Tin tức
Lợi nhuận quý 1 vượt trội, Masan bước vào quỹ đạo tăng trưởng có lợi nhuận

Lợi nhuận quý 1 vượt trội, Masan bước vào quỹ đạo tăng trưởng có lợi nhuận

24/04/2025

Banner PHS

Lợi nhuận quý 1 vượt trội, Masan bước vào quỹ đạo tăng trưởng có lợi nhuận

CTCP Tập đoàn Masan (Masan, HOSE: MSN) công bố báo cáo tài chính quý 1/2025 với lợi nhuận ròng đạt 394 tỷ đồng, tăng gần 279%. Tỷ lệ nợ ròng/EBITDA ở mức 2.9x, giữ nguyên so với quý trước.

Trong quý 1/2025, Masan ghi nhận 18,897 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 0.2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu loại trừ đóng góp doanh thu từ HCS, doanh thu của Masan tăng 11% trên cơ sở so sánh tương đương (LFL).

EBITDA đạt 4,003 tỷ đồng, tăng 22%, nhờ tăng trưởng lợi nhuận ổn định của các mảng tiêu dùng - bán lẻ và chiến lược giảm sở hữu các mảng không cốt lõi. Loại trừ đóng góp của HCS, tăng trưởng EBITDA tăng 21%.

Lãi ròng ghi nhận 394 tỷ đồng, tăng mạnh 279% so với cùng kỳ. Kết quả này đến từ đà tăng trưởng lợi nhuận bền vững tại các mảng tiêu dùng - bán lẻ và đóng góp từ việc thoái vốn chiến lược khỏi HCS, dù chi phí tài chính ròng tăng nhẹ. Kết quả vượt trội từ cuối năm 2024 đến nay tiếp tục củng cố niềm tin của ban lãnh đạo vào chiến lược chuyển đổi và tăng trưởng dài hạn của nền tảng tiêu dùng - bán lẻ.

Mảng kinh doanh tiêu dùng - bán lẻ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 2 chữ số và lợi nhuận bền vững: Doanh thu của MCH tăng trưởng mạnh với biên lợi nhuận duy trì cao; WCM mở rộng quy mô mạng lưới đồng thời cải thiện biên lợi nhuận; MML tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Đặc biệt, WCM và MML đóng góp 206 tỷ đồng vào tăng trưởng EBIT của toàn Tập đoàn. WCM và MML sẽ là những trụ cột tiếp theo mang lại lợi nhuận bền vững cho Masan trong tương lai.

Sau khi thoái vốn chiến lược khỏi HCS, MHT ghi nhận mức lỗ giảm mạnh. Điều này giúp Masan nâng cao chất lượng tài chính hợp nhất và đẩy mạnh tập trung vào nền tảng tiêu dùng - bán lẻ.

Masan kỳ vọng tác động trực tiếp từ thuế quan Mỹ không đáng kể lên hoạt động của Công ty. Thị trường Mỹ đóng góp dưới 1% doanh thu của MCH, các sản phẩm chủ lực của MHT hiện không bị áp thuế. Masan đang theo sát diễn biến và chủ động triển khai chiến lược giá linh hoạt, bám sát tình hình thực tế và cấu trúc danh mục sản phẩm phù hợp để giảm thiểu bất kỳ tác động nào đến tâm lý tiêu dùng.

Trong kịch bản thuế quan tăng cao, dù xuất khẩu và FDI có thể chịu áp lực, các biện pháp kích cầu trong nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ. Các ngành cốt lõi như hàng tiêu dùng thiết yếu và bán lẻ thực phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày được kỳ vọng duy trì sức chống chịu tốt. Bên cạnh đó, tiêu dùng ngoài gia đình có thể chịu sức ép khi người tiêu dùng ưu tiên bữa ăn tại nhà và cắt giảm chi tiêu không thiết yếu. Trong bối cảnh này, các nhà bán lẻ có lợi nhuận, dòng tiền mạnh và tập trung vào nhu cầu thiết yếu như WCM có lợi thế nắm bắt thị phần. Việc ứng dụng công nghệ và chiến lược thương mại tập trung sẽ giúp tận dụng quy mô để gia tăng giá trị cho người tiêu dùng, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào như lúa mì, cà phê và dầu cọ đang giảm, giúp giảm áp lực chi phí và tạo dư địa để MCH tái đầu tư mở rộng thị phần.

Chi tiết kinh doanh, Masan Consumer (UPCoM: MCH) ghi nhận doanh thu 7,489 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hoạt động (EBIT) ghi nhận 1,736 tỷ đồng, tăng 14%. Lợi nhuận ròng đạt 1,614 tỷ đồng, giảm 3%, do thu nhập tài chính thuần giảm sau khi MCH thực hiện các đợt chia cổ tức trong năm 2024.

Tại WinCommerce (WCM), doanh thu đạt 8,785 tỷ đồng, tăng 10%. Lợi nhuận ròng đạt 58 tỷ đồng, tăng 132 tỷ đồng, nhờ tăng trưởng cùng cửa hàng, công tác mở rộng quy mô mạng lưới và lượt khách mua sắm tăng.

Masan MEATLife (MML) đạt doanh thu 2,070 tỷ đồng, tăng 20%. Lợi nhuận ròng đạt 116 tỷ đồng, tăng 163 tỷ đồng, nhờ giá heo hơi thuận lợi, giá trị heo thịt tăng và tối ưu hóa cơ cấu mảng thịt chế biến.

Trong khi đó, Phúc Long Heritage (PLH) đạt doanh thu 424 tỷ đồng, tăng gần 10%. Lợi nhuận ròng đạt 43 tỷ đồng, tăng 99%, nhờ mở mới cửa hàng.

Masan High-Tech Materials (MHT) có doanh thu 1,393 tỷ đồng, tăng 12%. Lợi nhuận ròng âm 222 tỷ đồng, cải thiện 480 tỷ đồng, nhờ thoái vốn tại H.C. Starck (HCS) và giá khoáng sản tăng mạnh do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Kế hoạch năm 2025

Tùy thuộc vào phê duyệt nội bộ của Công ty, điều kiện kinh tế vĩ mô và sự phục hồi của thị trường tiêu dùng, Masan dự kiến doanh thu thuần hợp nhất năm 2025 sẽ nằm trong khoảng từ 80,000 tỷ đồng đến 85,500 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng LFL từ 7-14% so với cùng kỳ (sau điều chỉnh cho việc tách hợp nhất HCS).

Trong năm 2025, tổng doanh thu hợp nhất, không bao gồm MHT, dự kiến ​​nằm trong khoảng từ 74,013 tỷ đồng đến 78,013 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng từ 8-13% so với cùng kỳ. Lãi ròng dự kiến ​​đạt từ 4,875 tỷ đồng đến 6,500 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh từ 14-52% so với mức 4,272 tỷ đồng năm 2024.

Trọng tâm chiến lược Tập đoàn tiếp tục tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận với trọng tâm là mảng kinh doanh cốt lõi tiêu dùng - bán lẻ. MCH tiếp tục đạt mức tăng trưởng doanh thu 2 chữ số, trong khi vẫn duy trì lợi nhuận cao. WCM tập trung vào tăng trưởng có lợi nhuận bằng cách đẩy nhanh mở mới cửa hàng, trong khi vẫn duy trì tăng trưởng LFL mạnh mẽ.

Phát triển và ứng dụng công nghệ xuyên suốt để thúc đẩy hiệu quả hoạt động và tăng cường sự kết hợp trong nền tảng tiêu dùng - bán lẻ của MSN. Điều này được thực hiện thông qua chương trình hội viên WiN và sự tăng cường hợp tác giữa các thương hiệu Masan với WinCommerce.

Song song đó, Công ty cũng định hướng giảm đòn bẩy tài chính hơn nữa để cải thiện bảng cân đối kế toán và giảm chi phí tài chính. Giảm sở hữu trong các mảng không cốt lõi sau khi bán H.C. Starck để đơn giản hóa cấu trúc Tập đoàn và trở thành nền tảng tiêu dùng bán lẻ tập trung hơn.

MCH đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng doanh thu 2 chữ số từ 10-15% vào năm 2025, đạt 33,500 tỷ đồng đến 35,500 tỷ đồng. Trong quý 2/2025, MCH sẽ tái tăng tốc ra mắt các sản phẩm đổi mới trong ngành hàng Thực phẩm tiện lợi và Đồ uống, làm mới các thương hiệu mạnh như Kokomi và Wake-up 247, đồng thời đẩy mạnh các phát kiến bán hàng của ngành hàng Sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình (HPC) nhằm thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.

WCM dự kiến ​​đạt doanh thu thuần từ 35,600 tỷ đồng đến 36,900 tỷ đồng, tăng từ 8-12% so với cùng kỳ, và đạt lợi nhuận sau thuế dương cả năm. Điều này sẽ được thúc đẩy bởi việc mở rộng mạng lưới cửa hàng, tăng tốc tăng trưởng doanh thu LFL. Trong quý 2/2025, WCM sẽ tập trung đẩy nhanh việc mở mới cửa hàng và duy trì kiểm soát chặt chẽ lợi nhuận nhằm ứng phó với sự thay đổi nhu cầu do yếu tố mùa vụ.

Đẩy nhanh lại việc mở cửa hàng mới với 400-700 siêu thị mini trong năm 2025 cùng chiến lược tập trung theo khu vực.

MML dự kiến ​​mang về doanh thu từ 8,250 tỷ đồng đến 8,749 tỷ đồng, tăng 8-14% so với cùng kỳ. Kết quả này sẽ đạt được trên hành trình liên tục chuyển đổi để trở thành công ty chế biến thịt của MML và việc hợp tác sâu hơn với WinCommerce. Trong quý 2/2025, MML sẽ tiếp tục ra mắt các sản phẩm đổi mới và tập trung nâng cao giá trị heo nuôi thịt.

Nâng cao giá trị thành phẩm của mỗi heo nuôi thịt lên 10 triệu đồng/con, tương đương mức tăng gần 10% so với cùng kỳ, bằng cách tối đa hóa tỷ lệ sử dụng. Tiếp tục đầu tư vào mảng thịt chế biến với mục tiêu đóng góp doanh số 36-37% vào cơ cấu doanh số của MML.

PLH đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng từ 1,910 tỷ đồng đến 2,200 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng so với cùng kỳ từ 18-36%, bằng cách thúc đẩy tăng trưởng LFL và cải thiện biên lợi nhuận.

MHT dự kiến doanh thu đạt tăng trưởng LFL từ 3-19% so với doanh thu MHT không bao gồm đóng góp từ HCS. MHT đặt mục tiêu đạt doanh thu từ 6,487 tỷ đồng đến 7,487 tỷ đồng, lợi nhuận được cải thiện nhờ giá khoáng sản tăng.

Kim Ngân

FILI - 09:35:17 24/04/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng