Thâm hụt ngân sách và đồng euro tăng giá là tâm điểm của Hội nghị bộ trưởng tài chính Eurozone
Cuộc họp thường niên của bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro (Eurozone) đã diễn ra tại Lúcxămbua trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của một số nước thành viên vẫn cao hơn quy định chung và đồng euro tiếp tục lên giá mạnh so với đồng USD...
Cuộc họp thường niên của bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro (Eurozone) đã diễn ra tại Lúcxămbua trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của một số nước thành viên vẫn cao hơn quy định chung và đồng euro tiếp tục lên giá mạnh so với đồng USD.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Lúcxămbua, Jean-Claude Juncker, cảnh báo việc đồng euro tăng giá sẽ làm 12 nước thành viên sử dụng đồng tiền chung châu Âu phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn vì nó có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho hoạt động xuất khẩu và làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hoá Eurozone trên thị trường quốc tế.
Tỷ giá hối đoái giữa đồng euro và đồng USD trên thị trường ngày 5/6 đã tăng lên gần 1,3 USD/euro, mức cao nhất của đồng euro trong hơn một năm qua. Nguyên nhân chính khiến đồng euro lên giá là do các số liệu kinh tế yếu kém của Mỹ và dự đoán Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất.
Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha, Pedro Solbes, cũng bày tỏ lo ngại trước xu hướng lên giá của đồng euro, nhưng vẫn tin tưởng vào sự tăng trưởng của kinh tế Eurozone. Theo ông, 1,3 USD ăn 1 euro không phải là tỷ giá có lợi cho Eurozone, nhưng dù sao khu vực này trước đây cũng đã trải qua tình huống này.
Thâm hụt ngân sách vẫn là bài toán làm đau đầu các nhà chức trách Liên minh châu Âu (EU). Cho tới thời điểm này, năm nước thành viên Eurozone gồm Bồ Đào Nha, Italia, Pháp, Đức và Hy Lạp chưa thể đưa thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% GDP như Hiệp ước Tăng trưởng và Ổn định châu Âu (SGP) quy định nhằm giữ cho các nền kinh tế Eurozone ổn định. SGP còn quy định các nước EU kiềm chế nợ công dưới mức 60% GDP.
Uỷ viên Tiền tệ EU, Joaquin Almunia, đã phải hối thúc Italia và Pháp, hai trong số các nền kinh tế đầu tàu của châu Âu, thực hiện các cam kết giảm thâm hụt ngân sách. Thâm hụt ngân sách của Italia dự đoán sẽ lên tới 4,5% GDP và nợ là 107%. Trong khi năm 2005 thâm hụt ngân sách của Pháp đã ở dưới 3% GDP, nhưng năm nay có nhiều khả năng trở lại mức 3% GDP.
Tâm điểm của cuộc họp bộ trưởng tài chính Eurozone năm nay sẽ là bản thuyết trình của Bộ trưởng Kinh tế Italia, Tommaso Padoa-Schiopa, về các biện pháp mà nước này sẽ thực hiện để hạ thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% GDP. Tuần trước Thủ tướng Italia, Romano Prodi, đã cam kết nước này sẽ nỗ lực hết sức để giảm nợ công khoảng 21,5 tỷ euro, tương đương 1,6% GDP, vào cuối năm 2007.
Mặc dù vậy, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vẫn cảnh báo năm nay thâm hụt ngân sách của Italia sẽ tăng lên 4,2% GDP và năm tới tỷ lệ đó sẽ còn cao hơn, lên tới 4,6% GDP, nếu nước này không có các biện pháp khẩn cấp cắt giảm thâm hụt. Giới chức tại Brúcxen còn lo ngại lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí tài trợ cho món nợ khổng lồ của Italia.
Trong khi đó, từ đầu năm tới nay giá năng lượng và dịch vụ tăng là nhân tố chính khiến lạm phát trong Eurozone có chiều hướng gia tăng. Lạm phát trong tháng 5/06 đã lên tới 2,5% và đang vượt xa mục tiêu 2% mà ECB đặt ra. Uỷ ban châu Âu (EC) thừa nhận giá năng lượng đã bắt đầu tác động tới giá cả các mặt hàng thiết yếu và chi phí dịch vụ ở các nước thành viên và đẩy lạm phát lên cao hơn. Chính điều đó càng làm dấy lên dự đoán ECB sẽ tăng lãi suất, hiện đang ở mức 2,75%, lên 3% khi nhóm họp tại Mađrít, Tây Ban Nha, vào ngày 8/6. Nếu mọi việc diễn ra đúng như dự đoán, đây sẽ là lần nâng lãi suất lần thứ ba trong vòng 6 tháng của ECB và chênh lệch lãi suất với Mỹ ngày càng được thu hẹp.
Bộ trưởng Tài chính Áo, Karl-Heinz Grasser, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), tỏ ý thận trọng về khả năng ECB tăng lãi suất. Theo ông, phần lớn các quyết định tăng lãi suất của ECB tỏ ra khá hiệu quả đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Nhưng kinh tế các nước EU cũng được hưởng lợi từ việc ECB cải cách cơ cấu và giữ lãi suất ở mức thấp.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng khuyến cáo ECB cân nhắc kỹ lưỡng trước việc tăng lãi suất quá nhanh vì lo ngại tác động tới triển vọng kinh tế khu vực năm 2007. Theo IMF, năm nay, kinh tế Eurozone có thể tăng 2%, nhưng sang năm 2007 triển vọng kinh tế sẽ không sáng sủa như vậy. EC dự đoán kinh tế năm 2006 kinh tế Eurozone có thể tăng 2,1% so với mức tăng 1,3% năm 2005.
Lạm phát cũng là lực cản khiến tiến trình gia nhập Eurozone của Lítva sẽ phải trì hoãn thêm một thời gian nữa. Để gia nhập ngôi nhà chung Eurozone, các nước ứng viên phải có tỷ lệ lạm phát không được cao hơn 1,5% so với 3 nước có lạm phát cao nhất. Tỷ lệ đó sẽ là 2,6%. Trong khi đó quốc gia Bantích này lại một lần nữa bỏ lỡ cơ hội gia nhập Eurozone do lạm phát trong tháng 4/06 qua mức 2,7%.
TTXVN