Tin tức
Shark Bình - Phi Vân bắt tay chốt deal đầu tiên với startup mì Ramen, tuyên bố ký nhượng quyền master tới 1 triệu USD/hợp đồng

Shark Bình - Phi Vân bắt tay chốt deal đầu tiên với startup mì Ramen, tuyên bố ký nhượng quyền master tới 1 triệu USD/hợp đồng

30/07/2024

Banner PHS

Shark Bình - Phi Vân bắt tay chốt deal đầu tiên với startup mì Ramen, tuyên bố ký nhượng quyền master tới 1 triệu USD/hợp đồng

Mở màn Shark Tank mùa 7, hai Shark đã cùng đầu tư 2.5 tỷ đồng cho 25% cổ phần Seichou Machi Ramen, startup mang mục tiêu bình dân hóa bát mì ramen tại thị trường Việt Nam.

Seichou Machi Ramen là startup đầu tiên xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ mùa 7 tập 1, với sản phẩm mì ramen thủ công và đông lạnh. Theo chia sẻ của nhà sáng lập Nguyễn Văn Duy, định hướng phát triển của startup là mở rộng chuỗi cửa hàng mì tươi thủ công, đồng thời sản xuất mì ramen cấp đông để phục vụ tới nhiều người tiêu dùng hơn.

Từng dành 4 năm kinh nghiệm trong ngành thực phẩm tại Nhật Bản, Nguyễn Văn Duy nhận thấy mì ramen, món ăn xuất hiện mọi ngóc ngách ở Nhật Bản, khi về đến Việt Nam thì giá thành khá cao từ 150,000 - 250,000 đồng/tô nên khách hàng khó có thể thưởng thức thường xuyên.

Tính toán sử dụng nông sản Việt để hạ giá và địa phương hóa hương vị món ăn, Nguyễn Văn Duy đã mở cửa hàng mì ramen thủ công tại Hà Nội. Từ một cửa hàng rộng 13m2 trên phố Hòe Nhai (Hà Nội) đến nay thương hiệu Machi Ramen đã phát triển thành một nhà hàng có diện tích gấp 6 lần ban đầu.

Nguyễn Văn Duy, Nhà sáng lập Seichou Machi Ramen

Xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam, Seichou Machi Ramen muốn gọi vốn 2.5 tỷ đồng đổi lấy 12.5% cổ phần, nhằm mở thêm nhà hàng mì thủ công và phân phối mì đông lạnh. Nhà sáng lập cũng phân tích về lợi thế của hai mô hình kinh doanh.

Theo đó, mô hình cửa hàng cần 600-800 triệu đồng đầu tư cho diện tích 90m2, phục vụ cùng lúc 45 khách, giá bán 84,000-114,000 đồng/tô, chi phí giá vốn chiếm từ 28% - 30%, EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) khoảng 25%. Với cửa hàng đang mở hiện tại, lợi nhuận startup khoảng 120 triệu/tháng.

Với sản phẩm mì ramen cấp đông thì phân phối online (trực tuyến), giá bán lẻ trung bình từ 50,000 - 55,000 đồng/bát/vị, giá vốn từ 15,000 - 17,000 đồng bao gồm cả chi phí nhân công và đóng gói bao bì. “Mì Ramen là mì tươi được cấp đông, đóng gói và bán. Khi dùng chỉ cần đun lên hoặc rã đông bằng lò vi sóng… So với mì khô thì mì cấp đông có hương vị gần giống mì thủ công phục vụ tại các nhà hàng”, Nguyễn Văn Duy và vợ là Đặng Hồng Nhung lần lượt chia sẻ.

Nguyễn Văn Duy - sáng lập kiêm Giám đốc điều hành và Đặng Hồng Nhung - đồng sáng lập (từ trái qua phải)

Với số vốn 2.5 tỷ đồng kêu gọi tại Shark Tank, vợ chồng Duy - Nhung dự kiến dùng 1.5 tỷ đồng để mở thêm 2 nhà hàng mới, 1 tỷ phát triển sản xuất sản phẩm đông lạnh. Đến năm 2025 sẽ tiếp tục kêu gọi 1.5 triệu USD đầu tư từ một doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản.

Shark Hưng, Shark Minh Beta từ chối

Trả lời Shark Minh Beta lý do lợi nhuận 1.2 tỷ đồng/năm nhưng định giá doanh nghiệp lên đến 20 tỷ đồng, Nguyễn Văn Duy cho biết dựa trên hai căn cứ. Thứ nhất, lấy 4 tỷ đồng - doanh thu dự kiến năm 2024 nhân với EV/S (Enterprise Value/Sale - định giá doanh nghiệp trên doanh số) trung bình ngành là 5 lần. Thứ hai là lợi nhuận dự kiến tăng trưởng 350% vào năm 2025.

Bên cạnh đó, ông Duy cũng tiết lộ rằng startup đang nhận được sự chú ý, quan sát của một tập đoàn lớn trong mảng ẩm thực ở Nhật Bản từ năm 2023.

Tuy nhiên, cách lập luận này chưa đủ sức thuyết phục Shark Minh Beta nên ông quyết định không đầu tư.

Shark Hưng cũng từ chối thương vụ bởi không có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm đông lạnh đóng gói.

Nhà sáng lập Nguyễn Văn Duy giới thiệu sản phẩm của Seichou Machi Ramen

Shark Phi Vân tuyên bố giúp starup ký nhượng quyền master tới 1 triệu USD/hợp đồng

Trong khi đó, ba “Cá Mập” còn lại rất hào hứng với thương vụ. Shark Nguyễn Văn Thái, với thế mạnh về xây kênh, bán hàng online (trực tuyến) và có thể giúp startup kết nối với các KOC (người tiêu dùng chủ chốt) nổi tiếng, đề nghị đầu tư 2.5 tỷ đồng cho 35% cổ phần mảng sản xuất sản phẩm cấp đông.

Shark Bình từng nghiên cứu về lĩnh vực thực phẩm cấp đông nhanh, tự tin với hệ sinh thái Next Commerce chuyên tư vấn, triển khai D2C (direct to consumer - bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng) cho các startup, các nhãn hàng cũng đề nghị đầu tư 2.5 tỷ đồng đổi lấy 25% cổ phần.

Shark Phi Vân nhận thấy mì ramen đang “hot” ở các nước nhưng giá khá cao nên Seichou Machi Ramen có cơ hội phát triển ở thị trường đại chúng. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển chuỗi và nhượng quyền quốc tế, bà đề nghị đầu tư 2.5 tỷ đồng cho 35% cổ phần, đồng thời sẽ giúp startup ký nhượng quyền thương mại trực tiếp (nhượng quyền master) với giá trị từ khoảng 500,000 - 1 triệu USD mỗi hợp đồng.

Mong muốn có sự đồng hành của Shark Bình, Nguyễn Văn Duy đàm phán số vốn đầu tư 2.5 tỷ đồng sẽ đổi lấy 13.5% cổ phần nhưng không thành công.

Quyết không bỏ lỡ startup hợp khẩu vị đầu tư, Shark Phi Vân nhấn mạnh sẽ giúp startup ký master là hợp đồng nhượng quyền độc quyền theo khu vực, lãnh thổ chứ không phải là mở rộng từng cửa hàng một.

Startup Seichoi Machi Ramen chốt deal cùng Shark Bình và Shark Phi Vân

Bị thuyết phục bởi Shark Phi Vân, Nguyễn Văn Duy đề xuất bà cùng Shark Bình kết hợp đầu tư cho Seichou Machi Ramen. Thỏa thuận cuối cùng, Shark Phi Vân và Shark Bình cùng đầu tư 2.5 tỷ đồng để đổi lấy 25% cổ phần (mỗi Shark 12.5%).

Nhà sáng lập Machi Ramen cho biết chấp nhận con số này với điều kiện có văn bản thỏa thuận rất rõ ràng về KPI, đưa startup ra quốc tế cũng như các vấn đề khác. Shark Bình đã gật đầu đồng ý với đề nghị này.

Thế Mạnh

FILI

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng