Tin tức
Người Mỹ đang nghèo đi?

Người Mỹ đang nghèo đi?

21/09/2010

Banner PHS

Người Mỹ đang nghèo đi?

Khi mà nước Mỹ vẫn đang phải vật lộn với cuộc chiến chống thất nghiệp cao, những khó khăn kinh tế cũng khiến cho hàng triệu người dân Mỹ nghèo hơn.

Số liệu của Cục Thống kê dân số Mỹ cho thấy, trong năm 2009 đã có thêm 3 triệu người mất việc làm, nâng số người Mỹ sống trong nghèo khó (poverty) trong năm ngoái lên 43,6 triệu người, tương đương 14,3% số dân Mỹ, hay cứ 7 người dân Mỹ thì có 1 người nghèo. Con số này tăng từ 13,2% hay 39,8 triệu người nghèo của năm 2008. Năm 2009 cũng là năm đầu tiên Tổng thống Barack Obama nhậm chức. Tỷ lệ 14,3%, bao gồm tất cả các độ tuổi, là mức cao nhất trong vòng 15 năm qua, nhưng là cao nhất trong 51 năm nếu xét về con số tuyệt đối (43,6 triệu người).

Tuy nhiên, nó vẫn thấp hơn mức dự báo của nhiều người là từ 14,7 - 15% do tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục trong năm ngoái. Theo đó, Bang Mississippi có tỷ lệ người nghèo cao nhất nước Mỹ với 23,1%, tiếp theo là Bang Arizona, New Mexico, Arkansas, Georgia… Bang New Hampshire có tỷ lệ người nghèo thấp nhất, với 7,8%.

Trong độ tuổi làm việc, từ 18 tới 64, tỷ lệ nghèo đã tăng từ 11,7% lên 12,9% trong năm 2009, mức cao nhất kể từ những năm 1960, thời điểm mà Chính phủ phải "tuyên chiến" với nghèo đói bằng các chương trình trợ giúp từ giáo dục cho tới y tế.

Nghèo khó gia tăng ở tất cả các nhóm người và chủng tộc, đặc biệt là rất cao ở người da đen và gốc Tây Ban Nha và Mỹ La tinh (Hyspannics). Tỷ lệ người Hyspanics nghèo tăng lên 25,3% năm 2009 từ mức 23,2% trong năm 2008. Tương tự, với người da đen, tỷ lệ này tăng từ 24,7% lên 25,8%. Với người da trắng, tỷ lệ này tăng từ 8,6% lên 9,4%. Trẻ em Mỹ nghèo tăng từ 19% lên 20,7%.

"Tỷ lệ nghèo rất tệ, sẽ còn tệ hơn và duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Chúng ta thực sự cần duy trì các chương trình trợ giúp, không chỉ bởi nhiều người cần giúp đỡ, mà còn để duy trì sức mua", Isabel Sawhill, chuyên viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu chính sách Brookings Institution ở Washington nói.

Thu nhập của các gia đình trung lưu cũng giảm xuống 49.777 USD năm 2009 so với 50.112 USD năm 2008.

"Tỷ lệ nghèo cao phản ánh sự tăng mạnh về thất nghiệp. Chúng ta đang bị kẹt trong vòng xoáy tiêu cực, khi mà thất nghiệp cao sẽ dẫn tới giảm cầu", Healther Boushey, nhà kinh tế cao cấp tại Center for American Progress, một tổ chức nghiên cứu thuộc Chính phủ Obama nhận xét.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ là 9,6% trong tháng 8/2010, so với 5% hồi tháng 12/2007, thời điểm suy thoái kinh tế bắt đầu. Các nhà phân tích nói rằng, tỷ lệ nghèo cho thấy mức độ suy thoái kinh tế nghiêm trọng thế nào.

Tỷ lệ người Mỹ không được hưởng bảo hiểm y tế tăng từ 15,4% năm 2008 lên 16,7% năm ngoái, tương đương với 50,7 triệu người, vì phần lớn là do bị mất bảo hiểm y tế (vốn được người tuyển dụng chi trả) trong đợt suy thoái vừa qua.

Con số người nghèo Mỹ được công bố trong bối cảnh "nhạy cảm" về chính trị, khi mà ngày bầu cử Quốc hội Mỹ sắp tới (2/11), thời điểm mà các cử tri lo lắng về tỷ lệ thất nghiệp cao và sự hồi phục kinh tế chậm chạp sẽ quyết định bầu cho Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa.

Quốc hội Mỹ đã thông qua một kế hoạch nhằm giải quyết vấn nạn con số người không được bảo hiểm y tế tăng lên, nhưng những điều khoản cơ bản chỉ được áp dụng từ năm 2014. Trong một tuyên bố, ông Obama từng gọi 2009 là một năm tệ hại với thị trường lao động Mỹ, nhưng sự tồi tệ nhất đã qua.

"Nhờ các chính sách kích thích kinh tế như miễn giảm thuế đã giúp đỡ nhiều gia đình, đặc biệt là những người thực sự cần và hàng triệu người dân Mỹ đã thoát nghèo trong năm ngoái", ông Obama nói.

David Johnson, Trưởng nhóm phân tích kinh tế hộ gia đình tại Cục Thống kê dân số Mỹ ước tính, các chương trình giải quyết việc làm trong năm 2009 đã giúp khoảng 3,3 triệu người Mỹ thoát nghèo.

Tỷ lệ nghèo được bắt đầu tính toán từ những năm 1960 có điều chỉnh theo lạm phát hàng năm. Chuẩn nghèo cho năm 2009 là mức thu nhập dưới 21.954 USD cho một gia đình có 4 người, bao gồm thu nhập tiền mặt trước thuế nhưng không tính thu nhập lãi vốn (từ đầu tư chứng khoán…), sở hữu nhà hay các khoản trợ giúp phi tiền mặt khác. Với một cá nhân dưới 65 tuổi là 11.161 USD, người trên 65 tuổi là 10.289 USD.

Năm 2009 cũng là năm có số người Mỹ không hưởng bảo hiểm y tế tăng kỷ lục, nâng tổng số người không hưởng chi trả bảo hiểm lên cao nhất kể từ năm 1987. Con số người được hưởng chi trả bảo hiểm y tế đã giảm xuống 169,7 triệu năm 2009, so với 176,3 triệu người năm 2008. Diane Rowland, Phó chủ tịch điều hành của Kaiser Family Foundation cho rằng, số người không được bảo hiểm y tế sẽ còn tiếp tục tăng trong ngắn hạn.

"Con số người nghèo và thất nghiệp cho thấy công việc (trợ giúp) đang làm mới chỉ là bắt đầu", Tổng thống Mỹ Barack Obama nói trong một bài phát biểu.

Vào năm 2014, khi Luật Y tế mới có hiệu lực, Chương trình y tế Medicaid của Mỹ sẽ được mở rộng nhằm trợ giúp hàng triệu người thu nhập thấp và Chính phủ cũng sẽ cung cấp tín dụng (thông qua cắt giảm thuế) cho nhiều gia đình trung lưu Mỹ để mua bao hiểm y tế.

Năm 2019, Chính phủ Mỹ ước tính 93% dân số Mỹ sẽ được bảo hiểm y tế, tăng thêm 10% so với hiện nay.

Nguyên Hưng (Theo báo chí nước ngoài)

Đầu tư chứng khoán

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng