Tin tức
Sự sợ hãi đang lấn át lòng tham

Sự sợ hãi đang lấn át lòng tham

19/11/2010

Banner PHS

Vietstock Weekly: Tuần 22 – 26/11/2010

Sự sợ hãi đang lấn át lòng tham

(Vietstock) – Chúng tôi cho rằng thị trường tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro. Khả năng giá cổ phiếu sụt giảm vẫn còn dù đã giảm về vùng rất thấp. CPI tháng 11 có thể tăng mạnh và tiếp tục tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường. Tuy vậy, chúng tôi vẫn kỳ vọng thị trường tích cực hơn vào những phiên cuối tuần tới khi dòng tiền bắt đáy vào thị trường do giá cổ phiếu đã giảm sâu.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Kinh tế thế giới tuần qua vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện. Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và chính sách kiềm chế lạm phát ở Trung Quốc đang kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế thế giới.

Kinh tế Mỹ: Việc làm và nhà đất khởi sắc

Thị trường lao động Mỹ có phần bớt căng thẳng khi số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần chỉ tăng thêm 2,000 lên 439,000 người, thấp hơn dự báo tăng lên 442,000 người.

Một dấu hiệu lạc quan là doanh số bán lẻ tháng 10/2010 tăng 1.2%, mức gia tăng mạnh nhất trong vòng 7 tháng và cao gấp đôi so với dự báo 0.6%. Như vậy, người dân Mỹ đang có dấu hiệu đẩy mạnh chi tiêu trở lại và điều này được kỳ vọng sẽ là lực đỡ cho đà phục hồi kinh tế.

CPI tháng 10/2010 tăng 1.2% so với cùng kỳ năm trước nhưng CPI cơ bản (trừ năng lượng và thực phẩm) tăng 0.6%, mức thấp nhất kể từ năm 1957. Số nhà được cấp phép xây mới, chỉ báo hàng đầu của hoạt động xây dựng, tăng lên 550,000 đơn vị trong tháng 10, thấp hơn dự báo 570,000 đơn vị của các nhà kinh tế nhưng cao hơn mức 547,000 trong tháng 9/2010.

Châu Âu lại lo nợ công và lạm phát

Kinh tế châu Âu một lần nữa lại chịu tác động bởi dư chấn của cuộc khủng hoảng nợ công vừa qua. Trong khi đó, tình trạng lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao khiên bất đồng trong khối Eurozone về chính sách tiền tệ ngày càng trở nên sâu sắc.

Theo thống kê của Liên minh châu Âu (EU) ra ngày hôm qua, thặng dư thương mại tháng 9/2010 đạt 2.9 tỷ Euro (3.97 tỷ USD) so với thâm mức thâm hụt 5 tỷ USD trong tháng 8/2010.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2010 của Anh bất ngờ tăng mạnh lên 3.2% do giá nhiên liệu tăng cao và vượt mức 2% tháng thứ 11 liên tiếp. Thông tin này sẽ khiến NHTW Anh (BOE) tiếp tục gặp khó khăn trong các quyết định chính sách tiền tệ.

Chứng khoán thế giới giằng co, phân hóa

Chứng khoán thế giới tuần qua biến động khá mạnh và trái chiều. Nhà đầu tư chịu tác động khá mạnh thông tin vấn đề nợ công châu Âu. Thị trường Trung Quốc và HongKong tiếp tục lao dốc trước áp lực lạm phát ngày càng tăng cao. Trong khi đó Nikkei 225 có sự phục hồi ấn tượng với mức tăng cao 3.06% so với cuối tuần trước.

II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Trong tuần, kinh tế trong nước không có quá nhiều diễn biến bất ngờ. Giá vàng và USD cũng có biến động nhưng đã bình ổn trở lại. Lãi suất và lạm phát tiếp tục cao là những vấn đề gây quan ngại sâu sắc cho nhiều người.

Lãi suất liên ngân hàng giảm khi NHNN can thiệp

Lãi suất tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn khiến cho thị trường e ngại, bởi mặt bằng lãi suất hiện tại được xem là quá cao đối với nền kinh tế. Diễn biến này buộc NHNN phải can thiệp vào thị trường. Theo số liệu thống kê, từ ngày từ 4 – 15/11, NHNN đã bơm ra thị trường 108 nghìn tỷ đồng, trong đó 85 nghìn tỷ đồng là kỳ hạn 7 ngày, còn lại là kỳ hạn khác.

Với động thái này của NHNN, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã hạ nhiệt. Hiện tại lãi suất bình quân qua đêm chỉ khoảng 11-12%, thấp hơn khá nhiều so với tuần trước. Tuy nhiên, lãi suất huy động và cho vay trên thị trường vẫn không hề giảm. Nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất cho vay lên 19-20%, lãi suất huy động lên 13-15%. Như vậy, có thể thấy tình trạng căng thẳng lãi suất vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Nguyên nhân của cuộc đua lãi suất lần này là do các ngân hàng buộc phải ”giữ tiền” lại trước ”sức nóng” của thị trường vàng và ngoại tệ. Ngoài ra, NHNN cũng đã có động thái thắt chặt tiền tệ để giảm sức ép lạm phát khiến nguồn cung tiền bị hạn chế.

Trước đây, không ít ngân hàng đã đẩy mạnh việc mua trái phiếu chính phủ với kỳ vọng để tái chiết khấu lại cho NHNN hưởng chênh lệch lãi suất. Tổng giá trị trái phiếu chính phủ phát hành trong 10 tháng hơn 80 nghìn tỷ đồng đã hút một lượng vốn rất lớn từ các ngân hàng, gây sức ép lên mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế.

Như vậy, nhìn chung vấn đề lãi suất vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Lãi suất có thể không tăng mạnh thêm nữa nhưng lại rất khó giảm trước sức ép của lạm phát và nhu cầu tín dụng vào cuối năm. Những biện pháp can thiệp mạnh của NHNN qua thị trường mở chỉ có tác dụng trong ngắn hạn.

Nỗi lo lạm phát ám ảnh nhà đầu tư

Bên cạnh sự biến động giá vàng và USD thì lạm phát cũng được nhà đầu tư ngóng chờ trước ngày con số chính thức được công bố. Có thể nói trong hơn 2 tháng vừa qua, đây là nỗi ám ảnh lớn đối với toàn nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, giá hầu hết các mặt hàng đều tăng khá mạnh, nhất là những mặt hàng lương thực, thực phẩm. Thiên tai ở khắp các tỉnh Miền Trung đã làm cho giá lương thực, thực phẩm tăng cao. Ngoài ra, việc VND mất giá cũng đã gây ra hiện tượng tăng giá ở hầu hết các mặt hàng nhập khẩu.

Trong 10 tháng đầu năm lạm phát đã tăng 7.58%, điều này đồng nghĩa với mục tiêu CPI năm 2010 dưới 8% không thể thực hiện được. Nhiều lo ngại cho rằng CPI cả năm sẽ vượt qua 2 con số là có cơ sở vì CPI 2 tháng cuối năm thường tăng mạnh do tính chất mùa vụ. Thực tế, mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường cũng đã tăng rất mạnh trong thời gian qua.

Trong những ngày gần đây, nhiều nhận định cho rằng CPI tháng 11 có thể trên 1% thậm chí có thể lên 1.5%. Chúng tôi cho rằng nếu con số trên 1.5% thành hiện thực thì điều đó đồng nghĩa với những rủi ro của nền kinh tế khá cao. Nếu CPI quanh mức 1% thì sẽ nằm trong kỳ vọng của nhiều người.

III. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Thị trường chứng khoán tiếp tục có một tuần sóng gió dù không có nhiều thông tin vĩ mô bất ngờ tác động. Thay vào đó, nỗi lo về lạm phát và lãi suất đang làm nhụt chí giới đầu tư. Khối ngoại cũng đã chùn tay trong việc mua ròng. Tâm lý bắt đáy đã xuất hiện trong một vài phiên nhưng không đủ lực để vực dậy toàn bộ thị trường.

Kết thúc tuần giao dịch VN-Index mất 3.42%, về mức 426.51 điểm, gần bằng mức đáy 423 được thiết lập vào ngày 25/08/2010. Trong khi đó HNX-Index giảm 2.48%, mất mốc 100 điểm về mức 99.1 điểm. Thanh khoản trên cả 2 sàn giảm nhẹ so với tuần trước. Trên HoSE trung bình có 725 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên, còn tại HNX là 450 tỷ đồng.

Tuần này, khối ngoại đã giảm mạnh lượng mua ròng so với những tuần trước. Tổng giá trị mua ròng của khối ngoại chỉ là 75 tỷ đồng, bằng 1/7 so với tuần trước đó. Các cổ phiếu được khối ngoại ưa thích vẫn là các mã quen thuộc như DPM, HAG, FPT, PVD; trong khi khối này bán ròng các cổ phiếu VIC, SSI, SJS.

Thị trường sút giảm trước tâm lý chán nản của nhà đầu tư

Trong giai đoạn gần đây những thông tin về vĩ mô thường tác động mạnh tới thị trường. Nhà đầu tư dường như ít quan tâm đến kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiện tại, dù chỉ số P/E của thị trường xuống mức khá thấp (dưới 10 lần), nhiều cổ phiếu đã về vùng đáy của tháng 3/2009, P/E chỉ còn quanh mức 4-6 lần nhưng vẫn không hấp dẫn được nhà đầu tư.

Lý do dẫn đến thực trạng trên là do dòng tiền đã suy yếu khi mặt bằng lãi suất lên quá cao. Những nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt cũng không mặn mà tham gia thị trường do rủi ro kinh tế còn lớn và khả năng giảm điểm của cổ phiếu vẫn còn hiện diện. Hoạt động bắt đáy diễn ra vào phiên thứ 4 và thứ 5 khá sôi động nhưng cũng nhanh chóng bị lượng cung lớn dập tắt. Phiên thứ 6 đã giảm điểm mạnh vào cuối phiên cho thấy tâm lý ”tháo chạy” vẫn luôn sẵn sàng đối với giới đầu tư.

IV. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 22 – 26/11/2010

Với những bất ổn trong nền kinh tế, chúng ta khó có thể kỳ vọng vào một đợt phục hồi mạnh mẽ của thị trường dù đã giảm khá sâu. Tuần giao dịch tới một số chỉ số vĩ mô được công bố sẽ có tác động mạnh mẽ đến thị trường.

Trong trường hợp chỉ số CPI quanh mức 1% thị trường sẽ không phản ứng tiêu cực, còn nếu ở mức 1.5% trở lên thì khả năng xảy ra những đợt bán tháo là rất lớn.

Mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức rất cao và khó tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là mức tăng lãi suất này ngày càng phổ biến và lan rộng ra nhiều ngân hàng khác nhau. Điều này cho thấy là cơ hội giảm lãi suất sẽ không có nhiều và đồng nghĩa với việc dòng tiền vẫn chưa trở lại.

Những diễn biến trên thị trường vào phiên thứ 6 cũng báo hiệu một gam màu không mấy tốt đẹp cho tuần sau. Có thể nhà đầu tư đã ”cảm nhận” được rủi ro đang đến gần nên đã bán mạnh vào cuối phiên dù trước đó thị trường đang tăng khá mạnh. Động thái của nhà đầu tư nước ngoài cũng không ủng hộ thị trường khi họ chỉ mua ròng nhẹ.

Chúng tôi cho rằng thị trường tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro. Khả năng giá cổ phiếu sụt giảm vẫn còn dù đã giảm về vùng rất thấp. CPI tháng 11 có thể tăng mạnh và tiếp tục tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường. Tuy vậy, chúng tôi vẫn kỳ vọng thị trường tích cực hơn vào những phiên cuối tuần tới khi dòng tiền bắt đáy vào thị trường do giá cổ phiếu đã giảm sâu.

V. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

VN-Index – Dark Cloud Cover xuất hiện

Một lần nữa, sóng 5/c/II lại cho thấy tính bất quy tắc của mình. Mọi tính toán và dự báo đều có thể bị đảo lộn khi sóng này diễn ra. Chiến lược phản ứng (reaction) và phòng ngừa rủi ro sẽ giúp chúng ta tránh được sự thua lỗ trong ngắn hạn.

Dark Cloud Cover – một trong những candlesticks đảo chiều điển hình nhất - đã xuất hiện trong phiên giao dịch ngày 19/11/2010. Mẫu hình này đã từng diễn ra vào ngày 11/11/2010 và sau đó là 4 phiên giảm điểm mạnh liên tiếp. Câu hỏi được giới phân tích kỹ thuật đặt ra là liệu quá khứ có lặp lại một lần nữa hay không? Điều đó khó mà nói trước, tuy nhiên, với những tín hiệu hiện tại thì khả năng giảm điểm tiếp tục là khá lớn.

Nếu trong những phiên giao dịch đầu tuần sau ngưỡng 420 bị thủng thì khả năng giá đi vào vùng 375 – 385 điểm là rất lớn.

Dow Jones – Ichimoku Kinko Hyo cho tín hiệu bi quan

Bộ đôi Tenkan-Sen và Kijun-Sen đã cho tín hiệu bán bất chấp một phiên tăng điểm mạnh của thị trường này trong phiên ngày 18/11/2010. Điều này cho thấy khả năng điều chỉnh trong ngắn hạn của thị trường Mỹ là khá cao.

Tuy nhiên, giá sẽ nhận được sự hỗ trợ rất mạnh từ trendline chống đỡ và đám mây giá Kumo nếu tiếp tục thoái lùi. Vì vậy, đợt điều chỉnh này sẽ là cơ hội chứ không phải là nguy cơ trong trung hạn.

Việc giải ngân từng phần trong các đợt rung lắc mạnh là có thể xem xét.

VI. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 15 – 19/11/2010

Hồ Bá Tình – Nguyễn Quang Minh

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng