Ngành dệt may quý 3: Ai bế tắc, ai nở hoa?
Nhiều doanh nghiệp dệt may báo lãi tăng bằng lần, lập những kỷ lục mới sau báo cáo tài chính quý 3, nhưng cũng có nơi tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ năm trước với không ít khó khăn.
Bên trong một xưởng may. Ảnh minh họa
|
Theo Tổng Cục Thống kê, 10 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt 30.57 tỷ USD, tăng 10.5% so với cùng kỳ 2023, trong đó các thị trường chủ lực đều tăng trưởng, đặc biệt ở Mỹ và EU.
Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng khởi sắc, nhiều nơi cho biết đã có đủ đơn hàng cho cả năm và đầu 2025. Kết quả tích cực này phần nào được thể hiện trong bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may trên sàn chứng khoán.
Dữ liệu của VietstockFinance cho thấy, trong 33 doanh nghiệp dệt may công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024, có 16 doanh nghiệp tăng lãi, 7 doanh nghiệp giảm lãi, 6 doanh nghiệp có lãi trở lại, 4 doanh nghiệp lỗ.
Tổng doanh thu và lãi ròng của các doanh nghiệp đạt gần 23.1 ngàn tỷ đồng và 969 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 133% so với cùng kỳ 2023. Biên lãi gộp cải thiện lên mức 13%, tăng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
Đa số "nở hoa"
Có 11/33 doanh nghiệp dệt may đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng quý 3 trên 50% so cùng kỳ, thậm chí là tăng bằng lần như Tổng Công ty May Nhà Bè (MNB) hơn 8 lần cùng kỳ, đạt 32 tỷ đồng, cao nhất 2 năm qua.
MNB cho biết, do thị trường xuất khẩu chủ lực chuyển biến tích cực giúp doanh thu quý 3 tăng 36% lên hơn 1,300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số công ty con, công ty liên kết tăng lợi nhuận do tiết giảm chi phí, làm tăng lợi nhuận hợp nhất.
Sợi Thế Kỷ (STK) lập kỷ lục lợi nhuận 82 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ, dù doanh thu đi lùi 19%, chủ yếu nhờ hoàn nhập chênh lệch tỷ giá. Kết quả này đã bù đắp khoản lỗ đậm 55.5 tỷ đồng của quý 2 trước đó.
Sợi Thế Kỷ có quý lãi ròng cao nhất lịch sử hoạt động | ||
"Anh cả" ngành dệt may Vinatex (VGT) tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, đạt 12% và 385% cùng kỳ, lần lượt gần 4,600 tỷ đồng và 129 tỷ đồng, đều là các con số cao nhất 2 năm qua.
Lãnh đạo Vinatex đánh giá, quý 3 ngành may có sự cải thiện cả về giá và số lượng đơn hàng, do tận dụng được sự dịch chuyển từ các thị trường Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar. Với ngành sợi, thị trường dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các đơn vị sợi có nhiều thời điểm chốt được giá bông, sợi tốt.
Quán quân lợi nhuận quý 3 gọi tên May Sông Hồng (MSH), đạt 130 tỷ đồng, hơn 2.5 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức cao nhất 20 quý kể từ quý 4/2019. Công ty cho biết, đã ký được nhiều đơn hàng và một số đơn sản xuất trong quý 2 được xuất hàng vào đầu tháng 7.
May Sông Hồng có quý lãi cao nhất 5 năm qua | ||
Lợi nhuận trăm tỷ còn có May Việt Tiến (VGG) và Dệt may TNG, đạt 117 tỷ đồng và 111 tỷ đồng, tăng lần lượt 126% và 60% cùng kỳ, do cải thiện biên lãi gộp nhờ kiểm soát tốt chi phí đầu vào.
Thông tin từ TNG cho biết, với lượng đơn hàng đủ sản xuất đến cuối năm, cùng với việc vừa đưa vào hoạt động thêm 45 chuyền may, doanh nghiệp này đang tuyển thêm khoảng 3,000 lao động, sẵn sàng nhận thêm đơn hàng thời gian tới.
Gam màu khởi sắc cũng xuất hiện ở nhóm doanh nghiệp xơ sợi, thuộc phân khúc thượng nguồn trong chuỗi giá trị ngành dệt may, như Sợi Vũ Đăng (SVD) và Sợi Phú Bài (SPB) đều có lãi trở lại; hay Tổng Công ty Việt Thắng (TVT) tăng trưởng lợi nhuận tới 145%, đạt gần 7 tỷ đồng, mức cao nhất 2 năm.
Số ít vẫn "bế tắc"
Ngược lại, cơn khủng hoảng vẫn đeo bám Fortex (FTM) khi lỗ thêm 30 tỷ đồng, nối dài mạch thua lỗ 23 quý liên tiếp kể từ quý 1/2019, qua đó nâng lỗ lũy kế lên 1,216 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 707 tỷ đồng.
Fortex "ngụp lặn" trong thua lỗ từ 2019 đến nay | ||
Thê thảm không kém, Everpia (EVE) lỗ kỷ lục 29.5 tỷ đồng do phải ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành hàng khăn vì doanh số giảm liên tục trong 3 năm qua khi khách hàng tìm đến các đối thủ có giá thành thấp hơn. Everpia cho biết, đang xây kế hoạch phục hồi và phát triển 2024-2025 nhằm bảo toàn nguồn lực, tập trung vào những ngành hàng có lợi nhuận cao hơn, tiềm năng phát triển tốt hơn như chăn ga gối đệm và bông tấm.
Tình hình kinh doanh của Garmex (GMC) lệch pha hẳn so với mặt bằng chung của ngành. Đến cuối tháng 10, doanh nghiệp từng có hơn 4,000 lao động vẫn "trắng" đơn hàng, việc này kéo dài từ tháng 5/2023, tức gần một năm rưỡi qua. Hiện GMC chỉ còn 31 lao động, đang nghiên cứu đầu tư các ngành mới, tiết giảm chi phí và thanh lý các tài sản không sử dụng. Lỗ lũy kế tăng lên gần 82 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh hàng quý của Garmex giai đoạn 2021-2024 | ||
Khả năng về đích thành công?
Trước diễn biến tích cực của hoạt động xuất khẩu, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đánh giá mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD của ngành dệt may năm 2024 rất khả thi bởi cuối năm là cao điểm cho đơn hàng sản xuất mùa lễ hội Giáng sinh, năm mới.
Dù bức tranh xuất khẩu khá sáng, theo quan điểm của ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), các doanh nghiệp vẫn phải chịu nhiều áp lực khi thị trường chưa có cải thiện đáng kể. Với ngành may áp lực về thời gian giao hàng, đơn giá chưa cải thiện, chất lượng sản phẩm yêu cầu khắt khe hơn.
"Dự kiến đơn hàng may mặc trong quý 4/2024 và quý 1/2025 sẽ tiếp tục dồi dào, tuy nhiên, đơn giá chưa cải thiện đáng kể. Trong dài hạn, khi chính sách cắt giảm lãi suất tại các thị trường lớn thực sự có tác động tích cực đối với nền kinh tế, tạo ra việc làm ổn định và sức mua, đơn giá sẽ cải thiện", ông Hiếu cho hay.
Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu chia sẻ tại hội thảo chuyên đề tháng 10. Ảnh: Vinatex
|
Với ngành sợi, mặc dù đã giảm lỗ 80-85% so với năm 2023, nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, bất lợi do phải đối mặt với sự trồi sụt của giá bông và chưa có sự cải thiện về giá bán sợi…
Tổng Giám đốc Vinatex kỳ vọng đến cuối năm 2024, giá bông sẽ đi lên trong ổn định và khả năng cao sẽ không tăng đột biến. Dự kiến quý 4, nhu cầu sợi nhìn chung chưa có khả năng phục hồi mạnh, bên cạnh đó giá cước vận chuyển tăng, cạnh tranh gay gắt với sợi nội địa Trung Quốc… sẽ khiến hiệu quả ngành sợi không có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.
Không trông chờ may rủi thị trường
Nhận định về triển vọng ngành, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex dự báo, các đơn hàng sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng Mỹ cải thiện vào dịp mua sắm mùa lễ hội (nhưng đơn giá chưa cải thiện). Nhu cầu và đơn giá chỉ thực sự cải thiện từ năm 2025 trong kịch bản tốt.
Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường chia sẻ tại một sự kiện hồi tháng 5/2024
|
Chủ tịch Vinatex cũng lưu ý các doanh nghiệp cần cẩn trọng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu đang phải đối mặt với tình hình khó khăn trong suốt 30 tháng trở lại đây.
"Các doanh nghiệp cần quản trị chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh bám sát kế hoạch đã đề ra, nhận diện và phòng ngừa tốt rủi ro, không để xảy ra bất kỳ tình huống bất ngờ nào nhằm hoàn thành kế hoạch năm và đón bắt xu hướng năm 2025", ông Trường nhận định .
Liên quan đến sự kiện ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, giới đầu tư kỳ vọng một số ngành có cơ hội lớn để phát triển, đặc biệt là các ngành như dệt may, thủy sản và gỗ, do việc thay thế hàng hóa Trung Quốc tại thị trường Mỹ. Theo đó, chính sách bảo hộ của Mỹ sẽ tạo ra một khoảng trống lớn cho các sản phẩm Việt Nam xâm nhập vào thị trường này, giúp gia tăng xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng. Trong dài hạn, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc dịch chuyển các đơn đặt hàng từ Trung Quốc nhờ chi phí lao động thấp hơn, lợi thế lao động có tay nghề cao hơn Ấn Độ và Bangladesh. |
Thế Mạnh