MBS lãi sau thuế 270 tỷ đồng trong quý 1, tự doanh gom thêm cổ phiếu
CTCP Chứng khoán MB (HNX: MBS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2025. Theo giải trình, Công ty cho biết lợi nhuận tăng đến từ mức tăng doanh thu của mảng cho vay, ứng trước và thu nhập từ các khoản đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn. Mặt khác, tổng chi phí giảm so với cùng kỳ.
Chi phí giảm mạnh kéo lợi nhuận đi lên
Kết quả kinh doanh quý 1/2025 của MBS
![]() Nguồn: VietstockFinance
|
Kết quả kinh doanh quý 1 của MBS ghi nhận sự chững lại của doanh thu. Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động của Công ty giảm nhẹ 1% về còn 669 tỷ đồng. Doanh thu môi giới giảm 28% về còn gần 133.5 tỷ đồng. Đồng thời, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) cũng giảm khoảng 10% còn 126.6 tỷ đồng.
Cơ cấu đóng góp của các mảng hoạt động có sự chuyển dịch giúp cân bằng lại mức sụt giảm của hai mảng trên. Doanh thu của mảng cho vay và lãi từ nguồn thu nhập cố định tăng so với cùng kỳ. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu của MBS quý 1 đạt 277 tỷ đồng, tăng 7%. Đồng thời, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn (HTM) tăng 60%, đạt gần 69 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) tăng 32%, đạt 40 tỷ đồng.
Dù doanh thu chững lại, lợi nhuận của MBS vẫn tăng tốt trong quý 1 nhờ chi phí giảm mạnh. Quý 1, chi phí hoạt động giảm gần 60% còn 108 tỷ đồng. Các khoản lỗ tài sản tài chính FVTPL giảm gần 50% còn 54 tỷ đồng cùng chi phí môi giới giảm 14% còn 117.5 tỷ đồng là tác nhân quan trọng.
Đáng chú ý, khoản hoàn nhập chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất hơn 77 tỷ đồng cũng góp phần đưa chi phí của MBS giảm mạnh.
Quý này, chi phí tài chính của Công ty tăng gần 30%, chiếm 162 tỷ đồng. Mặt khác, chi phí quản lý cũng tăng 30%, lên mức 75 tỷ.
Với các biến động như trên, MBS báo lãi sau thuế quý 1 đạt 270 tỷ đồng, tăng 47%. Đây là mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi Công ty lên sàn tới nay (năm 2012).
Lợi nhuận MBS đạt mức cao trong quý 1/2025 | ||
Gia tăng quy mô cổ phiếu tự doanh
Quy mô tài sản của MBS không biến động nhiều so với đầu năm. Hết quý 1, tổng tài sản ở mức 22.4 ngàn tỷ đồng, nhích nhẹ so với con số 22.1 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nguồn tài trợ có 2/3 đến từ nợ phải trả (15.2 ngàn tỷ đồng). Công ty đang vay nợ tài chính ngắn hạn 13.1 ngàn tỷ đồng và vay dài hạn thông qua trái phiếu hơn 1 ngàn tỷ đồng.
Xét về cơ cấu tài sản, các khoản cho vay cùng với các dạng tài sản tài chính chiếm tỷ trọng lớn. Dư nợ cho vay chiếm tỷ trọng lớn nhất khi đạt 11.4 ngàn tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.
MBS cũng gia tăng quy mô danh mục tài sản FVTPL trong quý 1, từ 1.97 ngàn tỷ đồng lên 2.56 ngàn tỷ đồng (tăng 30%). Ngược lại, tài sản AFS giảm từ 2.7 ngàn tỷ đồng về còn 1.5 ngàn tỷ đồng (giảm 43%).
Danh mục tài sản FVTPL tăng chủ yếu đến từ việc Công ty gia tăng quy mô cổ phiếu và giấy tờ có giá. Trong đó, số dư cổ phiếu gấp 2.7 lần đầu năm lên 447 tỷ đồng. Giấy tờ có giá tăng 55% lên 1.16 ngàn tỷ đồng.
Danh mục tài sản FVTPL của MBS
Nguồn: BCTC MBS
|
Cuối quý 1, Công ty đang nắm giữ gần 1.6 ngàn tỷ đồng tiền và tương đương tiền.
Yến Chi