PII 2024: Những “thắc mắc” dành cho năm 2025!
Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024 vừa công bố đã cho thấy không có nhiều thay đổi về thứ bậc so với năm 2023. Chiếm 3 ngôi đầu vẫn là Hà Nội (60.76 điểm), TP.HCM (58.81điểm) và Hải Phòng (52.39 điểm) - 3 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và cũng là 3 trong 5 địa phương có công nghiệp, dịch vụ phát triển.
Có đến 9 địa phương ở lại trong top 10, trừ Bắc Ninh đã phải lùi xuống vị trí 11 hoán đổi với Bắc Giang (PII 2023, Bắc Giang ở vị trí 11, Bắc Ninh vị trí 10). Trong đó, ở 2 cực tăng trưởng chính của khu vực miền Bắc, miền Nam đều cân bằng với 3 đại diện cho vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh - hạng 6), Vùng Đông Nam Bộ (TP.HCM, Bà Rịa -Vũng Tàu - hạng 4, Bình Dương - hạng 8). Còn lại, 2 địa phương thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc (Thái Nguyên, Bắc Giang) và đồng hạng là Đà Nẵng đại diện vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung và Cần Thơ đại diện vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ).
Bảng chỉ số đã phản ánh khá chân xác điều kiện và hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng và từng địa phương. Ở những vùng có ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, tập trung nhiều khu công nghiệp, có cơ sở hạ tầng phát triển và có hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ thì hầu hết đều ở bảng chỉ số cao. Ngược lại, ở các vùng, địa phương với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên lẫn sức phát triển kinh tế - xã hội còn thấp thì việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng còn nhiều hạn chế.
Thậm chí, vấn đề rất đáng suy nghĩ là 2 vùng duyên hải và đồng bằng sông nước rộng lớn lại hầu như “trắng tay” - lưu ý là trong nhiều năm qua - ngoại trừ 2 đại diện cũng thuộc về nhóm 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Rõ ràng, điều kiện tự nhiên, bản sắc địa phương luôn được chính các tỉnh thành này (và du khách trong, ngoài nước) nhìn nhận là ưu thế song, đã không thể tận dụng các yếu tố công nghệ, phương thức tổ chức, khai thác một cách khoa học, có tính sáng tạo, đổi mới cao để làm đòn bẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ - thương mại trong du lịch - văn hóa địa phương.
Ngoài ra, dù chiếm giữ các vị trí cao và nhiều chỉ số thành phần chiếm đầu bảng; hoặc kéo gần hơn khoảng cách điểm số ở vị trí thứ 2 so với vị trí thứ nhất của Hà Nội (4.95 điểm so với 7.01 điểm năm 2023) thì TP.HCM vẫn cho thấy “còn nhiều việc phải làm” khi có khá nhiều mức điểm vẫn thấp so với mức bình quân cả nước hoặc nhiều năm liền đã không thể cải thiện được.
Đơn cử: trụ cột Thể chế xếp vị trí 41/63 tỉnh thành, trong đó nhóm chỉ số Môi trường chính sách có tổng điểm là 55.17, xếp vị trí 30/63 tỉnh thành của cả nước. Nhóm chỉ số về môi trường kinh doanh có tổng điểm là 43.09 điểm, xếp vị trí 48/63. Là đầu tàu kinh tế của cả nước, trong nhiều năm qua, dữ liệu “nguyên phát” từ Bộ chỉ số PCI và Par-Index cộng với cách tính thứ phát đối với PII đã cho thấy đầy hầu hết là điểm yếu của TP.HCM.
Hơn nữa, với tinh thần tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” trong mấy tháng qua, từ trung ương xuống đến địa phương và TP.HCM cũng đã cho thấy sự quyết liệt mạnh mẽ nhưng vì sao các điểm số vẫn chưa hề được cải thiện? Vậy việc tận dụng Nghị quyết đặc thù 98 trong cả năm qua đã phát huy trong thực tế cuộc sống đến đâu khi mà thể chế vẫn là điểm yếu của thành phố? Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 33/63 tỉnh thành đã nói lên kết quả bất như ý. Chưa kể chỉ số Cạnh tranh bình đẳng đạt 24/63; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt 33/63, rõ ràng thành phố vẫn chưa thể là môi trường lý tưởng để đón đầu các “đại bàng” như mục tiêu đặt ra.
Chỉ số duy nhất có vị trí cao là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (7/63) bên cạnh các chỉ số có thứ hạng thấp so với mặt bằng chung của cả nước như Chính sách thúc đẩy KHCN&ĐMST (50/63); Số dự án đầu tư đang hoạt động trong các khu công nghiệp/1.000 doanh nghiệp chế biến chế tạo (56/63); Chi phí gia nhập thị trường (thứ hạng 55/63); Quản trị môi trường (60/63)… Điều này phản ánh phần nào sự nghịch lý giữa ý chí, nỗ lực, hành động của lãnh đạo chính quyền thành phố với các biện pháp thực thi dẫn đến tác động của các chính sách chưa thật sự hữu hiệu.
Và một lần nữa, chỉ số về tính năng động của chính quyền địa phương chỉ đạt ở mức 52/63 là điều rất đáng bàn, bàn để cải thiện quyết liệt nếu không sẽ tiếp tục trì trệ, chậm trễ ở những năm tới. Sự không năng động này nằm ở cấp thành phố hay trong chính bộ máy sở ngành, tính liên kết sở ngành và các cấp quận/huyện xuống đến cơ sở? Độ tắc nghẽn, trong đó có Chi phí gia nhập thị trường có điểm số “học sinh yếu” nằm ở khâu nào chủ yếu?
Cuối cùng, không thể không thắc mắc, một thành phố thu ngân sách đạt đến 508,000 tỷ đồng, tức cán mốc lịch sử vượt con số 500,000 tỷ đồng nhưng lại để “rơi” ở thấp điểm nhiều chỉ số về tính cạnh tranh, tính năng động, quản trị môi trường, thể chế…
Liệu chừng phép đo đạc chưa chính xác hay hiệu quả thu được lại nằm ngoài những phép tính quản trị bởi do chính mãi lực thị trường tự thân đã vượt khỏi khung cân đếm?
Câu trả lời xin được “dự phóng” ngoại biên: nếu những điểm yếu nói trên được khắc phục thì thành phố đầu tàu còn cất cánh đến đâu; và đó là mệnh lệnh của những người có trách nhiệm trong năm 2025!
Quốc Học