Tin tức
Liên tục lập đỉnh, nhà đầu tư cần "tỉnh táo" trước các biến động ngắn hạn của vàng

Liên tục lập đỉnh, nhà đầu tư cần "tỉnh táo" trước các biến động ngắn hạn của vàng

29/03/2025

Banner PHS

Liên tục lập đỉnh, nhà đầu tư cần "tỉnh táo" trước các biến động ngắn hạn của vàng

Dù vàng vẫn luôn là “nơi trú ẩn” an toàn trong thời kỳ khủng hoảng, nhưng nhà đầu tư cần tỉnh táo trước những biến động ngắn hạn, đặc biệt thị trường trong nước.

Kết thúc phiên giao dịch 28/03/2025, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0.6% lên 3,074.4 USD/oz, sau khi đạt mức cao kỷ lục lần thứ 18 trong năm nay là 3,086.7 USD/oz vào đầu phiên. Vàng tăng 1.7% trong tuần này và ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Hợp đồng vàng tương lai tăng 0.8% lên 3,114.3 USD/oz.

Giá vàng thế giới tăng lên mức cao kỷ lục khi nhà đầu tư đổ xô vào tài sản trú ẩn an toàn trước lo ngại về cuộc chiến thương mại toàn cầu do chính sách thuế quan mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra.

Giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh từ đầu năm đến nay

Trong nước, giá vàng cũng tăng theo khi xác lập kỷ lục mới ở cả vàng miếng và vàng nhẫn.

Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng SJC tăng lên 98.5-100.7 triệu đồng/lượng ở chiều mua - bán, trong khi vàng nhẫn được mua - bán tại mức cao hơn là 98.9-100.9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng của Công ty SJC niêm yết tại 98.4-100.7 triệu đồng/lượng ở chiều mua - bán; giá vàng nhẫn tròn trơn niêm yết mua - bán ở 98.2-100.4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC gần chạm mốc 101 triệu đồng/lượng
Nguồn: Giavangvietnam

Giá vàng tăng liên tục là sự cộng hưởng giữa rủi ro và nhiều yếu tố hệ thống

Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường đại học Nguyễn Trãi nhận định, việc giá vàng thế giới vượt ngưỡng 3,000 USD/oz không chỉ là một con số mang tính biểu tượng mà còn phản ánh những chuyển động trong nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu. Đây là kết quả của sự cộng hưởng giữa rủi ro vĩ mô, căng thẳng địa chính trị và nhu cầu gia tăng đối với tài sản an toàn. Trong bối cảnh đó, giá vàng trong nước chắc chắn sẽ chịu tác động, nhưng mức độ và cách thức biến động còn tùy thuộc vào những đặc điểm riêng của thị trường Việt Nam.

Việc vàng liên tục bứt phá lên một tầm cao mới không phải là một diễn biến nhất thời mà là kết quả của hàng loạt yếu tố mang tính hệ thống.

Rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu từ việc nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang đối diện với tốc độ tăng trưởng suy giảm, lạm phát dai dẳng và chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài. Khi thị trường chứng khoán, trái phiếu không còn hấp dẫn, dòng vốn dịch chuyển sang vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Thêm vào đó, bất ổn địa chính trị và nguy cơ chiến tranh lan rộng. Xung đột leo thang tại nhiều khu vực như Đông Âu, Trung Đông không chỉ ảnh hưởng đến thương mại mà còn làm dấy lên lo ngại về sự phân cực trong hệ thống tài chính toàn cầu. Nhà đầu tư gia tăng nắm giữ vàng để bảo vệ tài sản trước những kịch bản rủi ro khó lường.

Các ngân hàng trung ương, đặc biệt tại Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và một số quốc gia châu Á khác, đã liên tục mua vào vàng với khối lượng lớn để giảm sự phụ thuộc vào USD. Xu hướng này càng củng cố vai trò của vàng như một loại tài sản chiến lược.

Việc Mỹ áp dụng các chính sách thuế quan mạnh tay đối với Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn khác đang thúc đẩy làn sóng bảo hộ kinh tế, gián tiếp tạo ra bất ổn cho hệ thống tiền tệ quốc tế. Khi đồng USD đối diện với sức ép giảm giá, vàng trở thành tài sản thay thế hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Trong nước, dù có mối quan hệ mật thiết với giá vàng thế giới, nhưng giá vàng trong nước không hoàn toàn song hành với biến động quốc tế. Điều này xuất phát từ những đặc thù riêng của thị trường Việt Nam.

Khác với các quốc gia có thị trường vàng tự do, Việt Nam áp dụng cơ chế quản lý chặt chẽ nguồn cung vàng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sử dụng các công cụ như đấu thầu vàng miếng, cấp hạn mức nhập khẩu hoặc can thiệp gián tiếp để bình ổn giá, hạn chế tình trạng đầu cơ quá mức.

Khi giá vàng tăng mạnh, nhiều nhà đầu tư cá nhân có xu hướng chốt lời, tạo áp lực điều chỉnh giá ngắn hạn. Ngược lại, những nhà đầu tư mới hoặc người dân chịu tác động tâm lý FOMO (Fear of Missing Out) có thể đẩy giá vàng trong nước cao hơn mức thực tế.

Cùng quan điểm, TS. Ngô Minh Vũ - Đại học Kinh tế TPHCM cũng cho rằng, trước đây vàng chỉ là kênh đầu tư tích trữ giá trị, không phải là kênh đầu tư chủ động nhưng trong năm qua và đầu năm nay, vàng lại trở thành kênh đầu cơ. Và khi trở thành kênh đầu cơ, đôi khi nhà đầu tư chỉ mang tâm lý theo số đông là khiến giá vàng được đẩy, trong khi yếu tố cung - cầu chỉ ảnh hưởng một phần.

Dù hiện tại giá vàng trong nước đã tăng lên 100 triệu đồng/lượng, ông Vũ dự báo giá vàng sẽ trong xu hướng tăng tiếp nhưng xoay quanh mốc này.

Nhìn chung, vàng vẫn là “nơi trú ẩn” an toàn trong thời kỳ khủng hoảng, nhưng nhà đầu tư cần tỉnh táo trước những biến động ngắn hạn, đặc biệt thị trường trong nước. Sự can thiệp của NHNN, tâm lý đầu tư và các yếu tố cung - cầu nội địa sẽ quyết định mức độ tác động của làn sóng tăng giá này đến thị trường vàng Việt Nam. Người dân nên tập trung vào đầu tư cho sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp, tận dụng các cơ hội do Việt Nam đang ở top các nền kinh tế tăng trưởng nhanh của toàn cầu, trung tâm thu hút FDI, mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nên dần thay đổi tâm lý tích lũy vàng chuyển sang đầu tư kinh doanh và khởi nghiệp sẽ giúp cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Cát Lam

FILI - 11:27:32 29/03/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng