Tin tức
Thế giới đón thêm loạt cắt giảm lãi suất mới

Thế giới đón thêm loạt cắt giảm lãi suất mới

07/11/2008

Banner PHS

Thế giới đón thêm loạt cắt giảm lãi suất mới

Trong ngày hôm qua và sáng nay, đã có thêm ít nhất 4 ngân hàng trung ương nữa trên thế giới tiến hành hạ lãi suất nhằm vực dậy nền kinh tế đang cận kề suy thoái.

Đợt cắt giảm này diễn ra tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc.

Tiếp tục phối hợp hành động

Đáng chú ý, đối với ECB, BoE và SBN , đây là lẫn cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong vòng 1 tháng. Còn đối với Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, đây là lần cắt giảm lãi suất thứ ba trong vòng một tháng qua.

Việc ECB và BoE cắt giảm lãi suất đã được dự báo trước, còn động thái của SBN và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc diễn ra hoàn toàn bất ngờ.

Riêng đối với BoE, đây là lần cắt giảm lãi suất mạnh nhất từ năm 1991 tới nay, khiến lãi suất Bảng Anh lần đầu tiên trong lịch sử thấp hơn lãi suất đồng Euro. Đồng thời, mức lãi suất mới này cũng là mức lãi suất thấp nhất của đồng Bảng Anh từ năm 1955 tới nay.

Với lần cắt giảm này, lãi suất Euro giảm 0,5% từ mức 3,75% xuống còn 3,25%; lãi suất Bảng Anh giảm 1,5% từ mức 4,5% xuống còn 3%; lãi suất đồng Franc Thụy Sỹ giảm 0,5% từ mức 2,5% xuống còn 2%; lãi suất đồng Won của Hàn Quốc giảm 0,25% từ mức 4,25% xuống còn 4%.

Loạt cắt giảm lãi suất mới này là loạt động thái tiếp theo trong đợt cắt giảm lãi suất toàn cầu do ngân hàng trung ương các nước Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Australia… mở đầu vào cuối tháng 10 vừa qua trong nỗ lực chống khủng hoảng và vực dậy tăng trưởng kinh tế thế giới.

Trước đó, đầu tháng 10, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới cũng đã có một đợt phối hợp hành động cắt giảm lãi suất nhằm giải quyết tình trạng “đóng băng” trên thị trường tín dụng quốc tế.

Trong cuộc họp diễn ta tại Frankfurt, Đức, ngày hôm qua, Chủ tịch ECB Jean Claude Trichet thậm chí còn tính tới chuyện cắt giảm 0,75% lãi suất Euro. Tuy nhiên, trong quyết định cuối cùng, mức cắt giảm chỉ là 0,5% như dự báo trước đó của các nhà phân tích.

Một phần lý do ở đây là lạm phát ở khu vực sử dụng đồng Euro tuy đã giảm xuống từ mức đỉnh của 16 năm qua là 4% trong tháng 7, nhưng vẫn ở mức 3,2% trong tháng 9.

Giới quan sát cho rằng, tình hình kinh tế hiện nay sẽ buộc ECB phải tiếp tục cắt giảm lãi suất với tốc độ mạnh nhất trong lịch sử 10 năm của ngân hàng này. Nhiều khả năng, tới tháng 4/2009, lãi suất đồng Euro sẽ được đưa về mức 2,5%.

Viễn cảnh u ám

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ nước Mỹ đang khiến các nền kinh tế khắp thế giới phải đối mặt với những thách thức lớn, trong đó phải kể tới sự đổ vỡ trong ngành ngân hàng, thị trường chứng khoán lao dốc, thất nghiệp tăng cao, tăng trưởng sụt giảm...

Đáng ngại hơn, do sự suy giảm mạnh mẽ niềm tin, các ngân hàng đang thắt chặt hầu bao, ngại cho vay lẫn nhau cũng như cho vay người tiêu dùng và doanh nghiệp, bất chấp các nỗ lực cắt giảm lãi suất và bơm tiền của chính phủ các nước. Điều này khiến dòng chảy tín dụng, vốn được coi là huyết mạnh của nền kinh tế, cạn dần ngay giữa lúc kinh tế thế giới suy yếu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm qua dự báo, tất cả các nền kinh tế, trừ Canada, trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) sẽ tăng trưởng âm trong năm 2009. Trong đó, sự sụt giảm tăng trưởng mạnh nhất sẽ thuộc về nước Anh, với mức tăng trưởng âm 1,3%. IMF cũng dự báo, kinh tế Mỹ sẽ co lại 0,7%, kinh tế Eurozone co lại 0,5% và kinh tế Nhật co lại 0,2%.

Báo cáo mới đây của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, kinh tế của khu vực 15 nước sử dụng đồng Euro có thể đã đang ở trong tình trạng suy thoái và sẽ đình trệ trong năm 2009. Đây đang là thời kỳ kinh tế suy giảm tồi tệ nhất của Eurozone trong vòng 15 năm trở lại dây.

Cũng theo EC, tăng trưởng kinh tế của Eurozone có thể sụt xuống mức 0,1% trong năm tới, mức tăng trưởng thấp nhất từ năm 1993 tới nay. Kinh tế khu vực này đã tăng trưởng âm trong quý 2 vừa qua và có nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng âm trong quý 3 và quý 4.

Các số liệu thống kê về kinh tế của Eurozone thời gian gần đây mỗi lúc một xấu đi. Các chỉ số sản xuất công nghiệp và dịch vụ, cũng như chỉ số niềm tin tiêu dùng của khu vực này trong tháng 10 đều sụt xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Trong tháng 9, số lượng đơn đặt hàng trong ngành công nghiệp Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, đã sụt giảm kỷ lục 8%.

Tại Anh, ngoài những vấn đề như tỷ lệ thất nghiệp tăng, tiêu dùng đi xuống, giá nhà đất sụt giảm, xuất khẩu giảm sút… nước này phải đương đầu với vấn đề nghiêm trọng nhất là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong ngành ngân hàng trong vòng gần 1 thế kỷ trở lại đâyt. Tới thời điểm này, Chính phủ Anh đã phải quốc hữu hóa toàn bộ hoặc một phần nhiều ngân hàng lớn để tránh sự đổ vỡ của các ngân hàng này.

Hiện kinh tế Anh đang có khả năng lần đầu tiên rơi vào suy thoái kể từ năm 1991 tới nay.

Tại Hàn Quốc, bất chấp sự sụt giảm tỷ giá đồng Won, Ngân hàng Trung ương nước này vẫn phải thực hiện đợt cắt giảm lãi suất mạnh nhất từ năm 1998 tới nay để tránh sự trở lại lần đầu tiên của suy thoái kinh tế từ sau đợt khủng hoảng tài chính 1997.

Xuất khẩu, lĩnh vực đầu tàu của kinh tế Hàn Quốc, thời gian qua liên tục sụt giảm do sự giảm sút nhu cầu ở các thị trường lớn. Cùng với đó, tiêu dùng trong nước cũng tăng trưởng chậm lại đáng kể do sự mất giá của đồng tiền khiến người dân thắt lưng buộc bụng. Thực tế này dẫn tới việc các công ty phải cắt giảm việc làm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở Hàn Quốc lên mức cao nhất từ năm 2005 tới nay.

Kiều Oanh (Theo Bloomberg, Reuters)

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng