Tận dụng cơ hội từ thị trường Nam Mỹ
Chắc chắn, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Nam Mỹ sẽ không chỉ dừng lại ở mức 30%/năm như hiện nay.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Mỹ 9 tháng đầu 2010 |
Khoảng gần 9 năm trở lại đây, số quốc gia Nam Mỹ có trao đổi thương mại với Việt Nam đã tăng từ 7 lên đến 33 (tức là toàn bộ khu vực). Trong khi suốt thập niên 1990 trước đó, Việt Nam chỉ giao thương được với vài ba nước. Kim ngạch thương mại 2 chiều cũng theo đó tăng cao, ví dụ như năm 2009 cao gần gấp 17 lần so với năm 1990. Sự tăng trưởng này được Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương) dự báo sẽ tiếp diễn trong những năm sắp tới.
Hướng về phương Đông
Cũng theo phân tích của Vụ Thị trường châu Mỹ thì Nam Mỹ, khu vực phát triển kinh tế năng động của thế giới, có nhu cầu nhập khẩu rất lớn với giá trị tăng trưởng mỗi năm khoảng 17%. Chính sách đối ngoại của các quốc gia Nam Mỹ lại ngày càng hướng mạnh về phương Đông, đặc biệt là Việt Nam, cửa ngõ quan trọng để thâm nhập thị trường châu Á. Hơn nữa, hàng hóa sang đây không đòi hỏi chất lượng quá cao như ở Mỹ, châu Âu, Nhật và điều này thì Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Trong số 10 nhóm mặt hàng Việt Nam xuất khẩu thường xuyên sang thị trường (thống kê năm 2009), giày dép chiếm đến 1/4 tổng kim ngạch, đạt giá trị bình quân 2 tỉ USD/năm. Nhóm hàng có giá trị kim ngạch cao thứ 2 là gạo (Cuba nhập nhiều nhất 200 triệu USD/năm) và kế đến là dệt may. Hàng thủy sản (cá tra, cá basa) tuy mới có mặt một thời gian ngắn nhưng giá trị kim ngạch cũng tăng khá nhanh đến hàng chục triệu USD.
Bên cạnh đó, hàng hóa công nghệ, điện tử, tin học, cơ khí cũng bắt đầu thâm nhập Nam Mỹ. Vật liệu xây dựng, gốm sứ, xi măng, sắt thép của Việt Nam được các nước ở đây tiêu thụ với số lượng lớn và nhu cầu ngày càng cao.
Theo ông Phạm Bá Uông, Vụ phó Vụ Thị trường châu Mỹ, sắp tới thị trường Nam Mỹ dự định nhập một khối lượng gạo rất lớn để bù đắp lượng thiếu hụt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nếu tận dụng được cơ hội, hàng Việt Nam sẽ thâm nhập sâu hơn vào đây.
Không chỉ tiềm năng đối với xuất khẩu, Nam Mỹ còn có thể là nguồn cung cấp nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Những mặt hàng thường được nhập về là phôi thép, thức ăn gia súc và phụ kiện da giày. Hiện Việt Nam nhập nhiều thức ăn gia súc của Trung Quốc, Thái Lan nhưng thực tế 2 nước đó đã nhập từ Nam Mỹ về và bán lại nhằm hưởng mức chênh lệch giá.
Nguồn nguyên liệu gỗ từ đây cũng rất dồi dào. Doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập về để gia công, làm thành phẩm sau đó xuất ngược lại một số nước có nhu cầu đồ gỗ lớn như Brazil, Mexico.
Nền kinh tế Nam Mỹ thời gian tới được dự báo vẫn phát triển rất tốt, giao thương tăng mạnh. Xuất khẩu của Việt Nam sang đây có thể đạt hơn 6 tỉ USD vào năm 2015 và tăng hơn gấp đôi 5 năm sau đó.
Tăng cường giải pháp phá rào cản
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Khiêm, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại Nam Mỹ tính đến nay là rất nhỏ, chỉ chiếm 0,18% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nam Mỹ. Ngược lại, thị trường này cũng chỉ chiếm 2,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Và mặc dù đã thiết lập quan hệ giao thương với 33 nước Nam Mỹ nhưng thực chất hàng Việt Nam mới xuất khẩu chủ yếu sang 10 nước, khối lượng giao thương với 23 nước còn lại là khá ít.
Đại sứ Brazil tại Việt Nam, ông Alberto Jaime Kaminker nhận xét, rào cản lớn nhất đối với giao thương 2 phía là khoảng cách địa lý. Chi phí và thời gian vận tải nhiều sẽ kéo giá hàng xuất khẩu lên cao. Rào cản thứ 2 là doanh nghiệp hai bên còn thiếu thông tin của nhau do khác biệt ngôn ngữ, dẫn đến khó đẩy mạnh quan hệ kinh doanh. Hầu hết các nước Nam Mỹ đều sử dụng tiếng Tây Ban Nha (trừ Brazil sử dụng tiếng Bồ Đào Nha), một ngoại ngữ thường có rất ít người Việt Nam theo học.
Mặt khác, hàng hóa Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh lớn về giá và chủng loại khi đối đầu với hàng Trung Quốc, Ấn Độ. Hiện nay, sản phẩm của 2 nước này tại Nam Mỹ có giá rẻ và mẫu mã đa dạng hơn so với hàng Việt Nam.
Tiếp đến là sự hỗ trợ hạn chế của chính phủ. Việt Nam mới chỉ có 7 thương vụ tại Nam Mỹ, quá ít để hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu đầy đủ toàn bộ thị trường rộng lớn, ông Uông thuộc Vụ Thị trường châu Mỹ, cho biết. Vì thế trước mắt, doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu các quy định về sản phẩm như đóng gói, chất lượng, mặt hàng cấm nhập khẩu để từ đó xác định hướng phát triển cho mình.
Khác biệt ngôn ngữ đúng là một cản trở lớn trong trao đổi thông tin nhưng không có nghĩa là không thể giải quyết được. Giải pháp cho các doanh nghiệp là nhanh chóng biên tập, phát hành và phải luôn cập nhật tài liệu quảng bá về thị trường Việt Nam bằng tiếng Tây Ban Nha để chuyển đến các doanh nghiệp Nam Mỹ bất cứ lúc nào. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng website bằng tiếng Tây Ban Nha để giới thiệu sản phẩm và kể cả bản thân mình.
Đại sứ quán các nước tại Việt Nam và các sở công thương nên tổ chức hội thảo giới thiệu thị trường và cơ hội xuất khẩu sang Nam Mỹ cho doanh nghiệp Việt Nam. Tăng cường tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại 2 chiều giúp doanh nghiệp 2 bên khảo sát thị trường, thiết lập quan hệ đối tác, bạn hàng. Các cơ quan thương vụ Việt Nam tại Nam Mỹ có thể giúp doanh nghiệp về vấn đề ngôn ngữ khi trao đổi thương mại.
Thêm vào đó, Vụ Thị trường châu Mỹ nhận định lực lượng kiều bào, doanh nhân nước ngoài cũng có thể trở thành kênh quảng bá tốt, đưa thêm hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường. Doanh nghiệp nên trao đổi thông tin với đối tác bằng email và “tốt nhất là sang tận nơi để trực tiếp gặp gỡ tìm hiểu nhu cầu thị trường”, ông Uông đưa ra ý kiến kết luận.
Thanh Hương
Nhịp cầu đầu tư