Trái phiếu toàn cầu rơi vào "cơn bão" bán tháo, lợi suất Nhật Bản lập đỉnh 14 năm
Làn sóng bán tháo trái phiếu đang tăng tốc trên thị trường toàn cầu, với tâm điểm mới nhất là châu Á trong phiên giao dịch ngày 06/03.
Tại Nhật Bản, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm đã chạm ngưỡng 1.5% - mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 6/2009, ngay khi quốc gia này phải vật lộn với áp lực lạm phát gia tăng và chi phí vay vốn ngày càng đắt đỏ.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm
|
Phát biểu của Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Shinichi Uchida đã góp phần đẩy nhanh đợt bán tháo trái phiếu. Ông Uchida được cho là đã tuyên bố BOJ có khả năng "tăng lãi suất với tốc độ phù hợp với quan điểm chủ đạo từ các thị trường tài chính và các nhà kinh tế học".
Thậm chí, tuần trước, ông Uchida còn xác nhận rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục giảm dần việc mua trái phiếu Chính phủ bất chấp sự gia tăng gần đây của lợi suất. Kể từ khi bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ siêu lỏng vào năm ngoái, BOJ đã tuyên bố sẽ giảm mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) khoảng 400 tỷ Yên mỗi quý.
Tuy nhiên, bán tháo khởi nguồn từ thị trường trái phiếu Đức, nơi lợi suất Chính phủ kỳ hạn 10 năm đã tăng vọt 30 điểm cơ bản trong ngày 05/03 - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1990. Hiệu ứng domino nhanh chóng lan sang thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ, đẩy lợi suất 10 năm tăng ngày thứ ba liên tiếp, giao dịch quanh mức 4.3%. Trái phiếu Úc và New Zealand cũng chứng kiến lợi suất tăng vọt khoảng 10 điểm cơ bản.
Trong khi thị trường trái phiếu chao đảo, cổ phiếu châu Á lại tìm thấy động lực tăng điểm nhờ tin tức tích cực về thương mại. Nhà Trắng đã thông báo hoãn áp dụng thuế quan ô tô đối với Mexico và Canada thêm một tháng. Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết Tổng thống Donald Trump đang "sẵn sàng lắng nghe" về các đề xuất miễn thuế quan bổ sung.
Kevin Brocks, Giám đốc tại 22V Research, nhận định: "Việc giảm nhẹ thuế quan dưới hình thức một thỏa thuận cụ thể sẽ là kịch bản tốt nhất cho thị trường cổ phiếu". Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng "sự không chắc chắn kéo dài tự nó đã là một trở ngại đối với nền kinh tế".
Diễn biến trên phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của nhà đầu tư trước biến động địa chính trị trong những tuần gần đây. Từ dấu hiệu giảm hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine đến những thông tin thất thường về chính sách thuế quan, các nhà giao dịch đang phải liên tục điều chỉnh đánh giá về tác động đối với tăng trưởng và lạm phát toàn cầu.
Một yếu tố quan trọng khác gây áp lực lên thị trường trái phiếu là kế hoạch chi tiêu lịch sử của Đức. Friedrich Merz, người được dự đoán sẽ trở thành Thủ tướng Đức kế tiếp, đã tuyên bố nước ông sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết" để tự vệ. Phát ngôn này gợi nhớ đến tuyên bố nổi tiếng của Mario Draghi, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), vào năm 2012 nhằm cứu đồng Euro.
* Chỉ với 3 từ, ông Draghi đã giải cứu thành công đồng Euro (Kỳ 1)
Tuy nhiên, như các chiến lược gia của Citi do Jamie Searle dẫn đầu đã nhận xét: "Lần cuối cùng thị trường trái phiếu chú ý đến lời hứa 'làm bất cứ điều gì cần thiết', nó đến như một sự cứu trợ". Nhưng lần này, nó lại "đến như một cảnh báo về giá trái phiếu".
Kế hoạch chi tiêu mạnh tay của Đức đã mang lại lợi ích cho một số phân khúc thị trường. Đồng euro đã mạnh lên đến mức chưa từng thấy kể từ tháng 11 năm ngoái. Đồng thời, cổ phiếu quốc phòng tại châu Á và các doanh nghiệp có độ phơi nhiễm cao với thị trường châu Âu cũng ghi nhận mức tăng đáng kể.
Trên thị trường ngoại hối, chỉ số đồng USD đã ổn định sau khi giảm 1% trong phiên trước. Đặc biệt, Mức giảm so với đồng Euro là đáng kể nhất. Trong khi đó, đồng Yên Nhật đã tăng khoảng 0.6% lên mức ngay dưới 149 đổi 1 USD.
Trái ngược với xu hướng tích cực của chứng khoán châu Á, hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu Mỹ lại đang chịu áp lực giảm, chủ yếu đến từ cổ phiếu công nghệ. Marvell Technology đã giảm mạnh trong phiên giao dịch sau giờ đóng cửa ngày 05/03 (after-hour trading), sau khi công bố dự báo doanh thu không đạt kỳ vọng. Tương tự, Broadcom, một nhà sản xuất chip cũng gắn liền với xu hướng AI, giảm 3.5% trước thềm công bố báo cáo thu nhập.
Thị trường đang hướng sự chú ý vào hai sự kiện quan trọng sắp diễn ra vào cuối ngày 06/03: Quyết định lãi suất từ NHTW châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế Mỹ sắp công bố bao gồm số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu, mở đường cho báo cáo việc làm quan trọng vào ngày 07/03.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)