Tin tức
Hai doanh nghiệp ở TPHCM đề xuất khai thác tín chỉ carbon từ rừng tỉnh Lâm Đồng

Hai doanh nghiệp ở TPHCM đề xuất khai thác tín chỉ carbon từ rừng tỉnh Lâm Đồng

03/06/2024

Banner PHS

Hai doanh nghiệp ở TPHCM đề xuất khai thác tín chỉ carbon từ rừng tỉnh Lâm Đồng

Công ty Đầu tư FDI Việt Nam và Văn phòng đại diện CTCP Đầu tư Hoàng Lâm đang đề xuất lên tỉnh Lâm Đồng về dự án xác lập và khai thác tín chỉ carbon từ rừng trên địa bàn tỉnh.

Theo văn bản UBND tỉnh gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) ngày 31/05, UBND tỉnh cho biết nhận được tờ trình ngày 19/05 của Công ty TNHH Đầu tư FDI Việt Nam về việc khảo sát, nghiên cứu và đầu tư dự án “xác lập và khai thác tín chỉ carbon từ rừng tại tỉnh Lâm Đồng”. UBND tỉnh chuyển Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, xem xét đề nghị của Công ty TNHH Đầu tư FDI Việt Nam; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh theo quy định trong tháng 06/2024.

Được biết, trong tờ trình ngày 19/05 của Công ty Đầu tư FDI Việt Nam gửi UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết 2 nhà đầu tư đến từ TPHCM là Công ty Đầu tư FDI Việt Nam thành lập hồi ngày 20/02/2023 và đăng ký thay đổi lần 1 ngày 02/05/2024, do ông Lương Ngọc Trường làm Chủ tịch HĐTV; và Văn phòng đại diện CTCP Đầu tư Hoàng Lâm, do bà Trần Thị Dịu Hòa làm đại diện.

Nhà đầu tư cho biết, thông qua phương tiện truyền thông, Cục Lâm nghiệp cho biết đối với thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính (ERPA) vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5.15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2022-2026.

LEAF/Emergent sẽ thanh toán cho dịch vụ này với giá tối thiểu 10 USD/tấn CO2, với tổng giá trị 51.5 triệu USD. Diện tích rừng thương mại dịch vụ giảm phát thải đăng ký là 4.26 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên 3.24 triệu ha và rừng trồng 1.02 triệu ha. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký cấp tín chỉ theo tiêu chuẩn TREES. Đồng thời đang khẩn trương tổ chức các phiên đàm phán kỹ thuật với Emergent để hoàn thiện đề án đàm phán, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Tuy nhiên, 2 nhà đầu tư cho hay, trong quá trình làm việc với đối tác trong và ngoài nước, nhận thấy Việt Nam vẫn có nhu cầu rất cao về xác lập tín chỉ carbon và việc tìm khách mua tín chỉ carbon với giá thành cạnh tranh. Theo nhà đầu tư, việc tăng thu nhập cho các chủ hộ quản lý rừng, Công ty sẽ trồng kết hợp thêm các loại cây có giá trị lâu dài như đàn hương, hoặc các loại cây có giá trị ngắn ngày như dâu tằm, cây đẳng sâm. Công ty cũng cho biết đang có các đối tác quốc tế thu mua các sản phẩm đã nêu ở trên với giá cạnh tranh.

Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh Lâm Đồng được phân bổ là tổng hơn 537.7 ngàn ha với cơ cấu 3 loại rừng: rừng đặc dụng 84,224ha, rừng phòng hộ 147,238ha, rừng sản xuất 306,265ha, nhà đầu tư thông tin.

Theo đó, hai doanh nghiệp lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh cùng các Sở, Ban, ngành liên quan xem xét chủ trương cho phép 2 Công ty được khảo sát nghiên cứu đầu tư dự án “xác lập và khai thác tín chỉ carbon từ rừng tại tỉnh Lâm Đồng”, gồm:

Hợp tác với các chủ rừng hoặc đơn vị quản lý rừng không bị xâm hại trong vòng 10 năm và nằm ngoài thỏa thuận với LEAF/Emergent để xác lập và khai thác tín chỉ carbon, đặc biệt là đối với hai loại rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.

Đối với rừng sản xuất, 2 công ty cho hay sẽ đưa ra các khuyến nghị, đề xuất và hợp tác để các chủ rừng nâng cao thu nhập, có thể khai thác được tín chỉ carbon trong tương lai.

2 nhà đầu tư là ai?

Công ty TNHH Đầu tư FDI Việt Nam có trụ sở tại quận 1, TPHCM. Ngành nghề kinh doanh chính là xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác. Chủ tịch HĐTV là ông Lương Ngọc Trường, ông này còn đứng lên CTCP Tập đoàn Bình Dương Capital thành lập năm 2016, trụ sở tại tỉnh Bình Dương.

Theo Báo Quảng Nam đưa tin mới đây, Công ty Đầu tư FDI Việt Nam vừa có công văn gửi các cơ quan chức năng của tỉnh về mong muốn đầu tư vào dự án khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng Apăng (xã Sông Kôn, Đông Giang).

Khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng Apăng có diện tích đất sử dụng hơn 43ha do CTCP Đầu tư Nông nghiệp Sạch Phú Son làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng (hiện đang xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 1.2 ngàn tỷ đồng).

Công ty Đầu tư FDI Việt Nam mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn thủ tục về thỏa thuận liên doanh, liên kết với chủ đầu tư dự án; thống nhất điều chỉnh giãn tiến độ và nâng tổng mức đầu tư dự án; tạo điều kiện cho công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án. UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Công ty Đầu tư FDI Việt Nam làm việc với Công ty Đầu tư Nông nghiệp Sạch Phú Son để giải quyết các nội dung liên quan đến mong muốn đầu tư vào dự án theo thẩm quyền, đúng quy định.

Về nhà đầu tư còn lại, Công ty Đầu tư Hoàng Lâm, vào năm 2016, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum có văn bản số 534/BQLKKT-QHXD về lập thủ tục đầu tư đối với các dự án của CTCP Đầu tư Hoàng Lâm, thống nhất danh mục các dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn, hình thức đầu tư của Công ty tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và cụm công nghiệp Đăk La tại tờ trình số 06/TT ngày 04/06/2016 của Công ty. Đồng thời, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đề nghị Công ty Đầu tư Hoàng Lâm hoàn thành các thủ tục đầu tư trước khi triển khai dự án theo quy định. Tuy nhiên, đến tháng 11/2016 Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chưa nhận được bất cứ hồ sơ, thủ tục nào của Công ty về các dự án nói trên.

Thu Minh

FILI

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng