Hiểu thế nào về phát triển bền vững qua 2 chỉ thị của EU?
Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy mạnh yêu cầu phát triển bền vững qua 2 chỉ thị CSRD và CSDDD, tác động không chỉ đến doanh nghiệp tại EU mà cả các đối tác toàn cầu, bao gồm Việt Nam. Dù không chịu áp dụng trực tiếp, nhiều doanh nghiệp Việt đang đối mặt với áp lực từ chuỗi cung ứng và đối tác xuất khẩu. Hiểu đúng, cập nhật kịp thời và chuẩn bị báo cáo ESG trở thành yếu tố sống còn nếu muốn duy trì vị thế tại thị trường châu Âu.
Thương mại giữa Việt Nam và EU đã phát triển mạnh mẽ nhờ EVFTA. Sau hơn 4 năm thực thi, EU trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba và đối tác nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Với các mặt hàng chủ lực như điện thoại, linh kiện điện tử, giày dép, cà phê, gạo, thủy sản, Việt Nam đã trở thành đối tác cung ứng hàng hóa lớn nhất của EU trong ASEAN.
Tuy nhiên, để duy trì vị thế, doanh nghiệp cần đáp ứng những yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). EU đã ban hành nhiều bộ quy định mới như Fit for 55, CBAM, CSRD, CSDDD và EUDR - tất cả đều nằm trong khuôn khổ "Thỏa thuận Xanh châu Âu", một chiến lược được công bố từ 2019 nhằm đưa EU đạt trung hòa khí thải vào năm 2050.
Tại hội thảo "Sustainable Value Chain: From Vietnam to Global" do Green Transition Hub tổ chức, bà Asthildur Hjaltadottir - nhà sáng lập ESG Matters - nhấn mạnh rằng Thỏa thuận Xanh chính là nền tảng định hướng cho các chỉ thị nói trên. Đây không chỉ là chiến lược tăng trưởng xanh mà còn là khuôn khổ để xây dựng các chính sách pháp lý cụ thể, khả thi nhằm chuyển đổi toàn diện mô hình kinh tế của EU.
Các mục tiêu chính của Thỏa thuận bao gồm trung hòa khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn, xây dựng công nghiệp sạch, bảo vệ môi trường lành mạnh, thúc đẩy nông nghiệp bền vững, đảm bảo công bằng khí hậu, công bằng xã hội. Dưới khuôn khổ của Thỏa thuận Xanh, Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu đã thông qua nhiều bộ luật khác nhau nhằm chuyển hóa chiến lược này thành các quy định cụ thể, có thể áp dụng trên thực tế.
CSRD - Chỉ thị Báo cáo Phát triển Bền vững của Doanh nghiệp
Trong các quy định mới, CSRD - Chỉ thị Báo cáo Phát triển Bền vững của Doanh nghiệp - có tác động sâu rộng đến doanh nghiệp toàn cầu. Chỉ thị này chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2023, thay thế NFRD (Chỉ thị Báo cáo Phi tài chính) 2014.
CSRD yêu cầu doanh nghiệp báo cáo chi tiết về tác động bền vững từ hoạt động của mình và trong toàn bộ chuỗi giá trị. Khoảng 42,500 doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng theo lộ trình phân giai đoạn, kể cả doanh nghiệp ngoài EU nếu đạt ngưỡng quy định.
![]() Bà Asthildur Hjaltadottir
|
Điểm nổi bật của CSRD là khái niệm “tính trọng yếu kép” - yêu cầu doanh nghiệp đánh giá cả tác động họ gây ra lên môi trường - xã hội, lẫn các rủi ro - cơ hội từ bên ngoài.
Doanh nghiệp phải trình bày thông tin theo bộ tiêu chuẩn ESRS (Bộ tiêu chuẩn báo cáo bền vững châu Âu) với báo cáo được kiểm toán, ban đầu ở mức độ hạn chế nhưng dần hướng tới kiểm toán nghiêm ngặt hơn. Báo cáo này là phần bắt buộc trong báo cáo quản trị và sẽ được nộp qua cổng thông tin do EU phát triển.
“Những báo cáo đầu tiên theo CSRD đang được công bố, đây rõ ràng là một thách thức lớn với nhiều doanh nghiệp”, bà Asthildur chia sẻ.
CSDDD - Chỉ thị về Thẩm định Trách nhiệm Bền vững của Doanh nghiệp
Song song với CSRD, CSDDD - Chỉ thị về Thẩm định Trách nhiệm Bền vững của Doanh nghiệp - cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Chỉ thị chính thức có hiệu lực vào tháng 7/2024, với mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững và hành vi kinh doanh có trách nhiệm không chỉ trong hoạt động nội bộ của doanh nghiệp mà còn trong toàn bộ chuỗi giá trị.
"Đây là điểm đặc biệt quan trọng - phạm vi của CSDDD không chỉ giới hạn ở hoạt động của chính doanh nghiệp, mà còn bao gồm chuỗi cung ứng, đối tác kinh doanh và công ty con. Với vai trò như vậy, chỉ thị này sẽ đóng góp vào một quá trình chuyển đổi công bằng sang nền kinh tế bền vững, trong đó các doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm", chuyên gia chỉ ra.
CSDDD chủ yếu áp dụng cho doanh nghiệp lớn tại EU có trên 1,000 nhân viên và doanh thu toàn cầu trên 450 triệu euro. Ngoài ra, chỉ thị cũng áp dụng cho khoảng 900 công ty ngoài EU có doanh thu ròng trên 450 triệu euro tại thị trường này.
Dù doanh nghiệp vừa và nhỏ không chịu áp dụng trực tiếp, họ vẫn có thể bị ảnh hưởng thông qua yêu cầu từ các đối tác lớn trong chuỗi cung ứng. Mỗi nước thành viên EU sẽ có cơ quan giám sát và thực thi, với quyền áp dụng biện pháp xử phạt nếu vi phạm.
Điểm giống và khác giữa CSRD và CSDDD ra sao?
CSRD và CSDDD có nhiều điểm chung, như yêu cầu báo cáo các vấn đề môi trường - xã hội, xây dựng kế hoạch hành động, tiếp cận theo hai chiều inside-out và outside-in. Tuy nhiên, CSRD cho phép đặt ngưỡng trọng yếu khi lựa chọn nội dung báo cáo, còn CSDDD thì không - mọi vấn đề được xác định trong quá trình thẩm định đều phải xử lý, ưu tiên theo mức độ nghiêm trọng.
Về phạm vi, CSRD bao quát toàn bộ chuỗi giá trị, cả trước và sau sản xuất, trong khi CSDDD chỉ tập trung vào chuỗi cung ứng. Ngược lại, CSDDD yêu cầu doanh nghiệp xem xét lại các chính sách mua hàng, hợp đồng nhằm bảo vệ nhà cung cấp nhỏ, điều mà CSRD không quy định. CSRD yêu cầu báo cáo cả rủi ro và cơ hội, còn CSDDD thì không.
Theo nhà sáng lập ESG Matters, cả 2 chỉ thị đều yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo, nhưng không nhất thiết phải lập 2 bản báo cáo riêng biệt - thông tin về CSDDD hoàn toàn có thể được tích hợp vào báo cáo CSRD, giúp giảm gánh nặng.
Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý
Việt Nam hiện nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu sang EU, đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp tại Liên minh châu Âu đang phụ thuộc vào các nhà cung cấp từ Việt Nam.
Vì vậy, các nhà cung ứng có trụ sở tại Việt Nam gần như chắc chắn sẽ nhận được yêu cầu từ đối tác EU về việc cung cấp dữ liệu và thông tin phục vụ cho báo cáo của họ - ngay cả khi doanh nghiệp Việt Nam không trực tiếp thuộc phạm vi áp dụng của ESRS.
"Đây là điều chắc chắn sẽ xảy ra", chuyên gia nhấn mạnh.
Tranh luận và hoãn áp dụng CSRD và CSDDD?
Cuối cùng, bà Asthildur Hjaltadottir lưu ý một khái niệm "thực sự rất quan trọng" đang được nhắc đến nhiều gần đây là "omnibus". Đây là đề xuất của Ủy ban châu Âu nhằm điều chỉnh và làm rõ các quy định chính liên quan đến phát triển bền vững, với mục tiêu đơn giản hóa yêu cầu và giảm gánh nặng hành chính.
Đề xuất này ảnh hưởng trực tiếp đến CSRD và CSDDD, bao gồm việc rút gọn phạm vi các công ty phải báo cáo, giới hạn yêu cầu liên quan đến chuỗi giá trị đối với các công ty nhỏ hơn, điều chỉnh lại các chuẩn mực báo cáo, và hoãn lại các yêu cầu báo cáo.
"Đã có rất nhiều cuộc thảo luận, không chỉ trong các thể chế của EU như Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu, mà còn trong chính ngành của chúng ta, trong các doanh nghiệp", bà nói, "Có nhiều ý kiến trái chiều, một số người cho rằng việc trì hoãn là không cần thiết vì các bên đã sẵn sàng và các báo cáo đầu tiên đang được triển khai; trong khi đó, những người khác lại nghĩ rằng quy trình hiện tại quá phức tạp, cần phải đánh giá lại".
Mới đây, ngày 03/04, đề xuất điều chỉnh mang tên "gói dừng đồng hồ" (stop the clock package) đã được Nghị viện châu Âu thông qua, đồng nghĩa với việc hoãn 2 năm đối với CSDDD và 1 năm đối với CSRD. Tuy nhiên, tác động cụ thể đến các mốc thời gian vẫn chưa rõ ràng, vì đề xuất này cần được Hội đồng các Bộ trưởng của Liên minh châu Âu phê chuẩn cuối cùng.
Đồng thời, Ủy ban châu Âu cũng đã yêu cầu EFRAG - cơ quan xây dựng bộ chuẩn mực báo cáo phát triển bền vững của châu Âu - đánh giá lại các chuẩn mực với mục tiêu đơn giản hóa, dự kiến hoàn thành trước tháng 10 này.
Với các thay đổi liên tục, doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát để chủ động thích ứng. Việc hiểu rõ và tuân thủ các quy định không chỉ giúp giữ vững vị thế trên thị trường EU mà còn tạo nền tảng cho phát triển bền vững lâu dài trong một môi trường kinh doanh toàn cầu đầy biến động.
Tử Kính