Mua sắm ở TPHCM: Có một sự khác biệt
Khách du lịch nước ngoài và bà con Việt kiều từ khắp nơi đổ về Sài Gòn để mua sắm, ở thành phố này không thiếu sự sang trọng cho người nhiều tiền và khó tính chọn lựa.
Sự phát triển hệ thống trung tâm bán hàng ở TPHCM cực nhanh. Những khu trung tâm thương mại hiện đai, cách đây mấy năm người Sài Gòn chỉ nhìn thấy khi sang Bangkok hay Singapore để mua sắm, thì điều ngày xưa xa lạ ấy nay quen thuộc ngay giữa phố xá "nhà mình".
Các nhà đầu tư ở TPHCM thường chọn những địa điểm đắc địa để xây dựng cao ốc làm điểm bán hàng. Chỉ quanh khu vực quận 1 có thể thấy hàng loạt toà nhà cao tầng làm trung tâm bán hàng trên đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Lê Duẩn. Khu vực Chợ Lớn cũng tương tự, khách hàng có thể tìm đến các trung tâm này để mua sắm và được cung cấp đầy đủ các mặt hàng từ thời trang cao cấp, hàng hiệu cho đến hàng trong nước mà không cần phải đi đâu xa. Khách hàng được phục vụ ân cần, lịch sự, các dịch vụ kèm theo và điều kiện vệ sinh đều có chất lượng cao.
Lối quần tụ các điểm bán hàng không mới về ý tưởng, bởi người xưa từng nói "bán có phường", nhưng cái mới chính là tạo ra sự tiện ích và hấp dẫn để thu hút khách hàng. Từ đó hình thành thương hiệu, không phải là tên riêng của từng cao ốc mà thương hiệu chung cho cả khu vực.
Ví dụ như người dân Sài Gòn thường nói vào quận nhất mua sắm, lên Chợ lớn mua sắm. Sự thành công của xây dựng thương hiệu đó là do tính tập trung của một cộng đồng, một điểm bán hàng riêng lẻ không thể làm được. Ngoài phục vụ người tiêu dùng, các trung tâm này còn góp phần làm cho thành phố khang trang, sạch đẹp và có phần nào đó sang trọng. Nếu như các điểm bán hàng này xây dựng rải rác thì không có được ấn tượng cũng như tạo nên sự tráng lệ cho thành phố.
Ngược lại, các trung tâm mua sắm ở Hà Nội còn hạn chế nhiều mặt. Do chưa có sự quần tụ để hỗ trợ nhau (ít nhất là về hình thức) nên chưa tạo ra được những trung tâm mua sắm có sức hút mạnh, đủ sức lôi cuốn khách hàng.
Vẻ bên ngoài cũng như nội thất của các toà nhà làm trung tâm mua sắm ở Hà Nội còn thiếu tính "thời trang", sự phân bố thiếu hợp lý về mặt quy hoạch. Xin được lưu ý, ở nhiều thành phố trên thành thế giới, trung tâm mua sắm cũng là trung tâm du lịch, cho nên thẩm mỹ, vệ sinh, sự thân thiện là những yếu tố không thể thiếu.
Về phục vụ khách hàng thì rất không chuyên nghiệp. Không ít nơi, cô nhân viên bán hàng còn có vẻ mặt và lối cư xử như bà bán hàng của mậu dịch quốc doanh thời bao cấp. Điều này còn khá phổ biến trong các nhà hàng, khách sạn, quán ăn ở Hà Nội. Cung cách phục vụ khách hàng là điểm khác biệt dễ nhận ra nhất giữa TPHCM và Hà Nội.
Sune Stilling (du khách Singapore): Có hầu hết các nhãn hàng lớn của thế giới.
Singapore vẫn được du khách thế giới biết tới bởi những trung tâm mua sắm phồn thịnh trên đại lộ Orchard cùng với những chương trình siêu khuyến mãi được tổ chức thường niên vào mùa hè hoặc Tết hàng năm. Nhưng, đến TPHCM du lịch, tôi còn phát hiện ra một thị trường hàng hoá rất đa dạng tại đất nước các bạn.
Ở TP này cũng có đủ các hàng hiệu nổi tiếng thế giới, thường được bày bán chủ yếu tại các trung tâm thương mại lớn như Parkson, Diamond hoặc cửa hàng đại lý của các hãng nổi tiếng như Luis Vuiton, Chanel... Ở cửa hàng của Luis Vuiton trên đường Đồng Khởi, tôi đã mua được một sản phẩm mới chính hãng với giá chỉ bằng 2/3 giá thành mà tôi đã hỏi mua trong một kỳ du lịch ở Pháp cũng mới đây.
Suh Hyun Chul (du khách Hàn Quốc): Thích nhất là hàng thủ công mỹ nghệ.
Tôi rất thích những mặt hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ của các bạn. Đặc biệt là những loại giỏ xách được may từ vải truyền thống (thổ cẩm) hoặc lụa. Không chỉ độc đáo vì tính văn hoá của những món hàng mà giá của các mặt hàng này cũng "dễ chịu" với thu nhập của một biên tập viên đài truyền hình như tôi.
Nguyễn Hoài Phương Mai (Việt kiều Pháp): "Thiên đường mua sắm" của VN.
Tôi cũng đi tìm hiểu hầu hết các khu mua sắm ở cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Có thể khẳng định rằng TPHCM đúng là "thiên đường" mua sắm bởi ở đây có đủ các chủng loại hàng, đủ mức giá cả để khách hàng chọn lựa cho vừa túi tiền. Mức trung bình, hàng của Thái Lan, Trung Quốc hoặc hàng Việt Nam chất lượng khá và cao thì có khu An Đông Plaza. Cao cấp hơn, muốn mua hàng hiệu thế giới thì phải vào những TTTM ở quận I - TPHCM. Còn muốn mua hàng giá rẻ, cũng có một vài địa chỉ nổi tiếng như khu chợ đêm, nằm nay khuôn viên bên ngoài chợ Bến Thành hay khu chợ Kỳ Hoà (quận 10).
Hoài An (nhân viên bán hàng tại khu Saigon Square): Khách mua hàng chủ yếu là người nước ngoài.
Tôi có một số khách hàng quen là người nước ngoài nhưng theo chồng qua đây làm ăn và định cư. Thời trang là mặt hàng họ thích nhất ở khu này, vì giá cả và mẫu mã đều được. Còn mỹ phẩm thì đa dạng nhưng cũng rất sợ hàng thật giả lẫn lộn, nếu mua ngoài chợ, mà không khéo dễ bị hàng giả. Còn trong những TTTM lớn như Parkson, Diamond thì giá cả cũng đắt ngang bằng với các nước trong khu vực như Singapore.
Nguyễn Minh Anh (phụ trách quầy hàng thời trang Etam tại TTTM Parkson): Làm quen với cách mua bán hiện đại.
Những năm gần đây, người dân cũng đã quen dần với phong cách mua bán hiện đại, thanh toán bằng thẻ, giao hàng tận nhà... Rõ ràng là, nếu muốn sở hữu một món hàng chất lượng chính hãng, giá cả không cần mặc cả vẫn không sợ "hớ", và có một dịch vụ hậu mãi tốt thì nên chọn mua hàng tại các TTTM.
Chị Quỳnh (chủ sạp vải 6A tại chợ Bến Thành): Tiểu thương luôn được nhắc nhở về văn hoá bán hàng.
Những năm gần đây, tiểu thương chúng tôi luôn được Ban quản lý chợ nhắc nhở về văn hoá bán hàng, đặc biệt là đối với khách du lịch, vì ngoài yếu tố kinh tế, việc kinh doanh còn mang màu sắc văn hoá. Tiểu thương không được nói thách và phải có bảng niêm yết giá cả tại ngay sạp hàng. Vả lại, thời buổi kinh tế thị trường, cạnh tranh ngày càng gay gắt nên tiểu thương chúng tôi cũng ý thức hơn và thậm chí còn phải đi học thêm tiếng Anh để mời chào những khách du lịch mua hàng.
lđ