Mỹ cần thể hiện rõ trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính
Ủy ban châu Âu (EC) vừa tuyên bố Mỹ cần thể hiện rõ trách nhiệm đặc biệt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu phát sinh từ Mỹ, đồng thời kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua kế hoạch trị giá 700 tỷ USD giải cứu ngành tài chính.
Trong tuyên bố với giọng điệu mạnh mẽ khác thường trên EC tỏ vẻ không hài lòng trước việc Quốc hội Mỹ bác bỏ kế hoạch cứu trợ và Mỹ cần tỏ rõ trách nhiệm và vai trò chính khách (trong việc giải quyết vấn đề trên) vì chính nước Mỹ và vì lợi ích của thế giới. Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Peter Mandelson nói trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình của Reuters rằng nếu Quốc hội Mỹ không hành động thì mọi người "sẽ nhìn vào thực trạng của hệ thống tài chính ở Mỹ và nói các thị trường hình như đang trong trạng thái rơi tự do. Họ sẽ giả định rằng mọi việc chỉ sẽ tồi tệ đi và việc này sẽ dẫn đến sự tụt dốc có thể gây nên một số hậu quả thực sự tồi tệ".
Trước việc kế hoạch bị Quốc hội Mỹ bác bỏ tác động đến thị trường thế giới, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói bà hy vọng kế hoạch cứu trợ sẽ được thông qua trong tuần này vì nó giúp lấy lại niềm tin trên thị trường. Trong lúc Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet cảnh báo nguy cơ tai hại của nó, phe nhóm Xã hội trong Quốc hội châu Âu kêu gọi các nhà lãnh đạo EU hành động để làm lành mạnh hệ thống tài chính toàn cầu và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện thêm các cuộc khủng hoảng tài chính khác. Còn tân Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động để "giữ cho hệ thống tài chính thế giới không bị suy sụp". Thủ tướng liên bang Canađa Stephen Harper cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ hiện nay xẩy ra là do những chính sách của Mỹ gây ra và chính phủ Canađa chỉ có thể làm được rất ít để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ George W. Bush cam kết nỗ lực cứu nguy nền kinh tế Mỹ. Ông nói: "Thực tế là chúng ta đang trong tình cảnh khẩn cấp và những hậu quả của cuộc khủng hoảng sẽ ngày càng tồi tệ thêm nếu chúng ta không hành động." Theo ông Bush, cái giá của kế hoạch cứu trợ là ít hơn rất nhiều so với hàng nghìn tỷ USD hoặc hơn đã bị mất trong ngày 29/9.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trước áp lực từ nhiều phía sau khi Hạ viện bác bỏ, nhất là lời cảnh báo về nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới bị rơi vào thảm họa, ngày 30/9 các quan chức chính quyền Bush và các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã phải thương lượng lại với nhau để điều chỉnh một số điểm trong dự luật cứu trợ cả gói 700 tỷ USD với hy vọng thỏa mãn yêu sách của các nhóm nghị sỹ bảo thủ để nhanh chóng được thông qua.
Điểm điều chỉnh đầu tiên là nâng trần bảo hiểm của liên bang đối với các khoản tiền tiết kiệm của người dân từ 100.000 USD hiện nay lên 250.000 USD để ngăn chặn tình trạng người gửi tiền rút vội tiền ra khỏi các ngân hàng vì sợ bị mất. Chủ tịch Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (Federal Deposit Insurance Corp-FDIC), bà Sheila Bair, người đề xuất điều chỉnh này, cho rằng biện pháp nâng trần bảo hiểm tiền gửi sẽ giải tỏa một phần tâm lý hoang mang của người dân, giúp ổn định hệ thống ngân hàng. Điểm sửa đổi lớn thứ hai là sửa lại các quy định về kế toán theo đó buộc các ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng và tiết kiệm phải thường xuyên đánh giá lại giá trị tài sản của họ, trong đó có các cổ phiếu và chứng khoán liên quan tới thế chấp, cho phù hợp với mức giá của thị trường nhằm ngăn chặn tình trạng giấu diếm thua lỗ khá phổ biến như trong thời gian vừa qua. Những nghị sỹ của đảng Cộng hòa tại Hạ viện lập luận rằng cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở Mỹ rất có thể tránh được nếu các luật lệ và quy định về kế toán được siết chặt. Nhóm nghị sỹ theo trường phái tự do trong đảng Dân chủ, những người từng bỏ phiếu bác bỏ dự luật, đề xuất điều khoản gia hạn thời gian bảo hiểm thất nghiệp và cấm mọi hành vi của giới đầu tư bán vội cổ phiếu để "ăn xổi lợi nhuận" gây rối loạn thị trường. Một thách thức đối với nhiều nghị sỹ là hàng ngày hàng giờ vẫn nhận được thư điện tử của cử tri đề nghị không nên chi khoản tiền khổng lồ đó của liên bang để ôm hết các khoản nợ xấu của các tập đoàn và công ty tư nhân mà nên đầu tư vào các chương trình ưu tiên khác phục vụ cho lợi ích của đông đảo người đóng thuế Mỹ.
Chiến dịch quy chụp và đổ lỗi cho nhau giữa Nhà Trắng và phe Cộng hòa với phe Dân chủ sau cuộc bỏ phiếu bất thành tại Hạ viện càng làm giảm uy tín vốn đã thấp của cá nhân Tổng thống và Quốc hội Mỹ, với uy tín của cả Tổng thống và Quốc hội Mỹ đều sụt giảm mạnh do những tranh cãi và mâu thuẫn xung quanh giải pháp cứu trợ thị trường tài chính. Kết quả thăm dò công bố ngày 30/9 cho biết tỷ lệ người dân ủng hộ ông Bush ở thời điểm hiện tại chỉ còn 28% và tỷ lệ cử tri ủng hộ Quốc hội thậm chí còn thấp hơn, chỉ còn 18%.
Do vẫn hy vọng vào khả năng kế hoạch cứu trợ cuối cùng rồi sẽ được thông qua, ngày 30/9 giới đầu tư thị trường chứng khoán Mỹ đã bỏ tiền ra mua lại số tài sản mà họ vội vã bán đi trong ngày 28/9, làm cho các loại cổ phiếu chủ lực tại thị trường chứng khoán Niu Yoóc trong ngày 30/9 tăng khá mạnh. Đến cuối ngày, chỉ số Dow Jones tăng 4,7%, tương đương 485,21 điểm, lên 10.850,66 điểm, sau khi bị mất giá gần 7% ngày 28/9. Chỉ số Standard & Poor's 500 tăng 5,3% và chỉ số Nasdaq tăng 5,0%. Báo Tages-Anzeiger ở Zurich đăng bài với nhan đề "Một lời kêu gọi thức tỉnh đối với châu Âu" viết: châu Âu tự ru ngủ trong một cảm giác giả tạo về an ninh khi bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, trái ngược với "chủ nghĩa tư bản phương Tây hoang dã" ở bên kia Đại Tây Dương. Còn tờ Neue Zurche Zeitung cảnh báo cuộc khủng hoảng tài chính đã đi vào một giai đoạn mới, và điều cần thiết là pháp kiềm chế được cuộc khủng hoảng càng sớm càng tốt, trước khi nó bước vào giai đoạn thứ ba đầy nguy hiểm, khi những người tiêu dùng bắt đầu rút tiền của họ, bất chấp các ngân hàng của họ đang hoạt động tốt. Báo này kêu gọi các nhà chính trị đưa ra một thông điệp rõ ràng để củng cố lòng tin và tránh phản ứng dây chuyền.
ttxvn