TPHCM đề xuất mỗi phường mới có 60 người, gần một nửa là cán bộ Đảng, đoàn thể
Sau khi sắp xếp, TPHCM sẽ còn 102 đơn vị hành chính cấp xã, đạt yêu cầu tỷ lệ 60-70% theo chỉ đạo Trung ương. Cơ cấu tổ chức mới tại mỗi phường gồm 4 phòng chuyên môn, 60 biên chế, trong đó có 28 cán bộ thuộc khối Đảng và đoàn thể.
Ngày 17/04, tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức họp báo thường kỳ, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tuần qua.
![]() Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Quốc Thuận cung cấp nhiều nội dung xung quanh vấn đề sáp nhập, tổ chức bộ máy đang được báo chí quan tâm
|
Liên quan đến đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Quốc Thuận cho biết,Thành ủy TPHCM đã thống nhất chủ trương giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã từ 273 còn 102 đơn vị. Tỷ lệ sắp xếp đạt 62.64%, nằm trong yêu cầu từ 60-70% mà Trung ương đặt ra.
Sau khi thực hiện sáp nhập, TPHCM mới dự kiến còn 168 phường, xã. Trong đó, hai đơn vị hành chính đặc thù là Thạnh An (Cần Giờ) và Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) sẽ được giữ nguyên. Việc sắp xếp hiện cũng đang được thực hiện đồng thời tại Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, với số lượng đơn vị cấp xã sau sáp nhập lần lượt còn 36 và 30.
Theo ông Thuận, ba địa phương gồm TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đang phối hợp thống nhất về ranh giới và tên gọi các đơn vị hành chính, đảm bảo không xảy ra tình trạng trùng lắp, chồng lấn. Đồng thời, công tác lấy ý kiến người dân về đề án sắp xếp đang được triển khai nghiêm túc tại từng địa phương.
Về cơ cấu tổ chức tại các phường sau sắp xếp, mỗi phường mới sẽ có bốn phòng, bộ phận: Văn phòng, phòng Kinh tế - Hành chính - Đô thị, phòng Văn hóa - Xã hội, Trung tâm hành chính công. Định biên nhân sự là 60 người/phường, trong đó có 32 cán bộ thuộc chính quyền và 28 người thuộc Đảng, đoàn thể.
Đối với chế độ và thu nhập của đội ngũ cán bộ chuyên trách sau sáp nhập, ông Thuận cho biết, các địa phương đang tiến hành họp bàn, thống nhất phương án và sẽ thông tin cụ thể tới báo chí sau khi có kết luận cuối cùng.
Mở rộng thí điểm vạch mắt võng để giảm ùn tắc giao thông
Tại họp báo, đại diện Sở Giao thông Công chánh TPHCM cũng thông tin về hiệu quả của vạch kẻ mắt võng - một hình thức tổ chức giao thông mới đang được thành phố thí điểm nhằm giảm tình trạng ùn tắc.
![]() Đại diện Sở GTCC trả lời nhóm câu hỏi phóng viên gửi về thông qua Trung tâm Báo chí Thành phố
|
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý bảo trì và khai thác công trình giao thông cho biết, theo quy chuẩn quốc gia, vạch mắt võng là vạch kẻ đường nhằm báo hiệu cho người điều khiển phương tiện không được dừng trong phạm vi vạch, tránh cản trở các hướng di chuyển khác.
TPHCM lần đầu thí điểm vạch này tại giao lộ Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị vào tháng 6/2018. Đầu tháng 4/2025, thành phố tiếp tục triển khai tại giao lộ Cách mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ.
"Qua đánh giá đến ngày 16/04, chúng tôi thấy kẻ vạch này có hiệu quả. Trong thời gian đầu, có nhiều phương tiện chưa quen nên còn tình trạng chiếm dụng mặt đường. Tuy nhiên, khi được tuyên truyền thì hiện nay các phương tiện cơ bản đã không dừng đậu ở vị trí này nữa và nhường đường cho các phương tiện rẽ phải", ông Hải nói.
Sở GTCC sẽ tiếp tục phối hợp với Công an thành phố theo dõi, điều chỉnh tín hiệu đèn để đảm bảo lưu thông thuận lợi. Dự kiến, sau kỳ nghỉ lễ 30/04, TPHCM sẽ tiếp tục thí điểm vạch mắt võng tại giao lộ Lê Duẩn - Tôn Đức Thắng.
Tùng Phong