Microsoft “hấp hối”
Microsoft là kẻ đến trễ trong cuộc chơi các công nghệ hiện đại quan trọng như điện thoại di động, công cụ tìm kiếm, truyền thông, game và máy tính bảng. Thậm chí, Microsoft còn tụt hậu trong mảng trình duyệt web, thị trường mà tập đoàn phần mềm Mỹ này từng thống trị trong một thời gian dài.
Không phải Microsoft không nhìn thấy những thay đổi đang diễn ra trước mắt. Với lực lượng lao động gần 90.000 người, Microsoft sở hữu nhiều trong số những bộ óc thông minh nhất ngành công nghệ thế giới và họ đã ươm mầm cho rất nhiều dự án công nghệ. Các thử nghiệm như Courier (máy tính bảng), HailStorm/Passport (nhận dạng số) và Windows Media Center (phần mềm giải trí) cho thấy Tập đoàn đã đi trước các đối thủ ở nhiều lĩnh vực. Nhưng sau đó hoặc là thất bại trong việc đưa sản phẩm ra thị trường hoặc vì một lý do nào đó, Tập đoàn đã từ bỏ các kế hoạch trên.
“Trong thời đại này, cuộc đua thực sự rất khốc liệt. Bạn không thể chậm trễ dù chỉ 1 tiếng đồng hồ hoặc chỉ thiếu 1 USD. Câu hỏi lớn nhất đối với Microsoft là liệu họ có thể thành công trong thế kỷ XXI và cạnh tranh được với Google hay Apple?”, Laura DiDio, chuyên gia phân tích tại ITIC, công ty nghiên cứu công nghệ thông tin tại Mỹ, nhận định.
Điều gì đang xảy ra tại Microsoft?
Nhìn lại các dự án lớn nhắm đến thị trường tiêu dùng của Microsoft, có thể thấy xuất hiện rất nhiều vấn đề.
Sự ưa chuộng của người tiêu dùng đối với trình duyệt Internet Explorer đã vơi đi đáng kể. Một nghiên cứu mới đây cho thấy lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua, ngày càng nhiều người chuyển sang sử dụng các trình duyệt web khác. Tất cả các cải tiến quan trọng trong những năm qua như cửa sổ trình duyệt có tính năng tạo thẻ và các công cụ hữu dụng hỗ trợ trình duyệt đều đến từ bên ngoài Microsoft.
Hệ điều hành Windows Phone 7 hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển, nhưng danh tiếng của Microsoft đã bị chôn vùi với sự chết yểu của nền tảng hệ điều hành di động Windows Mobile. Với việc thị phần toàn cầu của Windows Mobile đang giảm dưới mức 5%, giới chuyên gia phân tích không dám quá lạc quan về triển vọng của Windows Phone 7.
Công cụ tìm kiếm Bing thì đang tăng trưởng, nhưng đó là nhờ chi phí bỏ ra từ đối tác làm ăn Yahoo!, chứ không phải do sự sa sút của đối thủ Google.
Trên thị trường máy tính bảng, đã 6 tháng từ khi Apple tung ra iPad, Microsoft vẫn chưa tìm được một chỗ đứng. Cách đánh bại Apple của Microsoft là sử dụng Windows 7, thay vì tạo ra một hệ điều hành chuyên biệt cho máy tính bảng. Điều này khiến cho các đối tác tiềm năng của Tập đoàn không hài lòng. Howard Locker, Giám đốc Công nghệ của công ty máy tính Trung Quốc Lenovo, gần đây đã phát biểu trên PC Mag (tạp chí điện tử về máy tính tại Mỹ), rằng công ty ông sẽ không phát triển sản phẩm theo hệ điều hành này.
Với Xbox, Microsoft đã thành công trong việc tạo ra một thương hiệu video game trong giới game thủ chuyên nghiệp. Nhưng Xbox đã bị máy chơi game Nintendo Wii qua mặt về doanh số bán nhờ thu hút được các game thủ bình dân.
Những đứa con khác của Microsoft như thiết bị xem phim, nghe nhạc Zune hay mạng xã hội Windows Live cũng đều có tuổi đời rất ngắn.
Nói tóm lại, trung tâm vũ trụ của Microsoft vẫn xoay quanh hệ điều hành Windows. Microsoft cho biết phiên bản mới Windows 7 bán được 240 triệu bản quyền mỗi năm, trở thành hệ điều hành bán chạy nhất trong lịch sử Tập đoàn.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng của Windows không phải đến từ người tiêu dùng mà là từ khu vực doanh nghiệp. Cuộc suy thoái kinh tế sắp kết thúc lại đúng vào chu kỳ các doanh nghiệp bắt đầu làm mới máy tính sau nhiều năm quá hạn bản quyền hệ điều hành.
Trong khi đó, giới điều hành tại Microsoft đang trong tình cảnh rối ren. Giám đốc Tài chính Chris Liddell, Chủ tịch Bộ phận Giải trí và Thiết bị Robbie Bach, Thiết kế Trưởng Thiết bị J Allard và Trưởng Bộ phận Kinh doanh Stephen Elop đều đã rời khỏi Microsoft trong năm qua. Tuần qua, Kiến trúc sư Trưởng Phần mềm Ray Ozzie cũng gia nhập hàng ngũ này.
Hội nghị các Nhà phát triển Chuyên nghiệp (PDC) tại Seattle tuần qua cũng cho thấy, Microsoft đang dần xa rời thị trường tiêu dùng bởi chủ đề nóng được đưa ra là điện toán máy chủ ảo (cloud computing), một vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp. Dù là một hội nghị quan trọng hằng năm của Microsoft với sự tham dự đông đảo của các nhà phát triển phần mềm trên thế giới, nhưng PDC năm nay lại có quy mô tương đối nhỏ với chỉ vài ngàn người tham gia.
Tương lai sẽ ra sao?
Liệu Microsoft có trở thành một IBM (tập đoàn công nghệ máy tính Mỹ) tiếp theo, tức sản phẩm làm ra đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp nhưng chỉ là một ký ức xa xăm đối với người tiêu dùng cá nhân?
Al Hilwa, chuyên gia phân tích thuộc Công ty Nghiên cứu Thị trường IDC (Mỹ), nhận định: “Microsoft đang ở giai đoạn quá độ. Điểm khác biệt so với IBM là Microsoft quan tâm đến người tiêu dùng nhiều hơn và điều đó đã nằm trong huyết quản của họ. Tôi không cho rằng Microsoft sẽ từ bỏ người tiêu dùng”.
Apple chính là tấm gương cho thấy thành công trong lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng có thể tiếp sức cho sự tăng trưởng bùng nổ. Đầu năm nay, Apple đã qua mặt Microsoft về giá trị thị trường và nhiều khả năng vượt cả tập đoàn này về doanh số bán năm 2010.
Cho dù Microsoft có nhường sân chơi tiêu dùng cho các đối thủ, Tập đoàn vẫn có thể mất sân chơi ở mảng doanh nghiệp. Bởi lẽ, doanh nghiệp đang ngày càng thoải mái hơn trong việc cho phép nhân viên sử dụng thiết bị cá nhân phục vụ cho mục đích công việc. Hơn nữa, hiện nay, các sản phẩm công nghệ như máy Mac, iPad, iPhone và điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android ngày càng tăng nhanh về số lượng và được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Rõ ràng, tương lai của Microsoft sẽ tùy thuộc vào việc Tập đoàn muốn trở thành người đi đầu hay kẻ đi sau trên thị trường tiêu dùng. Hệ điều hành trên điện thoại di động Windows Phone 7 là một khởi đầu tốt đẹp của tập đoàn này. Trình duyệt web mới Internet Explorer 9 có một số cải tiến như giao diện đẹp hơn, tốc độ nhanh hơn, thanh địa chỉ có thể kiêm luôn nhiệm vụ tìm kiếm... Trong khi đó, Kinect, bộ điều khiển game không cần dùng đến tay cầm của Xbox, dự kiến sẽ sớm ra mắt thị trường. Và điều mà Microsoft đang hy vọng là mọi chuyện vẫn chưa quá muộn.
Đàm Hoa (Theo CNN và PC Mag)
Nhịp cầu đầu tư