Thị trường tiền ảo tuần qua: Sắc xanh trở lại
Sắc xanh lan rộng trên thị trường tiền ảo trong tuần qua, với Bitcoin vượt mức 29,000 USD.
Tính tới sáng ngày 12/08, giá Bitcoin - đồng tiền ảo lớn nhất - lên gần 29,400 USD, tăng hơn 1% so với cuối tuần trước. Ethereum cũng tăng 1% lên 1,850 USD.
Hầu hết đồng tiền ảo trong top 10 đều khởi sắc, với Solana tăng 8%, Dogecoin tăng 3%, XRP tăng 1%.
Diễn biến của top 10 đồng tiền ảo
Nguồn: CoinMarketCap
|
CPI Mỹ tăng yếu hơn dự báo
Tuần qua, thị trường cũng đón thêm thông tin quan trọng về lạm phát. Trong tháng 7/2023, CPI tăng 3.2% so với cùng kỳ, thấp hơn dự báo 3.3% từ các chuyên gia. CPI lõi – loại trừ thực phẩm và năng lượng – cũng tăng 4.7% so với cùng kỳ. Con số này thấp hơn so với dự báo tăng 4.8% của các chuyên gia.
Trong đó, các quan chức Fed tập trung nhiều hơn vào lạm phát lõi vì họ cho rằng chỉ số này dự báo tốt hơn về lạm phát trong tương lai. Việc CPI lõi tiếp tục hạ nhiệt sẽ củng cố cho kịch bản Fed ngừng nâng lãi suất trong tháng 9/2023 và điều này tác động tích cực tới các thị trường rủi ro, trong đó có tiền ảo.
Các trader gần như tin rằng Fed sẽ không nâng lãi suất tại cuộc họp tháng 9, với xác suất 90%. Trong khi đó, khả năng nâng lãi suất tại cuộc họp tháng 11/2023 ở mức 28%.
Fed siết chặt quản lý tiền ảo
Ngày 08/08, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra một động thái mới, nhằm siết chặt hoạt động tài chính của các ngân hàng, liên quan tới tiền ảo.
Cụ thể, Fed yêu cầu các ngân hàng trong hệ thống của cơ quan này phải đệ trình đơn yêu cầu và nhận được văn bản chấp thuận không giám sát từ Fed, trước khi phát hành, nắm giữ hoặc giao dịch bằng bằng đồng tiền mã hóa (token), sử dụng làm phương tiện thanh toán, như đồng tiền ảo được neo bởi một đồng tiền pháp định (Stablecoin).
Fed đồng thời cũng cho biết đang thiết lập một chương trình giám sát mới, hỗ trợ nâng cao khả năng quản lý hoạt động của các ngân hàng trong lĩnh vực tiền ảo, công nghệ chuỗi (blockchain) và quan hệ đối tác phi ngân hàng dựa trên công nghệ.
Chương trình mới sẽ nhấn mạnh đến khả năng cải thiện và tăng cường công nghệ cho quy trình giám sát hiện có.
Trong thông báo gửi đến các ngân hàng, Fed cho biết, để nhận được văn bản chấp thuận không giám sát, các ngân hàng phải giải trình được khả năng quản lý rủi ro khả thi, bao gồm cả việc sẵn sàng hệ thống đối phó, có thể xác định, giám sát mọi rủi ro tiềm ẩn, các mối đe dọa an ninh mạng và tài chính bất hợp pháp.
Sau khi nhận được văn bản chấp thuận không giám sát, các ngân hàng thành viên trong hệ thống của Fed khi tham gia vào hoạt động liên quan đến đồng tiền mã hóa vẫn tiếp tục bị đưa vào diện xem xét kiểm soát, cũng như phải chịu sự giám sát tăng cường đối với các hoạt động nói trên.
Thông báo của Fed được đưa ra một ngày sau khi nền tảng thanh toán trực tuyến toàn cầu PayPal ra mắt đồng stablecoin mới, có tên gọi là PayPal USD.
PayPal USD xuất hiện trong bối cảnh lĩnh vực tiền ảo đang trải qua thời kỳ khó khăn, sau khi sàn giao dịch tiền ảo FTX sụp đổ, kéo theo nhiều vụ kiện pháp lý chống lại những “người chơi” lớn nhất trong lĩnh vực tiền ảo.
Các nhà quản lý vĩ mô của Mỹ đang tỏ ra thận trọng hơn với tiền ảo. Tháng trước, Ủy ban Dịch vụ Tài chính thuộc Hạ viện Mỹ đã đưa ra một dự luật nhằm thiết lập khung pháp lý liên bang cho stablecoin, trong đó tập trung vào các quy tắc đăng ký và quy trình phê duyệt cho các tổ chức phát hành đồng Stablecoin.
Hàn Quốc chưa cho phép Binance mua lại sàn giao dịch GOPAX
Sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới đã gặp khó khăn trong quá trình xin giấy phép cuối cùng với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) tại Hàn Quốc.
Binance - sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới, đang gặp khó khăn trong việc mở rộng tại Hàn Quốc, vì các cơ quan tài chính chưa cấp phép cho việc công ty mua lại sàn giao dịch GOPAX lớn thứ 5 của Hàn Quốc.
Hồi đầu tháng 2, sàn giao dịch tiền ảo Binance của Trung Quốc đã tiếp quản Streami, nhà điều hành GOPAX. Kể từ đó, Binance đã gặp khó khăn trong quá trình xin giấy phép cuối cùng với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) tại Hàn Quốc.
Cơ quan quản lý tài chính của Hàn Quốc xử lý vấn đề này đang trì hoãn việc xét duyệt, thúc giục GOPAX gửi thêm các tài liệu pháp lý và yêu cầu Ngân hàng Jeonbuk, đối tác của GOPAX, tham gia đánh giá rủi ro bổ sung.
Lo ngại việc phê duyệt chậm hơn dự kiến, chỉ riêng năm nay Binance đã nhiều lần thay thế quản lý hàng đầu của GOPAX. Tuy nhiên, GOPAX vẫn chưa đạt được tiến bộ khi làm việc với cơ quan quản lý của Hàn Quốc.
Các nguồn tin trong ngành cho biết giới chức Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ duy trì quan điểm hiện nay đối với việc mở rộng vốn của Trung Quốc tại đây.
Một nguồn tin trong ngành tiền ảo cho biết: “Các cơ quan giám sát tài chính của Hàn Quốc vẫn từ chối cho phép các công ty tiền ảo Trung Quốc hoạt động kinh doanh tại đây, vì vậy sẽ rất khó để Binance nhận được giấy phép nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ về lập trường của các cơ quan quản lý."
Nguồn tin cho biết thêm, Hàn Quốc đang trên đà thắt chặt các hướng dẫn quy định trên toàn ngành công nghiệp tiền ảo, vì vậy Binance khó có thể mở rộng chỗ đứng của mình tại đây trong thời điểm hiện tại.
Thiên Vân (Tổng hợp)