Tin tức
Quỹ bảo lãnh tín dụng khó triển khai

Quỹ bảo lãnh tín dụng khó triển khai

23/08/2005

Banner PHS

Quỹ bảo lãnh tín dụng khó triển khai

Sau hơn 3 năm, hàng loạt văn bản ra đời, hàng loạt kế hoạch điều chỉnh chủ trương, chính sách… nhưng vẫn chưa thể đưa Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động.

Sau hơn 3 năm, hàng loạt văn bản ra đời, hàng loạt kế hoạch điều chỉnh chủ trương, chính sách… nhưng vẫn chưa thể đưa Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động.

 

Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là thiếu vốn đầu tư kinh doanh và khó tiếp cận với các nguồn tín dụng chính thức do không có tài sản thế chấp khi vay vốn.

 

Và khi thiếu vốn, những doanh nghiệp này không đủ khả năng tham gia sản xuất kinh doanh ở các ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi tập trung vốn lớn và công nghệ cao.

 

Chủ trương đã rõ…

Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngày 20/12/2001, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp ở các địa phương, góp phần khai thông và hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Tuy nhiên, đến nay, tiến độ thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương rất chậm.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 90/2001/NĐ - CP ngày 23/11/2001 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành quyết định số 193/2001/QĐ - TTg vào ngày 20/12/2001 về việc quy chế thành lập và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Tiếp đến, ngày 7/5/2002, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 42/2002/TT - BTC hướng dẫn về việc thành lập, hoạt động của quỹ. Tuy nhiên, khi triển khai, các văn bản đã bộc lộ nhiều điểm quy định chưa phù hợp với thực tế, khó thực hiện.

 

Để giải quyết những khó khăn này, 25/6/2004, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định 115/QĐ - TTg sửa đổi bổ sung các vấn đề còn vướng mắc trong Quyết định 193 trước đó. Tại quyết định lần này, những vấn đề vướng mắc nhất như: vốn điều lệ, điều hành tác nghiệp quỹ đã được sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

 

Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép các chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chủ động trong việc xem xét và quyết định lựa chọn mô hình, tổ chức Quỹ bảo lãnh tín dụng phù hợp với thực tế tại địa phương.

 

Ngay sau đó, ngày 29/9/2004, Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư số 93/2004TT- BTC thay thế Thông tư số 42/2002/TT- BTC hướng dẫn các nội dung cụ thể về điều kiện thành lập, tổ chức, điều hành và quản lý quỹ; Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn việc góp vốn thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

…nhưng vẫn thiếu vốn

 

Mặc dù những vướng mắc về quy định đã được tháo gỡ nhưng việc thành lập quỹ lại vấp phải khó khăn khác là thiếu vốn.

 

Theo phản ánh của nhiều tỉnh thành, nguồn ngân sách của nhiều địa phương rất hạn hẹp nên việc dành ra một lúc hàng chục tỷ đồng để thành lập quỹ là điều không dễ. Trong khi đó, do quỹ này là tổ chức tài chính hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, chỉ bảo toàn vốn, bù đắp chi phí nên không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư góp vốn để thu lợi.

Nhiều tổ chức tín dụng địa phương cũng chưa tích cực tham gia góp vốn thành lập quỹ bảo lãnh với lý do chưa có văn bản hướng dẫn của tổ chức tín dụng Trung ương.

 

Bên cạnh đó, các quy định pháp lý hiện hành khi đi vào triển khai cụ thể cũng còn nhiều bất cập như: chưa xác định rõ quyền lợi cũng như trách nhiệm của tổ chức góp vốn thành lập quỹ; các quy định về đối tượng được bảo lãnh, tỷ lệ bảo lãnh, phí bảo lãnh... chưa được phân loại chi tiết; quy trình xin cấp bảo lãnh cũng chưa thuận tiện.

 

Bộ Tài chính cũng cho rằng, Quỹ bảo lãnh tín dụng là một mô hình mới, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam nên sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn.

 

Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vốn ngày càng lớn để đầu tư xây dựng nhà xưởng, đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại, nâng cao trình độ quản lý, đào tạo nhân lực..., nhưng với tài sản thế chấp ít, mức độ tín nhiệm về tài chính và thương hiệu chưa cao, còn yếu về khả năng và kinh nghiệm trong việc xác định chiến lược và phương án kinh doanh khả thi để thuyết phục được ngân hàng hỗ trợ tín dụng.

 

Để thúc đẩy việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ nay đến hết năm 2006, Bộ Tài chính sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực thi thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương để xác định những vấn đề còn tồn tại và đề ra các biện pháp giải quyết phù hợp.

 

Bộ Tài chính cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo các địa phương chủ động giành một phần ngân sách để góp vốn thành lập quỹ.

 

Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan có văn bản hướng dẫn các đơn vị trong hệ thống của mình tích cực tham gia góp vốn thành lập cũng như tích cực tham gia cơ chế bảo lãnh tín dụng để Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động thực sự có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.

 

Bộ Tài chính cũng đề nghị Chính phủ ban hành nghị định về tổ chức hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng để thay thế cho hai Quyết định 193 năm 2001 và Quyết định 115 năm 2004 để nâng tầm hiệu lực văn bản đối với loại hình tổ chức tài chính mới mẻ này.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng