Thủ tướng chỉ đạo giải quyết dứt điểm vướng mắc hơn 1,500 dự án tồn đọng
Sáng 30/03, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án kéo dài, tồn đọng. Cuộc họp nhằm đánh giá tình hình và tìm giải pháp xử lý dứt điểm 1,533 dự án đang gặp vướng mắc trên cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 25/03, có 1,533 dự án thuộc diện rà soát, bao gồm 338 dự án đầu tư công, 1,126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án theo mô hình đối tác công tư (PPP). Ngoài ra, còn có 12 dự án được doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn. Các vướng mắc chủ yếu liên quan đến xử lý tài sản công, bố trí vốn, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thủ tục dừng hoặc thu hồi dự án.
Chính phủ đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ các vấn đề tồn đọng. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 170/2024/QH15 và 171/2024/QH15 nhằm giải quyết khó khăn cho các dự án tại TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và thí điểm triển khai nhà ở thương mại theo cơ chế mới. Chính phủ cũng thông qua Nghị quyết 233/NQ-CP về tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo và sẽ tiếp tục trình phương án xử lý cho 5 dự án lớn tại TP HCM vào đầu tháng 4.
Riêng hai dự án bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2, Chính phủ đã có Nghị quyết 34/NQ-CP, đồng thời thống nhất bố trí thêm ngân sách từ nguồn tăng thu năm 2024 để hoàn thành trong năm 2025, sớm đưa vào phục vụ người dân.
![]() Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Thủ tướng nhấn mạnh việc giải quyết các dự án tồn đọng không chỉ tránh lãng phí nguồn lực mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và ổn định đời sống xã hội. Ông yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải hành động quyết liệt, có trọng tâm, không né tránh trách nhiệm, không để tình trạng "đá bóng" thẩm quyền giữa các cấp. Những vấn đề thuộc thẩm quyền cấp nào thì cấp đó phải giải quyết dứt điểm, không đùn đẩy.
Về tiến độ, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành các thủ tục xử lý trước ngày 30/05. Các dự án vướng mắc về mặt bằng phải được địa phương tập trung giải quyết, đảm bảo quyền lợi người dân nhưng cũng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình chây ỳ.
Với nhóm dự án vướng quy hoạch, các bộ, ngành cần rà soát để đảm bảo tính đồng bộ. Các dự án liên quan đến kết luận thanh tra, kiểm toán, bản án phải áp dụng linh hoạt các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua.
Đối với các dự án đã triển khai nhưng gặp sai phạm, Thủ tướng yêu cầu tìm giải pháp tháo gỡ hợp lý, ưu tiên biện pháp kinh tế, dân sự, hành chính trước khi áp dụng các biện pháp khác. Mục tiêu là không để thất thoát tài sản nhà nước nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Những dự án có khó khăn nhưng chưa có quy định pháp luật điều chỉnh thì cần nghiên cứu, đề xuất Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các dự án tồn đọng để theo dõi, phân tích và có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ sẽ trình Thủ tướng ban hành công điện chỉ đạo các cơ quan tiếp tục rà soát, đánh giá và báo cáo phương án xử lý.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương phải chủ động tháo gỡ vướng mắc theo thẩm quyền, nếu vượt quá thì báo cáo cấp cao hơn xem xét, quyết định.
Tử Kính