Tin tức
Nâng tầm cửa khẩu quốc tế Lào Cai

Nâng tầm cửa khẩu quốc tế Lào Cai

25/10/2005

Banner PHS

Nâng tầm cửa khẩu quốc tế Lào Cai

Theo ông Nguyễn Ngọc Kim, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, việc phát triển cửa khẩu quốc tế Lào Cai hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc...

Theo ông Nguyễn Ngọc Kim, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, việc phát triển cửa khẩu quốc tế Lào Cai hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

 

Thưa ông, cửa khẩu quốc tế Lào Cai có vai trò như thế nào trong việc trao đổi giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc? 

 

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai ngày nay hội đủ các yếu tố kinh tế, giao thông thuận lợi cho sự phát triển thương mại, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường sông và trong tương lai gần là đường hàng không, thực sự đóng vai trò là “cửa ngõ”, nơi trung chuyển hàng hoá lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc dọc theo lưu vực sông Hồng.  

 

Hàng hoá của Việt Nam được phía Trung Quốc nhập qua cửa khẩu Lào Cai gồm các mặt hàng nông - lâm - thuỷ sản, hoa quả nhiệt đới... đều là những chủng loại hàng hoá Việt Nam khuyến khích xuất khẩu. Phía Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai các mặt hàng than cốc, than mỡ, máy móc thiết bị, phân bón, hoá chất, xi măng...  

 

Nếu năm 2001, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai là 106 triệu USD, năm 2002 đã tăng lên tới 280 triệu USD, dự kiến năm 2005, con số này ước đạt tới 400 triệu USD, tương đương với tốc độ tăng bình quân 33,5%/ năm.  

 

Theo đó, tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai cũng tăng nhanh: năm 2003 là 1,2 triệu tấn, năm 2004 là 1,8 triệu tấn, dự kiến năm 2005 đạt khoảng 2,2 triệu tấn. Tỉnh Lào Cai đã có chủ trương quyết tâm xây dựng cửa khẩu quốc tế Lào Cai thành nơi trung chuyển hàng hoá lớn, tiến tới phát triển các ngành dịch vụ và công nghiệp phục vụ xuất nhập khẩu. 

 

Để khẳng định được vai trò quan trọng của cửa khẩu quốc tế Lào Cai cần thiết phải có sự hợp tác, liên kết từ phía Trung Quốc thông qua cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu thuộc tỉnh Vân Nam. Vậy đến nay, phía Lào Cai và tỉnh Vân Nam đã làm những gì để cùng thúc đẩy hơn nữa vai trò của 2 cửa khẩu quốc tế này? 

 

Nhận thức được vai trò, vị trí của cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu, những năm qua, tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã thống nhất xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện, cùng nhau xây dựng cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu văn minh, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hai bên trao đổi hàng hoá, kinh doanh du lịch, dịch vụ.  

 

Từ đây, vị trí của Lào Cai càng trở nên quan trọng hơn khi Chính phủ hai nước Việt Nam – Trung Quốc thống nhất thực hiện dự án “Hai hành lang một vành đai kinh tế”, trong đó Hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được xác định ưu tiên tập trung phát triển. Như vậy, về trước mắt cũng như lâu dài, Lào Cai vẫn đóng vai trò là “cửa ngõ” và trung chuyển hàng hoá cho toàn bộ tuyến hành lang Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, một trong những tuyến quan trọng nhất của khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc.  

 

Hơn nữa, việc phát triển cửa khẩu quốc tế Lào Cai là yêu cầu tất yếu của quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, và cũng hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc nói riêng. 

 

Thưa ông, rất nhiều ý kiến cho rằng cơ sở hạ tầng giao thông hiện tại của Lào Cai chưa đáp ứng được yêu cầu và tầm vóc của một cửa khẩu quốc tế, đặc biệt là tuyến giao thông Hà Nội – Lào Cai. Xin ông cho biết thực trạng và hướng giải quyết vấn đề trong thời gian tới? 

 

Đúng vậy, hiện nay, toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông từ Hà Nội đến Lào Cai đang quá tải nặng nề, nằm ngoài khả năng giải quyết của tỉnh Lào Cai. Vì thế chúng tôi đã có những đề xuất với Chính phủ về các phương án nâng cấp và phát triển hệ thống giao thông Hà Nội – Lào Cai.  

 

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo từ nay đến năm 2007 phải hoàn thành việc nâng cấp, đảm bảo giao thông trên tuyến Quốc lộ 70 và hoàn thành nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai (năm 2006 sẽ mở rộng ga quốc tế Lào Cai, tách thành 2 ga hàng hoá và ga hành khách) để nâng cao năng lực vận tải từ 4 triệu tấn trở lên; đồng thời đến năm 2010 sẽ khẩn trương hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai ở phía hữu ngạn sông Hồng và chuẩn bị nối tuyến đường sắt xuyên Á đạt tiêu chuẩn quốc tế 1,4 m giữa Hà Nội – Lào Cai với tuyến đường sắt Côn Minh – Hà Khẩu của Trung Quốc.  

 

Đây cũng là cam kết của Chính phủ Việt Nam trong khung hợp tác của các quốc gia ASEAN, trong khung hợp tác giữa ASEAN – Trung Quốc, cũng như trong thoả thuận hợp tác giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông.  

 

Về nguyên tắc, Chính phủ cũng đã cho phép tỉnh Lào Cai phối hợp với Tổng cục hàng không Việt Nam triển khai xúc tiến các thủ tục đầu tư để muộn nhất là đến năm 2012 sẽ có sân bay của Lào Cai. Sắp tới đây, Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc sẽ ký Hiệp định khung về việc triển khai chiến lược “Hai hành lang một vành đai”, có thể nói việc quyết định phát triển hai hành lang cũng như phát triển kinh tế dọc theo tuyến này được quyết định bởi việc nâng cấp hệ thống giao thông Hà Nội – Lào Cai. 

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng