Khủng hoảng 2008 và hiện nay: Những ký ức so sánh lẫn lộn
(Vietstock) - Phân tích dưới đây cho thấy giới chuyên gia phương Tây cũng đang rất bối rối với những xáo trộn đang diễn ra trong hệ thống tài chính Mỹ và châu Âu.
* Tín hiệu vĩ mô 2008 và 2011 – Tương đồng và khác biệt
Những gì đang diễn ra có vẻ tương tự như năm 2008: Chứng khoán lao dốc không phanh đi tìm đáy. Tăng trưởng kinh tế chậm lại. Các chính trị gia thì vật lộn và tranh cãi để tìm kiếm các giải pháp.
Nhiều người lo ngại khủng khoảng tài chính năm 2008 sẽ lặp lại và câu trả lời đang là một đề tài gây tranh cãi kịch liệt trong giới chuyên gia kinh tế.
Vấn đề nợ của chính phủ, không phải nợ của người tiêu dùng
Nhiều người cho rằng rủi ro lần này đã thấp hơn nhiều, ít nhất là ở khía cạnh khủng hoảng ngay lập tức, vì hệ thống tài chính nhìn chung đã khỏe mạnh hơn và có ít vấn đề hơn.
Nhưng các chuyên gia cũng nói thêm rằng vẫn có lý do để lo ngại, và không loại trừ sự sụp đổ nhanh chóng nếu các chính trị gia không thể khiến nhà đầu tư bình tĩnh trở lại bằng cách đưa ra giải pháp để giải quyết các vấn đề cơ bản.
Cũng như cách đây 3 năm, vấn đề cốt lõi là vay nợ quá nhiều và người đi vay rất khó trả đủ và đúng hạn. Nhưng lần này là nợ của chính phủ, chứ không phải nợ của người tiêu dùng.
Giáo sư Tài chính Darrell Duffie ở Đại học Stanford cho rằng cho đến giờ thì mọi thứ không tệ như năm 2008, nhưng nó có thể tệ hơn nhiều vì vấn đề nợ quốc gia mang tính toàn cầu hơn là câu chuyện nợ thế chấp dưới chuẩn năm 2008.
Nếu việc mất niềm tin lan rộng thì có lẽ sẽ gây ra những rắc rối tương tự như năm 2008, và đây là lo ngại lớn nhất, theo Bank of America Merrill Lynch.
Chứng khoán Mỹ có những phiên giảm điểm kỷ lục, nhưng lo ngại lớn hơn lại đến từ những căng thẳng trên thị trường tín dụng châu Âu, vốn sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn cho các hoạt động hàng ngày của các ngân hàng và doanh nghiệp.
Không giống như khủng hoảng năm 2008 bắt đầu từ Mỹ và lan rộng ra khắp thế giới sau khi Lehman Brothers sụp đổ và AIG chao đảo vì các vụ vỡ nợ thế chấp dưới chuẩn tăng lên, lần này rắc rối bắt đầu từ châu Âu.
Các định chế tài chính khắp châu Âu đang nắm giữ số lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ từ Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Ý và Tây Ban Nha. Lo ngại về rủi ro vỡ nợ đang lan rộng.
Không nghiêm trọng, nhưng là điềm báo cho một cuộc khủng hoảng?
Một số người cho rằng các lo ngại khi so sánh với cuộc khủng hoảng 2008 đang bị thổi phồng. Larry Kantor, trưởng bộ phận phân tích ở Barclays Capital cho rằng tình hình hoàn toàn khác biệt. Sẽ không có khủng hoảng nợ tại Mỹ ngay lúc này và cũng không có nhiều người nắm giữ các khoản nợ của châu Âu như nợ thế chấp hay phái sinh như vào năm 2008. Việc sụp đổ của thị trường như năm 2008 là còn xa.
Các chuyên gia cũng cho rằng cần phải tránh việc nhầm lẫn giữa sự hỗn độn trên thị trường chứng khoán và sự hoảng loạn của tất cả các thị trường.
Theo John Richards, chiến lược gia tại ngân hàng RBS ở Stamford thì thị trường chứng khoán điều chỉnh là do tăng trưởng đang chậm lại và khả năng suy thoái đang tăng lên. Năm 2008 chúng ta gặp phải một cuộc khủng hoảng nguồn vốn, khi các ngân hàng không dám cho vay lẫn nhau.
Nhiều chuyên gia Phố Wall thì lại cho rằng mọi dấu hiệu của một sự hỗn độn đang diễn ra khá giống nhau. Nhiều người so sánh việc Hy Lạp gặp khủng hoảng nợ quốc gia cách đây một năm với việc Bear Stearns sụp đổ tháng 3/2008 như là một dấu hiệu báo trước cho một cuộc khủng hoảng lan rộng hơn vào 6 tháng sau đó. Nợ công của Ý và Tây Ban Nha gộp lại nay đã tương đương với Lehman Brothers and AIG - những định chế mà sự sụp đổ đã đe dọa đến ổn định của toàn hệ thống.
Như là một điềm báo cho cuộc khủng hoảng, cổ phiếu ngân hàng châu Âu đã rớt hơn 10% vào hôm thứ Năm và các tin đồn về khả năng tiền mặt, lãi suất liên ngân hàng lan rộng.
Trong khi lãi vay liên ngân hàng ở Mỹ và Anh chỉ mới tăng nhẹ gần đây, lãi suất liên ngân hàng ở châu Âu đã tăng gấp đôi kể từ cuối tháng 7.
Những người lạc quan thì cho rằng lãi suất này vẫn còn thấp so với mức cao lúc khủng hoảng. Nhưng đây đã là mức cao nhất kể từ quý 1/2009.
Vì các ngân hàng ở châu Âu mỗi ngày giao dịch hàng tỷ USD với các ngân hàng Mỹ, người ta lo sợ ảnh hưởng sẽ lan rộng.
Một số điểm có thể giúp hệ thống ngân hàng phục hồi nhanh hơn
Tuy nhiên, vẫn có một số khác biệt quan trọng giữa tình huống hiện nay và năm 2008 có thể giúp các ngân hàng phục hồi nhanh hơn.
Các định chế tài chính ở Mỹ có nguồn vốn lớn hơn 1/3 so với năm 2007, và họ ở trong vị thế tốt hơn để dự đoán cơn bão hiện tại. Họ đã có chiến lược kinh doanh ít rủi ro hơn rất nhiều. Thay vì cho vay 25 USD trên mỗi 1 USD vốn mà các tổ chức này có, hiện nay họ chỉ còn cho vay 16 USD, một con số hợp lý hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều phương thức khác để hệ thống tài chính giảm lượng nợ vay mượn.
Giá trị của thị trường repo, nơi mà các định chế tài chính vay mượn qua đêm để tài trợ các hoạt động, đã co hẹp từ mức đỉnh 4.57 ngàn tỷ USD vào tháng 3/2008, lúc Bear Stearns sụp đổ, xuống chỉ còn 2.6 ngàn tỷ USD vào tháng 7/2011.
Thậm chí, nếu chính phủ không cắt giảm các khoản nợ thì người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng đã làm như vậy, dù chưa nhiều lắm.
Sau khi gia tăng vay mượn trong hơn 3 thập kỷ liên tiếp, người tiêu dùng đã thay đổi và các khoản nợ bây giờ thực sự thấp hơn năm 2008. Tương tự, số lượng doanh nghiệp có nợ ngắn hạn vượt quá tài sản đang đứng ở mức thấp 25 năm, giúp giảm thiểu khả năng khủng hoảng tín dụng như vào mùa thu năm 2008.
Hơn nữa, mức độ của vấn đề hiện nay được nhận biết đầy đủ hơn trong năm 2008. Khi đó, các nhà hoạch định chính sách liên tiếp bị bất ngờ bởi lượng nợ thế chấp dưới chuẩn và cái cách mà nó ảnh hưởng đến rất nhiều ngóc ngách của hệ thống tài chính thế giới.
Rào cản đến từ lợi ích và khác biệt chính trị
Nhưng không phải mọi khác biệt đều tốt đẹp.
Năm 2008, các nhà hoạch định chính sách đã có những động thái rất mau chóng để giải cứu các ngân hàng và bảo lãnh để hệ thống tài chính khỏi sụp đổ.
Lần này, sự chia rẽ chính trị ở Mỹ sẽ khiến các hành động mạnh mẽ tương tự như ban hành thêm một gói kích thích sẽ rất khó xảy ra.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng có ít công cụ hơn. Cơ quan này đã cắt giảm lãi suất ngắn hạn về gần mức 0, và hai đợt bơm tiền tổng cộng hơn 2 ngàn tỷ USD để kích thích nền kinh tế nhưng vẫn chưa thể giúp lấy lại đà tăng trưởng.
Ở châu Âu, giới chính trị ít nhất cũng bị chia rẽ trong hành động như những gì đang diễn ra ở Mỹ, vì các nước sẽ gặp khó khăn trong việc dung hòa các lợi ích của họ.
Các nhà hoạch định chính sách chưa cho thấy sẽ có một kế hoạch được xem là toàn diện, phối hợp với nhau và đáng tin cậy. Chúng ta cần khôi phục niềm tin, nhưng lại có quá nhiều đấu tranh nội bộ, Philip Finch, Chiến lược gia ngành ngân hàng tại UBS phát biểu.
Như Lan (Theo New York Times)