoản tiền cho vay liên ngân hàng lên tới con số 100 tỷ Euro trong năm 2008. Còn theo thông tin đưa trên báo Le Monde (Thế giới), chính phủ Pháp sẽ cung cấp khoảng 300 tỷ Euro cho tới cuối năm 2009 để hỗ trợ ngành tài chính và ngân hàng của nước này.

Những phản ứng mới

Ngay sau khi đón nhận thông tin về cuộc họp thượng đỉnh của nhóm sử dụng đồng Euro, thị trường tài chính thế giới có phản ứng tích cực với các chỉ số của các thị trường chứng khoán đồng loạt tăng giá.

Chỉ số của các thị trường chứng khoán ở Pháp, Đức và Anh đều tăng với mức hơn 5% ngay trong những phiên giao dịch đầu tiên của ngày hôm nay. Tính đến 11h45 GMT, thị trường chứng khoán Luân Đôn tăng 4,23%, thị trường chứng khoán Paris tăng 5,58% còn thị trường chứng khoán Frankfurt tăng 6,75%.

Ở châu Âu, thị trường cho vay giữa các ngân hàng vốn bị ngưng trệ từ khi cuộc khủng hoảng xảy ra được mở lại vào trưa ngày hôm nay. Với mức tỷ giá cho vay trong 3 tháng giảm cho thấy các cơ sở tài chính cởi mở hơn trong việc cho vay tiền.

Với kết quả của hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 và nhóm Euro, một thực tế là xu thế quốc hữu hóa một phần hoặc hoàn toàn lĩnh vực ngân hàng sẽ xảy ra trong thời gian tới.

Cũng trong ngày hôm nay, Chính phủ Anh công bố sẽ đầu tư 50 tỷ Euro vào ba ngân hàng lớn nhất của nước này là RBS, HBOS và Lloyds TSB. Với số vốn đổ vào dịp này, chính phủ Anh sẽ nắm giữ khoảng 60% số vốn của Royal Bank of Scotland (RBS). Chính phủ Anh cũng sẽ có thể chiếm tới 43,5% số vốn của tập đoàn ngân hàng mới dựa trên sự sáp nhập của hai ngân hàng Lloyds TSB và HBOS.

Bên cạnh các hoạt động của các nước trong khu vực đồng Euro, ngày hôm nay, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng công bố hành động chung bao gồm sự phối hợp của nhiều ngân hàng như ECB, Ngân hàng Anh quốc, Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ và Ngân hàng Nhật Bản để hỗ trợ tiền vốn cho các thị trường sử dụng đồng USD với khối lượng không giới hạn. Các đợt cho vay vốn này có thể được thực hiện để cấp vốn cho các giao dịch theo thời hạn từ 7, 28 và 84 ngày.

Tuy nhiên, trước những kế hoạch khổng lồ để giải cứu hệ thống ngân hàng, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn lo ngại rằng liệu kế hoạch giải cứu này có thể làm giảm bớt mối lo ngại của người dân hay không? Bởi vì người dân châu Âu đang là nạn nhân trực tiếp của cơn bão tài chính mà hệ quả để lại là lạm phát và thất nghiệp có cảm tưởng rằng họ sẽ phải trả tiền cho những khoản vay phát sinh đó.

Để trấn an dư luận, tuyên bố ngày hôm nay, Chủ tịch Jean-Claude Juncker khẳng định: Mục tiêu của kế hoạch hành động không có nghĩa là cung cấp những món quà tặng cho các ngân hàng, mà đó là vì giữ cho các khách hàng, các nhà đầu tư có thể tiếp tục hoạt động bình thường. Các ngân hàng được hỗ trợ sẽ phải trả những khoản vay đó.

Tiếp theo kế hoạch hành động của nhóm Euro, các nhà lãnh đạo của 27 nước EU sẽ nhóm họp tại thủ đô Brussels của Bỉ vào ngày 15 và 16-10 tới để xem xét kế hoạch tổng thể nhằm đối phó cuộc khủng hoảng. Không chỉ khẳng định với Hoa Kỳ rằng EU là một đồng minh thân cận cùng chia sẻ trong lúc khó khăn, mục tiêu của các nhà lãnh đạo châu Âu còn nhằm chứng tỏ EU là một trụ cột quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Theo các nhà phân tích, việc các nhà lãnh đạo EU đưa ra những quyết sách trong thời gian tới có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với giai đoạn ngắn hạn mà sẽ còn ảnh hưởng rất nhiều tới triển vọng phát triển dài hạn của nền kinh tế thế giới.

nhân dân

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng