Ngành dừa Việt Nam có chuỗi giá trị lớn chưa được khai thác hết
Việt Nam là quốc gia có diện tích trồng dừa lớn thứ 4 thế giới với gần 200,000 hecta. Bên cạnh tiềm năng chuỗi giá trị lớn, ngành dừa Việt Nam vẫn còn một số thách thức và lợi thế chưa được khai thác.
Ngành dừa Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng vượt bậc
Tại Hội thảo quốc tế “CocoNext 2024: Nâng tầm chuỗi giá trị ngành dừa Việt Nam” ngày 12/12/2024, các chuyên gia cho biết ngành dừa Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng vượt bậc. Từ con số kim ngạch xuất khẩu 280 triệu USD năm 2010, ngành dừa đã đạt 1.64 tỷ USD vào năm 2023. Với tổng diện tích trồng dừa cả nước hơn 200,000ha, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và giữ vị trí thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường quốc tế.
Bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex)
|
Bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) chia sẻ tại Việt Nam, cây dừa đã được công nhận và quy hoạch là 1 trong 6 loại cây công nghiệp chủ lực. Bộ Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đã ban hành đề án phát triển cây dừa đến năm 2030 với các mục tiêu rõ ràng.
“Công nghệ 'truy xuất nguồn gốc' đang định vị Bến Tre và Việt Nam là trung tâm giải pháp về nông nghiệp, thương mại sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho các thị trường tiên tiến. Công nghệ chế biến sản xuất được nâng cao hơn ở mảng công nghiệp. Công tác chế biến, sản xuất được quy mô hơn, để giá trị xuất khẩu cao hơn, bền vững hơn, giúp cho cây dừa Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường Đông Nam Á và thế giới”, bà My chia sẻ thêm bên lề sự kiện.
Ngành dừa có chuỗi giá trị chưa được khai thác hết
Bên lề hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam chia sẻ ngành dừa có chuỗi giá trị rất lớn chưa được khai thác hết. Hiện nay, so với các nước, tuy ngành dừa Việt Nam mới hình thành hơn 10 năm nhưng nhờ tầm nhìn, định hướng của các doanh nghiệp ngành dừa có tiềm năng.
Việt Nam có diện tích trồng dừa lớn thứ 4 thế giới, nhưng trị giá xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới. Nếu có chiến lược phát triển lớn qua chính sách của Chính phủ và chuyên gia nước ngoài, ngành dừa Việt Nam sẽ phát triển xa.
Do Việt Nam chưa có chính sách cụ thể đảm bảo nguồn nguyên liệu, nên có tình trạng nhiều doanh nghiệp đặt cơ sở sơ chế tại Việt Nam nhưng lại xuất nguyên liệu sang các nước khác, đặc biệt là Thái Lan, Trung Quốc, để chế biến sâu. Đây là khó khăn cho ngành dừa.
Hiện tại, Hiệp hội Dừa Việt Nam cũng đang nghiên cứu, đề nghị chính sách bảo vệ vùng nguyên liệu cho ngành dừa nhằm phát triển và bảo vệ vùng nguyên liệu.
Bà Thanh cho rằng chính sách thuế xuất khẩu nguyên liệu dừa khô ở mức 0% đang tạo lợi thế lớn cho xuất khẩu nguyên liệu thô nhưng gây thiệt hại nặng nề cho ngành chế biến trong nước. Bên cạnh đó, ngày 1/1/2025, Indonesia - một trong những nguồn cung cấp nguyên liệu dừa khô lớn nhất thế giới - sẽ áp thuế xuất khẩu lên tới 80% nhằm bảo vệ nguồn nguyên liệu nội địa, khiến nguồn cung từ nước này bị thu hẹp đáng kể.
Bà Thanh nhấn mạnh nếu không điều chỉnh chính sách thuế và tạo hàng rào bảo vệ hợp lý, ngành dừa Việt Nam sẽ mất đi sức cạnh tranh mà còn đối mặt nguy cơ suy thoái nghiêm trọng trong dài hạn.
Hàn Đông