Ngày kinh hoàng của Wall Street: Dow Jones rớt thả phanh hơn 9% trước khi gượng dậy
* Citigroup và CME không tìm thấy chứng cứ về lệnh giao dịch lỗi
* Sàn Nasdaq sẽ hủy tất cả các giao dịch từ 2:40-3h chiều
* CNBC: Wall Street biến động mạnh do lỗi kỹ thuật
Theo đó, lực xả hàng càng ngày càng tăng tốc bởi sự giảm giá quá mạnh đến 37% của cổ phiếu thành viên Dow Jones, Procter & Gamble, mà nguyên nhân được dự đoán là do lỗi kỹ thuật.
Nhiều nguồn tin cho biết, một nhân viên tại một ngân hàng lớn của Wall Street đã nhập sai lệnh, từ đó gây nên mức sụt giảm mạnh nhất trong ngày chưa từng thấy từ trước đến nay.
Chỉ số đo trạng thái biến động trên phố Wall - VIX - đóng cửa tăng mạnh hơn 30% lên mức cao nhất kể từ Tháng 5/2009 là 34.16 điểm sau khi nhảy đột biến tới 50% và chạm mốc 40.70 điểm vào đầu phiên.
Các chỉ số đã gắng gượng phục hồi dần về cuối phiên và đóng cửa giảm hơn 3%, tốc độ sụt giảm mạnh nhất kể từ Tháng 4/2009. Tuy nhiên các chỉ số chính gần như xóa sạch phần lớn giá trị đã đạt được trong năm nay.
Tình trạng xả hàng diễn ra sâu rộng với tất cả 10 ngành của S&P 500 đều rớt từ 2-4%, trong đó lĩnh vực tài chính giảm mạnh nhất với tỷ lệ 4.1%.
Tương tự, 30 cổ phiếu thành viên Dow Jones đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó các cổ phiếu có vốn hóa lớn bị ảnh hưởng hết sức nặng nề, điển hình Bank of America trượt dài 7.1% xuống 16.28 USD/cp.
Trên sàn New York, số cổ phiếu giảm điểm vượt số cổ phiếu tăng điểm theo tỷ lệ 17:1, trong khi tỷ lệ này trên sàn Nasdaq là 7:1. Khối lượng giao dịch tăng vọt lên mức cao nhất trong năm nay và đạt 19.13 tỷ cổ phiếu, cao hơn gấp đôi so với mức bình quân hàng ngày năm ngoái.
Sàn Nasdaq cho biết đang tiến hành điều tra các giao dịch có khả năng bị lỗi liên quan đến rất nhiều lệnh được thực hiện từ 2:40-3h chiều (giờ địa phương).
ECB giữ nguyên lãi suất, nhận định Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha không giống Hy Lạp
Vấn đề nợ tại Châu Âu đã làm trầm trọng thêm nỗi lo sợ về sự hình thành của cuộc khủng hoảng tín dụng mới trên toàn cầu, đồng thời đã làm giảm sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các kênh đầu tư rủi ro.
Trên thực tế, nhà đầu tư đã mang tâm lý thận trọng trong suốt phiên giao dịch sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) không hề thảo luận về vấn đề mua lại toàn bộ nợ quốc gia của khu vực như kỳ vọng của một số người rằng hành động này sẽ góp phần trấn an thị trường. Thay vào đó, ECB đã khiến nhà đầu tư thất vọng khi chỉ cho biết ngân hàng này sẽ hỗ trợ Hy Lạp thực hiện kế hoạch cắt giảm chi tiêu.
Chủ tịch ECB, Jean-Claude Trichet, khẳng định Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha không “cùng hội cùng thuyền” với Hy Lạp, tuy nhiên chi phí bảo hiểm trái phiếu của hai quốc gia này đã leo lên mức cao kỷ lục. Được biết, ECB đã giữ nguyên lãi suất ở mức 1% như dự đoán.
Thị trường lao động có cải thiện nhưng chưa như kỳ vọng
Số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần giảm xuống 444 ngàn người từ mức đã được điều chỉnh trong tuần trước là 451 ngàn người, dù vậy vẫn còn cao hơn dự đoán giảm xuống 440 ngàn người của các nhà kinh tế.
Số người đang trong diện nhận trợ cấp thất nghiệp cũng giảm từ 4.594 triệu người từ mức 4.653 triệu người trong tuần trước, cao hơn dự đoán giảm xuống 4.6 triệu người.
Theo dự kiến, báo cáo việc làm và tỷ lệ thất nghiệp Tháng Tư sẽ được sẽ được công bố vào ngày Thứ Sáu. Tỷ lệ thất nghiệp được dự đoán đứng yên ở mức 9.7%.
Nguồn: Reuters |
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones lao dốc 347.80 điểm (3.20%) xuống 10,520.32 điểm. Chỉ số S&P 500 rớt mạnh 37.75 điểm (3.24%) xuống 1,128.15 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm sâu 82.65 điểm (3.44%) đóng cửa tại 2,319.64 điểm.
Trên thị trường tương lai, S&P 500 tương lai tiếp tục giảm 8.3 điểm tương đương gần 1%.
Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm từ 3.55% xuống 3.46%. Đồng USD tăng so với đồng EUR khi đồng tiền Châu Âu rớt xuống mức thấp nhất kể từ Tháng 3/2009, đồng bạc xanh cũng tăng so với bảng Anh nhưng giảm so với đồng JPY .
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 6 trên sàn NYMEX hạ 1.86 USD/thùng xuống 78.11 USD/thùng. Giá vàng COMEX giao Tháng 6 giảm mạnh 14.10 USD/oz xuống 1,169.20 USD/oz.
Thị trường chứng khoán Á - Âu cũng chịu chung số phận trong phiên giao dịch cùng ngày. Tại Châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh trượt 1.5%, chỉ số DAX của Đức giảm 0.8% và chỉ số CAC 40 của Pháp rớt 2.2%.
Tốc độ điều chỉnh tại Châu Á thậm chí còn tồi tệ hơn với chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lùi 3.3% khi trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ lễ dài, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tụt sâu 4.1%.
Phạm Thị Phước (Theo Reuters, CNN Money)