Tin tức
Gửi tiết kiệm bằng VND thật sự lợi hơn USD?

Gửi tiết kiệm bằng VND thật sự lợi hơn USD?

29/12/2006

Banner PHS

Gửi tiết kiệm bằng VND thật sự lợi hơn USD?

Mặc dù chủ đề gửi tiết kiệm bằng USD hay VND có lợi hơn đã được đưa ra tranh luận trên báo chí từ mấy tháng trước, nhưng xem ra chưa có hồi kết.

Thỉnh thoảng, người ta lại thấy xuất hiện một bài viết cho rằng gửi VND là có lợi hơn USD, với cách tính đại diện như sau:

“Với 160 triệu đồng, nếu gửi ngân hàng với lãi suất tiết kiệm khoảng 8,4%/năm, tiền lãi thu được là 13,4 triệu đồng. Trường hợp giữ USD, với số tiền này sẽ mua được 10.000 USD, gửi tiết kiệm ngoại tệ với lãi suất 4,85%/năm, thu được 485 USD tiền lãi, tương đương 7,8 triệu đồng, chỉ bằng 60% so với gửi bằng VND. Nếu cộng cả mức bảo toàn vốn do VND giảm giá so với USD trong cả năm 2006 là 1%, tương đương 1,6 triệu đồng thì giữ USD vẫn không có lợi bằng VND” (Tuổi Trẻ, 26/12/2006).

Nếu tính bằng tỷ lệ % theo bài tính nói trên thì người gửi VND sẽ có lợi hơn gửi USD là: 8,4% - 4,85% - 1% = 2,55%. Nếu chỉ dừng lại ở đây thì câu hỏi đặt ra là tại sao gửi VND lại quá hấp dẫn như vậy? Một câu trả lời có vẻ cực kỳ thuyết phục là:

“Ngân hàng Nhà nước đã chủ trương điều hành lãi suất theo hướng không có lợi cho người gửi USD để hấp dẫn người dân giữ VND. Mỗi khi lãi USD tăng thì các ngân hàng thương mại cũng tăng lãi suất VND sao cho lãi suất VND luôn cao hơn lãi suất USD để người dân không cảm thấy bị thiệt khi giữ VND”; và: “Theo các ngân hàng, thống kê qua các năm cho thấy dù lãi suất USD tăng nhưng mức thu nhập từ gửi USD cũng chỉ bằng 60% so với gửi VND. Các chuyên gia ngân hàng cũng phân tích nguyên nhân khiến việc giữ USD không có lợi bằng VND chính là do tỉ giá VND/USD quá ổn định. Những năm gần đây, tốc độ mất giá của VND so với USD chỉ ở mức dưới 1%/năm” (vẫn nguồn tin đã dẫn).

Những giải thích này không chính xác.

Thứ nhất, các ngân hàng thương mại hiện đã rất độc lập và chủ động trong việc quyết định lãi suất huy động cả VND và USD (bằng chứng là các cuộc đua nâng lãi suất cả VND và ngoại tệ vừa qua). Mỗi khi lãi suất USD ở nước ngoài tăng thì các ngân hàng trong nước cũng buộc phải tăng lãi suất huy động USD của mình lên (có thể sau một thời gian trễ), cho dù Ngân hàng Nhà nước có thể không “hài lòng”.

Thứ hai, kể cả các giải thích trên có đúng chăng nữa thì tại sao mức chênh lệch nói trên không phải là ở một mức rất hình thức, ví dụ, 0,3%? Nói cách khác, người gửi tiền khôn ngoan sẽ lựa chọn ngay VND khi chỉ cần có chênh lệch ở một mức nhỏ, khi yếu tố rủi ro chính nêu trong bài viết trên (tỷ lệ trượt giá VND so với USD) đã được dự báo rất chắc chắn (hầu như là cam đoan) từ trước bởi Ngân hàng Nhà nước?

Vì không thể nghĩ rằng các ngân hàng thương mại “hào phóng” với người gửi VND khi “tặng thêm” đến 2,55% cho người gửi VND, nên ở đây nhất định phải có một yếu tố khác đã bị “quên” không được đưa vào bài tính trên, và là cái mà các “chuyên gia ngân hàng” mà bài viết trên trích dẫn cố tình che giấu người gửi VND.

Đó chính là yếu tố lạm phát của cả Việt Nam và Mỹ (ở đây là chỉ số giá cả CPI). Nếu đưa CPI của Việt Nam (6,6% năm 2006) vào bài tính trên thì thực tế người gửi VND chỉ còn thu được 8,4% - 6,6% = 1,8% lãi ròng thực tế trên khoản gửi tiết kiệm bằng VND của mình.

Trong khi đó, với CPI của Mỹ vào khoảng 2% trong năm 2006, người gửi bằng USD sẽ thu được 4,85% - 2% = 2,85% lãi ròng. (Về lý do tại sao lại đưa lạm phát của Mỹ vào bài tính này, xin bạn xem bài viết sau). Nếu tính thêm cả mức trượt giá 1% của VND so với USD trong năm 2006 thì người gửi VND sẽ thiệt hơn so với người gửi USD là 2,05% (= 1,8% - 2,85% - 1%).

Có lẽ chưa bao giờ và ở đâu cái gọi là “ảo tưởng tiền tệ” (money illusion - hiện tượng người ta thường nghĩ về giá trị danh nghĩa chứ không phải giá trị thực của tiền) lại là công cụ hữu ích để các “chuyên gia ngân hàng” Việt Nam áp dụng triệt để như ở đây, nhằm làm lợi cho ngân hàng của mình.

Người dân thường khó mà tránh được cám dỗ khi thấy mức lãi suất danh nghĩa cho tiền gửi bằng VND (8,4%) cao hơn hẳn lãi suất danh nghĩa cho USD (4,85%) và tiếp tục bị “ru ngủ” bởi các giải thích mê hoặc của các “chuyên gia ngân hàng”. Rõ ràng không thể ngây thơ nghĩ rằng các “chuyên gia ngân hàng” này cũng không biết đến bài tính đơn giản này.

Sang năm 2007, nên gửi tiết kiệm bằng loại tiền gì? Bạn đọc có thể tự mình tính lấy bài toán này theo cách trên (cũng tương tự như cách tôi trình bày trong một bài viết trước đây), khi biết rằng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra dự đoán rằng tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục biến động (tăng thêm) trong khoảng 1%, lạm phát của Việt Nam được Tổng cục Thống kê dự đoán vào khoảng 7-7,5%, của Mỹ vào khoảng 3-3,5% (dự đoán của các tổ chức quốc tế).

Lúc đó, giả sử lãi suất VND và USD tiếp tục ở mức hiện tại thì có lẽ không có lý do gì để gửi bằng VND. Câu trả lời gửi bằng gì sẽ khác đi khi các ngân hàng thương mại buộc phải nâng mức chênh lệch lãi suất tiền gửi VND so với USD cao hơn nữa, đủ để bù đắp chênh lệch về lạm phát giữa 2 nước và mức trượt giá của VND so với USD.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng