Tài sản của giới siêu giàu tăng lên mức “không tưởng”
Khối tài sản của giới siêu giàu đang tăng tốc với tốc độ chưa từng có trong lịch sử, đẩy khoảng cách giàu nghèo toàn cầu lên mức kỷ lục mới trong năm 2024.
Theo báo cáo mới nhất từ Oxfam vừa công bố vào ngày 19/01, tổng tài sản của những người giàu nhất thế giới đã tăng thêm 2,000 tỷ USD lên 15,000 tỷ USD chỉ trong vòng 12 tháng qua. Đây là năm tăng mạnh thứ hai trong lịch sử theo dõi của Oxfam, phản ánh xu hướng tập trung tài sản ngày càng đáng báo động trong nền kinh tế toàn cầu.
Đặc biệt, báo cáo chỉ ra rằng 60% tài sản của các tỷ phú hiện nay không đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh thuần túy mà xuất phát từ hai nguồn chính: Thừa kế và các mối quan hệ thân hữu.
Thống kê từ Ngân hàng Thế giới (WB) được Oxfam trích dẫn cho thấy trong khi 1% dân số giàu nhất đang nắm giữ gần 45% tổng tài sản toàn cầu, thì 44% dân số thế giới vẫn đang phải vật lộn với cuộc sống dưới ngưỡng nghèo 6.85 USD mỗi ngày. Đáng chú ý, tỷ lệ người sống trong nghèo đói hầu như không có sự cải thiện đáng kể kể từ năm 1990.
"Việc một số ít người đặc quyền nắm giữ nền kinh tế toàn cầu đã đạt đến mức từng được coi là không tưởng", Amitabh Behar, Giám đốc điều hành Oxfam International cho biết. "Thất bại trong việc ngăn chặn các tỷ phú giờ đây đang tạo ra những người có khối tài sản 1,000 tỷ USD trong tương lai. Không chỉ tốc độ tích lũy tài sản của các tỷ phú tăng nhanh gấp 3 lần, mà quyền lực của họ cũng vậy".
Báo cáo này được công bố trong bối cảnh đặc biệt, khi tỷ phú Donald Trump đang chuẩn bị trở lại Nhà Trắng và 3,000 nhà lãnh đạo từ hơn 130 quốc gia tập trung tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos. Theo dự báo của Học viện Informa Connect, Elon Musk - CEO Tesla và là đồng minh thân cận của Trump - với khối tài sản hiện tại khoảng 440 tỷ USD theo Bloomberg Billionaires Index, có thể trở thành người đầu tiên có khối tài sản 1,000 tỷ USD vào năm 2027.
Trong bài phát biểu chia tay, Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về sự trỗi dậy của "tầng lớp quý tộc" tại Mỹ với "sự giàu có, quyền lực và ảnh hưởng cực kỳ lớn". Ông nhấn mạnh: "Mọi người nên được phép kiếm được nhiều nhất có thể, nhưng phải tuân theo các quy tắc như nhau, đóng phần thuế công bằng của họ".
Trước tình trạng này, Oxfam đang kêu gọi một loạt giải pháp căn cơ. Tổ chức này đề xuất các chính phủ cam kết đảm bảo thu nhập của 10% người giàu nhất không vượt quá một ngưỡng nhất định so với 40% người nghèo nhất toàn cầu. Đồng thời, cần điều chỉnh các quy tắc kinh tế toàn cầu theo ba hướng chính: Phá vỡ độc quyền, tăng cường quản lý doanh nghiệp, và cải thiện chính sách thuế để đảm bảo người giàu đóng góp công bằng cho xã hội.
Số tiền đang chảy vào tài khoản ngân hàng của những người siêu giàu thay vì đầu tư vào những thứ cần thiết hơn là giáo dục và thuốc men “không chỉ là điều tồi tệ đối với nền kinh tế mà còn tồi tệ đối với nhân loại", Behar của Oxfam cảnh báo.
Ông đặc biệt chỉ trích thực trạng thừa kế tài sản khổng lồ không bị đánh thuế, coi đó là "xúc phạm đối với sự công bằng" và là nguồn gốc duy trì một tầng lớp quý tộc mới, nơi tài sản và quyền lực vẫn bị khóa chặt trong tay một số ít người.
Vũ Hạo (Theo CNBC)