Thế giới chưa hết lo ngại khủng hoảng tài chính
EU muốn giảm thiểu thiệt hại về tiền gửi của dân
Ngày 4-10, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã triệu tập cuộc họp thượng đỉnh với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi, Thủ tướng Anh Gordon Brown và các nhà lãnh đạo EU gồm Chủ tịch EU Manuel Barroso, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro Jean-Claude Juncker.
Cuộc gặp diễn ra sau khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Mỹ George W. Bush ký ban hành khoản cứu trợ 700 tỷ USD cho hệ thống tài chính Mỹ.
Tổng thống Pháp hy vọng cuộc họp thượng đỉnh này có thể giúp các chính phủ thành viên EU nhanh chóng huy động các nguồn lực và hợp tác với nhau cứu các ngân hàng, bảo vệ tiền tiết kiệm của người dân, tránh để thiệt hại nặng như cuộc khủng hoảng tài chính những năm 1930.
Trước đó vài giờ, Chính phủ Hà Lan đã tung 16,8 tỷ euro cứu tập đoàn tài chính Fortis (liên danh Bỉ-Hà Lan) đồng thời quốc hữu hóa một phần trị giá 11 tỷ euro của tập đoàn này. Đây chỉ là một phần trong hàng loạt kế hoạch giải cứu ngành tài chính châu Âu trong vài ngày qua với tổng số tiền vượt quá 100 tỷ USD.
Nhiều nước thành viên EU đã nâng mức đảm bảo tiền gửi lên đến 20.000 euro trong khi Ireland trở thành nước đầu tiên trên thế giới đảm bảo cho mọi hạn mức tiền gửi ngân hàng.
Riêng về đề xuất thành lập một quỹ chung của EU cứu trợ ngân hàng lên đến 300 tỷ euro (415,7 tỷ USD), cho tới nay, Anh và Đức vẫn bác bỏ.
Trong diễn biến có liên quan, Ủy viên Thương mại EU Peter Mandelson đã trở về Anh giữ chức Bộ trưởng Kinh doanh trong đợt cải tổ nội các của Thủ tướng Gordon Brown. Ông Mandelson được giao nhiệm vụ đưa nước Anh thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng tài chính
700 tỷ USD chưa làm hồi phục TTCK Mỹ
Các nhà giao dịch tại TTCK New York vẫn lo ngại sau khi Tổng thống Bush ký thực hiện khoản chi 700 tỷ USD.
Tại Mỹ, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống George W. Bush ký và ngay lập tức đưa “Đạo luật ổn định kinh tế khẩn cấp 2008” trị giá 700 tỷ USD vào thực hiện, thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ vẫn tiếp tục bị mất giá khá mạnh do giới đầu tư lo lắng trước hàng loạt những biểu hiện không lành mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
TTCK New York ở phiên đóng cửa với mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua vì lo ngại khoản cứu trợ này không đủ để vực dậy thị trường tín dụng đang bị đóng băng cũng như có thể cứu kinh tế Mỹ khỏi suy sụp.
3 chỉ số cơ bản là Dow Jones giảm 1,5%, Standard & Poor’s 500 giảm 1,4% và Nasdaq composite giảm 1,5%. Trước đó, báo cáo hàng tháng cho biết trong tháng 9, các công ty đã cắt giảm 159.000 việc làm, là tháng thứ 9 liên tiếp việc làm giảm đi. Dù đã được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua, đạo luật cứu trợ lớn chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ được đưa vào thực hiện trong bối cảnh vẫn còn khá nhiều tranh cãi, cả trong giới cầm quyền và trong dân chúng.
Các nước nghèo nhất thế giới lo bị tác động
Mặc dù được dự báo là ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng hiện nay, song các nước nghèo nhất thế giới vẫn khó tránh khỏi những tác động tiềm ẩn đến viện trợ cũng như hoạt động thương mại hai chiều. Đây là nhận định của các nhà lãnh đạo 79 nước châu Phi, vùng Caribê và Thái Bình Dương (ACP) tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 6 kết thúc ngày 3-10 tại Ghana. Nhiều nước trong ACP luôn trong tình trạng thiếu lương thực, thời gian qua lại phải gánh chịu tác động của cơn bão giá lương thực và dầu mỏ, bên cạnh xung đột bạo lực dai dẳng.
ACP được thành lập năm 1975, gồm 48 nước châu Phi ở Nam sa mạc Sahara, 16 nước Caribê và 15 nước ở Thái Bình Dương với tổng số dân 700 triệu người.
sggp, AFP, Reuters