Nóng: Mỹ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ 40-88% đối với tôn mạ Việt Nam
Hầu hết các doanh nghiệp thép mạ lớn của Việt Nam chịu mức thuế chống bán phá giá 49.42% từ Mỹ, riêng Hoa Sen (HOSE: HSG) chịu thuế 59% và Tôn Đông Á (UPCoM: GDA) chịu thuế 39.84%. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang thực hiện điều tra chống trợ cấp với thép mạ Việt Nam.
Ngày 04/04/2025, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố quyết định sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo kết quả điều tra ban đầu, các doanh nghiệp thép Việt Nam đang đối mặt với mức thuế chống bán phá giá lên đến 88.12%.
Cuộc điều tra được khởi xướng từ tháng 9/2024, khi DOC nhận được đơn kiện từ các nhà sản xuất thép Mỹ. Theo lịch trình, sau quyết định sơ bộ này, DOC sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 18/08/2025, trước khi Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đưa ra kết luận cuối cùng vào tháng 10/2025.
Dữ liệu từ DOC cho thấy mức thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam có sự chênh lệch đáng kể. Trong khi Hoa Sen (HOSE: HSG) phải chịu mức thuế cao nhất là 59%, thì Tôn Đông Á (UPCoM: GDA) bị áp mức thuế 39.84%.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp khác như China Steel & Nippon Steel Việt Nam, Công ty Tôn Hoà Phát (thuộc HPG), Thép Nam Kim (HOSE: NKG) đều bị áp mức thuế 49.42%. Còn nhóm doanh nghiệp thép Việt Nam không được đề cập kể trên sẽ chịu thuế tới 88.12%.
Quyết định áp thuế sơ bộ của Mỹ
![]() |
Theo số liệu từ DOC, Mỹ nhập khẩu 626 triệu USD thép mạ Việt Nam trong năm 2022, tăng lên 751 triệu USD trong năm 2022 và sau đó giảm mạnh về 241 triệu USD trong năm 2023.
Đáng chú ý, ngoài việc đối mặt với thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp thép Việt Nam còn phải đối phó với cuộc điều tra trợ cấp đang được DOC tiến hành song song. Kết quả của cuộc điều tra này có thể dẫn đến việc áp thêm thuế đối kháng lên các sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Vũ Hạo