PNJ không còn vàng miếng SJC để bán?
"Hiện tại, lượng miếng vàng SJC, nhẫn trơn PNJ, trang sức Vàng Tài Lộc PNJ đang hết hàng trên toàn hệ thống cửa hàng PNJ và chưa có thông tin chính xác về thời gian có hàng trở lại”.
Những ngày gần đây, giá vàng trong nước tăng cao theo giá thế giới, nhiều lượt khách hàng đến các cửa hàng vàng để giao dịch.
Thế nhưng, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) thông tin đến khách hàng, “hiện tại, lượng miếng vàng SJC, nhẫn trơn PNJ, trang sức Vàng Tài Lộc PNJ đang hết hàng trên toàn hệ thống cửa hàng PNJ và chưa có thông tin chính xác về thời gian có hàng trở lại”.
Sáng ngày 18/04, PNJ vẫn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 117-120 triệu đồng/lượngở chiều mua - bán và nhẫn trơn PNJ ở mức 114-117 triệu đồng/lượng ở chiều mua - bán.
Nguồn: PNJ
|
Theo BCTN, Ban lãnh đạo PNJ đánh giá năm 2024, ngành trang sức đối mặt những khó khăn khắc nghiệt chưa từng có của một "cơn bão kép" đến từ cả 2 đầu cung (nguồn nguyên vật liệu khan hiếm do giá vàng tăng) và đầu cầu (sức mua chung của ngành trang sức, ngành bán lẻ hàng xa xỉ suy giảm). Theo đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã đóng cửa, chuyển ngành nghề hay thu hẹp đáng kể hoạt động kinh doanh.
PNJ vẫn ghi nhận doanh thu thuần 37,823 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế 2,113 tỷ đồng, tăng hơn 7%.
Doanh thu bán lẻ trang sức và vàng 24K tiếp tục đóng góp phần lớn doanh thu PNJ trong năm 2024. Trong đó, doanh thu bán lẻ trang sức chiếm 58.3% và bán lẻ vàng 24K chiếm 31% doanh thu; tăng hơn 14% và gần 12% so với năm trước.
Tính đến 31/12/2024, lượng hàng tồn kho của PNJ ở mức gần 13,015 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với đầu năm. Trong đó, có gần 635 tỷ đồng nguyên vật liệu; gần 46 tỷ đồng công cụ, dụng cụ; hơn 249 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Đáng chú ý, cuối năm 2024, Doanh nghiệp còn hơn 8,466 tỷ đồng thành phẩm, tăng 20% và hơn 3,677 tỷ đồng hàng hoá, tăng 59%.
BCTC cũng chỉ ra tại ngày 31/12/2024, hàng tồn kho luân chuyển của PNJ (không cần xác định số lượng và chủng loại, tuy nhiên phải đảm bảo giá trị không thấp hơn giá trị quy định trong hợp đồng vay) với tổng giá trị là 2,930 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2023 là 3,990 tỷ đồng) đã được dùng để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn ngân hàng thương mại.
Hàng tồn kho của PNJ tại thời điểm cuối năm 2024
Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán 2024 của PNJ
|
Năm 2025, ngành trang sức bán lẻ được dự báo tiếp tục đối mặt những thách thức kéo dài. Nguồn cung nguyên liệu - vốn đã gặp nhiều khó khăn từ giữa năm 2024 - được dự đoán còn chịu áp lực, khiến thiếu hụt nguyên liệu sản xuất cũng như chi phí sản xuất gia tăng.
Chiều ngược lại, sức mua trong ngành trang sức có thể đi ngang do tác động của 2 yếu tố ngược chiều. Một mặt, tổng mức bán lẻ dự kiến tăng trưởng tốt theo mục tiêu của Chính phủ, từ đó cải thiện sức mua. Mặt khác, giá vàng tiếp tục tăng cao làm giảm nhu cầu mua trang sức của người tiêu dùng.
Ngoài ra, một số rủi ro về chiến tranh thương mại, áp lực tỷ giá và lạm phát cũng có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ. Kịch bản này đặt ra cho PNJ bài toán lớn về chiến lược kinh doanh hiệu quả và tối ưu hóa chi phí để duy trì lợi nhuận.
Hàn Đông