“Thắt lưng buộc bụng”: Lối thoát hay bế tắc
Cuối tuần qua Ý và Tây Ban Nha đã phải chấp nhận kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” để được vay tiền, thoát khỏi khủng hoảng nợ. Hành động của hai nước này đáp ứng được yêu cầu của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhưng theo nhiều chuyên gia làm như vậy là sai lầm.
Hơn 14 tháng trước, khu vực Eurozone đã phải một lần đu đưa bên bờ vực thẳm vì một vài thành viên, nổi bật nhất là Hy Lạp, đã trở thành những “chúa chổm” nợ công. Khi đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã phải ra tay mua trái phiếu của Hy Lạp để giải cứu nước này khỏi phá sản, giúp bình ổn khu vực Eurozone. Nay thách thức đang đặt ra cho ECB với hai “chúa chổm” nợ công mới là Ý và Tây Ban Nha.
Thắt lưng buộc bụng
Nhưng để được cứu trợ, Ý và Tây Ban Nha cần đáp ứng yêu cầu tiên quyết của ECB là phải “thắt lưng buộc bụng” để cắt giảm thâm hụt ngân sách. Một quan chức của Eurozone nói với Reuters rằng: “ECB bắt đầu mua trái phiếu của Ý và Tây Ban Nha nếu họ đồng ý đẩy mạnh cải cách cấu trúc tài chính”. Không riêng gì ECB, một số chuyên gia cũng kêu gọi hai nước này phải đẩy mạnh cắt giảm chi tiêu. Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, nhà kinh tế Nouriel Roubini cho rằng: “Tây Ban Nha phải thực hiện đầy đủ kế hoạch cắt giảm chi tiêu hoặc mất khả năng tiếp cận thị trường”. Cuối cùng, Ý và Tây Ban Nha đã không còn một chọn lựa nào khác hơn là phải đồng ý với yêu cầu của ECB để giải quyết tình trạng nợ nần trầm trọng.
Theo Reuters ngày 5/8/2011, Thủ tướng Ý Berlusconi đã đồng ý đẩy mạnh kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” để cân bằng ngân sách vào năm 2013, sớm hơn một năm so với dự trù trước đây. Như vậy, chính phủ Ý sẽ sớm thực hiện gói cắt giảm chi tiêu trị giá 48 tỉ đô la Mỹ, chứ không đợi đến cuộc bầu cử dự kiến vào năm 2013.
Không riêng gì Ý, Tây Ban Nha cũng sẽ nhanh chóng đẩy mạnh cắt giảm chi tiêu. Thống đốc ngân hàng trung ương Tây Ban Nha Jose Manuel Gonazalez-Páramo cho biết nước này sẽ chính thức giới thiệu thêm các biện pháp mới vào ngày 19/8 để đảm bảo đáp ứng mục tiêu cắt giảm ngân sách.
ECB vừa cứu vừa đe
Sau khi Ý và Tây Ban Nha đồng ý cắt giảm chi tiêu thì ECB đã ra tay mua trái phiếu của hai nước này. Tuy nhiên, ECB không hề tiết lộ giá trị trái phiếu mà mình mua vào, Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet cũng từ chối công bố con số cụ thể. Những người hoạt động trong ngành tài chính thế giới đã đưa ra các con số ước đoán khác nhau. Theo báo Wall Street Journal, ECB đã chi ra từ 4,5 đến 5 tỉ euro trong đợt đầu tiên để mua trái phiếu của Ý và Tây Ban Nha. Còn theo Reuters, các thương nhân đã ước tính con số vào khoảng 2 tỉ euro thông qua các đại lý lớn và một số phỏng đoán cho rằng ECB đã chủ yếu mua vào các trái phiếu có kỳ hạn 5 năm.
Sau khi ECB mua trái phiếu của Ý và Tây Ban Nha, thị trường trái phiếu hai nước này đã có những dấu hiệu khởi sắc. Lợi suất trái phiếu của cả Ý lẫn Tây Ban Nha đã giảm, theo đó lợi suất trái phiếu có thời hạn 10 năm của Ý giảm 70 điểm cơ bản xuống còn 5,39%, Tây Ban Nha thì giảm 80 điểm cơ bản còn 5,3%. Trước đó, lãi suất trái phiếu thời hạn 10 năm của cả Ý lẫn Tây Ban Nha đã tăng thêm 90 điểm cơ bản.
Nhưng sau khi ra tay hỗ trợ, ECB đã không quên nhắc nhở Ý và Tây Ban Nha rằng ECB chỉ hỗ trợ cho Ý và Tây Ban Nha khi hai nước này củng cố được tình hình ngân sách của mình. “Những gì chúng tôi hy vọng là các chính phủ hành động tương xứng với trách nhiệm của mình. Chúng tôi đã yêu cầu Ý và Tây Ban Nha đẩy mạnh tốc độ để ổn định ngân sách”, Wall Street Journal dẫn lời ông Trichet. Điều đó đồng nghĩa với việc ECB sẽ chỉ tiếp tục cứu nếu Ý và Tây Ban Nha thực thi đúng những gì họ đã nói.
Hành động sai lầm
Nếu như khối Eurozone xem kế hoạch của Ý và Tây Ban Nha là điều kiện cần thiết, thì giới phân tích kinh tế bên kia bờ Đại Tây Dương lại cho rằng, như vậy chỉ càng làm cho hai nền kinh tế này thêm khó khăn.
Tờ New York Times chỉ ra rằng Ý và Tây Ban Nha không giống như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland, vì hai nước này đã có những bước tiến đáng kể trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách. Trước khi ECB yêu cầu, Ý đã đề ra mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách năm nay xuống còn 3,9% GDP. Ngoài ra, Ý đang dẫn đầu các nước công nghiệp phương Tây với một ngân sách thặng dư 2% nếu bỏ những khoản lãi suất phải trả của những món nợ hiện tại. Tây Ban Nha cũng có kế hoạch cắt giảm thâm hụt từ 9% GDP xuống còn 6% GDP trong năm nay.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đẩy mạnh hơn nữa việc cắt giảm thâm hụt ngân sách Ý và Tây Ban Nha chẳng những không cần thiết mà còn có thể tạo ra tác dụng ngược, đẩy hai nền kinh tế trên đến bờ vực. Nhà kinh tế Yanis Varoufakis ở Athen, Hy Lạp, nhận xét: “nếu bạn tiếp tục cắt giảm như thế này thì bạn bắt đầu cắt bỏ đi cơ bắp của mình, ảnh hưởng đến tăng trưởng và nguồn thu thuế”. Hiện tại, cả Ý và Tây Ban Nha đều bị dự báo sẽ tăng trưởng cực thấp, dưới 1% trong năm nay.
Ngoài ra, mặc dù nợ công của Ý rất cao, lên tới 126% GDP, nhưng nước này lại là một trong số ít các quốc gia có mức độ nợ không thay đổi kể từ khi đồng euro chính thức ra đời, theo chú thích của kinh tế gia trưởng tại HSBC là Stephen King. Tương tự như thế, mức độ nợ công của Tây Ban Nha sự thực đã giảm từ 69% GDP xuống còn 66% GDP. Trong khi đó, với cùng khoảng thời gian, nợ công Hy Lạp tăng từ 101% GDP lên thành 147% GDP, Pháp và Đức cũng tăng lên đáng kể.
Tờ Wall Street Journal đặt ra một vấn đề khác đối với khối Eurozone, đó là niềm tin của nhà đầu tư. Theo đó, vấn đề của Eurozone lúc này là nhà đầu tư đang mất niềm tin đối với khả năng điều hành của khối này. Đây không phải là lần đầu tiên ECB ra tay giải cứu và tiếp tục đòi hỏi các thành viên phải đẩy mạnh cắt giảm thâm hụt ngân sách như một điều kiện tiên quyết. Thế nhưng, hết lần này đến lần khác, Eurozone liên tục quay cuồng bên bờ vực với những cơn khủng hoảng nợ công của các nước thành viên. Điều đó cho thấy khối eurozone dường như đang bất lực. Chính vì thế, nỗ lực lần này có lẽ cũng chẳng đi đến đâu.
Kiến Tân
tbktsg