Nafoods dự định gì khi mua lại toàn bộ cổ phần ưu đãi phát hành cho IFC?
CTCP Nafoods Group (HOSE: NAF) vừa có nghị quyết chấp thuận sẽ mua toàn bộ phần còn lại khoảng 9.7 triệu cp ưu đãi phát hành cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) cách đây 5 năm, nhưng không công bố giá mua dự kiến.
Năm 2019, NAF phát hành hơn 12.3 triệu cp ưu đãi có hoàn lại cho tổ chức tài chính thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank) với giá 15,000 đồng/cp nhằm nâng cao công suất chế biến trái cây, mở rộng thị trường xuất khẩu; trong đó bao gồm đầu tư xây dựng nhà máy Nafoods Tây Nguyên. Cuối năm 2019, IFC sở hữu khoảng 21.7% vốn NAF.
Đây là cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyết nhưng đổi lại được hưởng một số quyền khác như quyền yêu cầu công ty mua lại, quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông và nhận cổ tức hằng năm.
Cuối tháng 8 vừa qua, Doanh nghiệp đã chi gần 73 tỷ đồng mua lại hơn 2.6 triệu cp từ phía IFC với giá bình quân 27,200 đồng/cp theo thỏa thuận giữa Công ty với tổ chức tài chính này. Tiền mua lại trích từ thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán tính đến cuối năm 2023.
Nếu tiếp tục mua phần còn lại tại giá trên, NAF sẽ cần khoảng 263 tỷ đồng. Tổng tiền chi ra theo đó hơn 335 tỷ đồng, tăng 80% so với giá trị thu về 5 năm trước, chưa kể các đợt tạm ứng cổ tức khoảng 67 tỷ đồng.
Báo cáo cho thấy, IFC nhận tạm ứng cổ tức đều đặn 5 lần, mỗi đợt khoảng 13.4 tỷ đồng; trong khi lần cuối cùng cổ đông nắm cổ phiếu phổ thông nhận cổ tức tiền là từ năm 2018. Theo lời lãnh đạo NAF, nhằm đảm bảo cho việc phát triển nên Công ty đã cam kết với IFC sẽ không chia cổ tức trong vòng 3 năm.
Nhà sáng lập kiêm CEO Nguyễn Mạnh Hùng. Nguồn: NAF
|
Còn về lý do mua lại, cổ đông sáng lập đồng thời là CEO của NAF, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói các cam kết, ràng buộc đã ký trước đó đang không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại, đặc biệt là ràng buộc về chỉ số tài chính, duy trì tỷ lệ sở hữu chi phối của cổ đông sáng lập. Do đó, 2 bên thống nhất khoản đầu tư này sau 5 năm đã “phát huy hết vai trò”, đồng thời cho biết IFC sẽ quay lại đầu tư vào NAF ở thời điểm khác phù hợp.
Ông Johan Nyvene – Thành viên HĐQT NAF – cho rằng việc hoàn tất mua lại cổ phần ưu đãi sẽ tháo gỡ ràng buộc, giúp cổ đông sáng lập có thể giảm bớt tỷ lệ sở hữu và mở đường cho các cổ đông lớn khác, làm tăng thanh khoản cổ phiếu. “Khi đó tôi cho rằng giá cổ phiếu sẽ phản ánh đúng hơn giá trị Công ty”, biên bản họp thường niên 2024 dẫn lại lời lãnh đạo.
IFC quan tâm và tìm hiểu NAF từ năm 2018 và bắt đầu bỏ ra 8 triệu USD một năm sau đó. Khoản đầu tư này, theo lời CEO Nguyễn Mạnh Hùng, một mặt giúp Công ty giải quyết nhu cầu tài chính và đầu tư, mặt khác giúp cải thiện vấn đề quản trị và nâng tầm uy tín của NAF rõ rệt.
Lễ công bố hợp tác đầu tư với giữa NAF và IFC năm 2019. Nguồn: NAF
|
Tử Kính