Tin tức
'Gót chân Achilles' của kinh tế Trung Quốc

'Gót chân Achilles' của kinh tế Trung Quốc

14/01/2011

Banner PHS

'Gót chân Achilles' của kinh tế Trung Quốc

Dư luận thế giới đã rất kinh ngạc trước sự phát triển không ngừng gia tăng của Trung Quốc trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu suốt nhiều năm qua. Nhưng nền kinh tế được xem là lớn thứ hai thế giới đang tiềm chứa những yếu điểm chết người.

Tại sao Trung Quốc không muốn tăng giá nhân dân tệ?

Tại Hội nghị G20 cuối năm 2010, hai mươi nguyên thủ quốc gia giàu có nhất thế giới đã cùng những cấp lãnh đạo các định chế tiền tệ và tài chính lớn trên thế giới đến Seoul để chào hỏi nhau rồi từ biệt ra về. Không một thỏa thuận nào được ký kết. Tất cả chỉ đồng ý với nhau trên một điểm là... không làm gì cả. Bản thông cáo chung, do Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đọc trước khi hội nghị bế mạc, từ chối mọi biện pháp phá giá đồng tiền để cạnh tranh.

Vấn đề mà người ta chờ đợi được nhắc tới trong hội nghị này là áp lực buộc Bắc Kinh tăng tỷ giá đồng CNY (còn gọi là nguyên-yuan hay nhân dân tệ), nguyên nhân gây mất thăng bằng trong cán cân thương mại quốc tế. Nhờ giá rẻ, lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cao từ 3 đến 6 lần lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Hoa Kỳ và rất nhiều quốc gia khác tố cáo Bắc Kinh cố tình duy trì tỷ giá đồng nhân dân tệ dưới trị giá thật để dễ dàng xuất khẩu hàng hóa. Tình trạng này đã làm cán cân thương mại của cả thế giới bị thâm thủng nặng chứ không riêng gì Hoa Kỳ và các quốc gia Châu Âu, nhưng nặng nhất vẫn là các quốc gia thế giới thứ ba (nghèo và kém phát triển hơn Trung Quốc).

Cũng nhờ xuất khẩu, Trung Quốc đã thu về một số ngoại tệ khổng lồ (trên 2000 tỷ USD) để mua công khố phiếu của các quốc gia phát triển phát hành mang về làm quỹ dự trữ. Cũng nên biết Bắc Kinh chọn đồng USD làm đơn vị chuyển hoán quốc tế của đồng CNY. Chọn lựa này có điểm lợi là tỷ giá của đồng CNY có giá trị trao đổi quốc tế theo hối suất đồng USD. Điểm bất lợi là phải cố gắng liên tục giữ vững trị giá đồng USD, nếu không trị giá của lượng tiền dự trữ sẽ mất giá theo: nếu đồng USD giảm 1%, lượng tiền dự trữ của Trung Quốc sẽ giảm theo (với trữ lượng ngoại tệ hiện nay, Trung Quốc sẽ mất ít nhất là 200 triệu USD).

Tuy nhiên sau các buổi họp, Bắc Kinh tiếp tục tục trì hoãn việc nâng tỷ giá đồng nhân dân tệ và nội dung các cuộc thảo luận đều bị bế tắc. Dư luận thế giới chỉ trích Bắc Kinh lợi dụng sự rộng lượng của các quốc gia phát triển để xuất khẩu hàng hóa thu về ngoại tệ, nhưng không chịu làm một cố gắng nào để nâng tỷ giá đồng CNY.

Tại sao? Vì một lý do đơn giản: giảm nguồn ngoại tệ là giảm phát triển. Bắc Kinh phải giữ vững tỷ lệ tăng trưởng cao để duy trì sự ổn định trong nước. Thất nghiệp là một đe dọa lớn, phải giữ vững tốc độ sản xuất của các xí nghiệp. Giữ vững sự ổn định của đồng CNY là một vấn đề sinh tử, nếu không muốn nói là tử huyệt của nền kinh tế Trung Quốc. Nếu đồng CNY được nâng lên đúng với trị giá thực, giá thành của hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc sẽ cao hơn, hay ít ra ngang bằng với giá thành của hàng hóa sản xuất tại các quốc gia khác, sự cạnh tranh do đó sẽ khó khăn hơn và lượng ngoại tệ thu về sẽ giảm. Hàng hóa sản xuất tại các quốc gia đang phát triển khác (Đông Âu, Trung Cận Đông, Bắc Phi, Nam Á, Nam Mỹ) đang xuất hiện ngày càng đông đảo và ngày càng gặm nhấm các thị trường xuất khẩu của Trung Quốc. Trước nguy cơ này, Bắc Kinh và doanh nhân Trung Quốc sẽ không dễ dàng chấp nhận sự tăng giá của đồng CNY.

Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc gầy dựng được từ 30 năm qua dựa trên xuất khẩu. Xuất khẩu mang về ngoại tệ. Với số ngoại tệ thặng dư, Trung Quốc mua những tư liệu sản xuất hiện đại (máy móc kỹ thuật cao cấp) để sản xuất hàng hóa cao cấp hơn phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng phương Tây, đồng thời tăng cường sức mạnh quốc phòng để cạnh tranh quyền lực với các siêu cường khác trên biển và trên các lục địa Á Phi. Sức mạnh và sự hùng cường của Trung Quốc đến từ nguồn ngoại tệ do xuất khẩu mang lại.

Giảm xuất khẩu là giảm phát triển, giảm phát triển là giảm ổn định xã hội, giảm ổn định là có loạn lạc, v.v.Tuy nhiên, xuất khẩu là một hiện tượng tăng trưởng tạm thời và giả tạo vì hết xuất khẩu là hết tăng trưởng. Muốn giữ vững tăng trưởng bền vững phải phát triển thị trường nội địa, không có phép lạ nào khác. Đối với các quốc gia phát triển phương Tây, thị trường quốc nội mới chính là yếu tố phát triển bền vững. Phát triển thị trường quốc nội là nâng cao mức sống người dân. Thị trường quốc nội càng phát triển, mức sống của người dân càng được nâng cao. Cho đến nay, dường như Trung Quốc không quan tâm tới phát triển thị trường quốc nội vì không phải là nguồn thu vào ngoại tệ.

Trước áp lực đòi tăng tỷ giá đồng nhân dân tệ của Hoa Kỳ, Trung Quốc đang lo mất tiền. Quỹ dự trữ liên bang Mỹ vừa lấy quyết định bơm 600 tỷ USD vào thị trường để khuyến khích tiêu dùng gây tăng trưởng, sự kiện này làm đồng USD mất giá so với các đồng tiền mạnh khác. Chỉ riêng trong tháng 11/2010, lượng ngoại tệ dự trữ của Trung Quốc, đa số là công khố phiếu của Mỹ, đã giảm đi hàng trăm triệu. Để chống mất giá, Bắc Kinh buộc phải mua thêm công khố phiếu để hạn chế sự mất giá của đồng USD. Những quốc gia đặt đồng tiền của mình vào quỹ đạo đồng USD đều bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này, phải tung tiền mua thêm công khố phiếu của Mỹ để chống sự mất giá của đồng USD.

Trong những ngày sắp tới, Bắc Kinh sẽ tiếp tục bảo vệ tới cùng trong áp lực đòi tăng giá này. Chuyến viếng thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào trung tuần tháng 11 vừa qua không ngoài mục đích này, ông đã tranh thủ được sự đồng ý của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người nắm giữ vai trò chủ tịch G20 trong năm 2011, để không làm áp lực gia tăng trị giá đồng nhân tệ.

Duy trì được tốc độ tăng trưởng cao bao lâu?

Dư luận thế giới đã rất ngạc nhiên trước chỉ số phát triển không ngừng gia tăng của Trung Quốc trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu trong nhiều năm qua. Phải có một phép lạ nào đó Trung Quốc mới không bị ảnh hưởng, hay nói cách khác phải có một tài năng vượt bậc nào đó để vượt qua mà không để lại nhiều lông cánh. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2010 cũng rất cao so với phần còn lại của thế giới, tăng trưởng tại các quốc gia phát triển phương Tây chỉ ở mức 1 hay 2%/năm.

Nếu chỉ nhìn vào yếu tố xuất khẩu, ít ai nhắc tới nguy cơ khủng hoảng tài chính có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi bong bóng bất động sản tại Trung Quốc bùng nổ. Sau những cố gắng vượt bực để hoàn tất những công trình xây dựng vĩ đại cho hai cuộc họp mặt quốc tế: Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, Hội chợ Expo Shanghai 2010, Trung Quốc đang đối diện với nỗi lo của mình: Tổng số nợ khó đòi hiện nay lên đến hàng trăm tỷ USD, tương đương với 1/4 tổng số nợ ngân hàng tại Trung Quốc. Số nợ khó đòi này không thể ém nhẹm mãi trong bóng tối. Khi sự thật được phơi bày, Trung Quốc có thể sẽ bị ngã quỵ và không chừng mất luôn khả năng đứng dậy, vì không có nội lực, tức khả năng tiêu thụ của người dân trong nước. Thêm vào đó, nhiều xí nghiệp đầu tư nước ngoài đang tìm cách rút lui khỏi Trung Quốc vì không còn được hưởng những biện pháp ưu đãi như lúc ban đầu, như thuế nhẹ, hệ thống hành chính giản dị, ưu tiên thành lập cơ sở trong những khu công nghiệp, v.v.

Giới quan sát quốc tế tiên đoán chỉ số này sẽ phải giảm xuống trong năm 2011, ở mức từ 7 hoặc 8% mới đúng với thực tế, vì các quốc gia phát triển phương Tây sẽ hạn chế nhập khẩu. Hiện tượng bảo hộ thị trường nội địa tại các quốc gia phát triển phương Tây đang diễn ra tại khắp nơi. Đây không phải là chủ trương của bất cứ chính quyền hay tổ chức chính trị nào, mà là sự rỉ tai, truyền miệng giữa người dân lẫn nhau. Dư luận phương Tây đang bắt đầu nghi kỵ hàng hóa sản xuất dưới các nhãn hiệu Trung Quốc vì không tôn trọng những điều kiện về y tế và vệ sinh. Hơn nữa độ bền của hàng hóa Trung Quốc không cao, phẩm chất hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đang bị xét lại. Nhiều tổ chức dân sự khác còn tố cáo Trung Quốc không tôn trọng môi trường, tiêu diệt thiên nhiên vì động cơ trục lợi. Nếu những nhận xét này đúng với sự thật, hàng hóa sản xuất dưới các nhãn hiệu Trung Quốc sẽ rất khó bán, buộc các xí nghiệp xuất khẩu sa thải công nhân một cách vô tội vạ.

Đội quân thất nghiệp lang thang trong khắp các thành phố Trung Quốc, ước lượng trên 200 triệu người và không ngừng tăng lên trong những năm tới, là một đe dọa khác. Những người này sinh sống trong những khu nhà ổ chuột thiếu tiện nghi bên cạnh tòa nhà chọc trời được xây dựng vội vàng không có người ở, hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng khó hàn gắn sẽ là mầm bất ổn xã hội trong những năm tới. Ưu tư hiện nay của những nông dân từ nông thôn ra thành thị là tìm việc và làm việc với bất cứ giá nào và trong mọi điều kiện nào. Nhưng không phải ai cũng tìm được việc làm, đến một lúc nào đó khi không tìm được việc và đối diện với đói và lạnh, không ai biết phản ứng của những người này ra sao. Đội quân thất nghiệp này là một trái bom nổ chậm với khả năng tàn phá rất lớn, không những cho Trung Quốc mà cả cho thế giới, vì đây là nguồn di dân bất hợp pháp.

Những người thoát ra nước ngoài sinh sống, đa số là cư dân vùng duyên hải Nam Hoa, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để được ở lại quốc gia tạm dung và gửi tiền về nước. Di dân gốc Hoa nhập cứ bất hợp pháp tại Châu Âu và Châu Phi đang là một đe dọa cho sinh hoạt kinh tế địa phương. Sinh hoạt chính của những di dân này là buôn bán hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Với lượng hàng thấp giá này, giới doanh nhân địa phương không thể cạnh tranh và làm nảy sinh một làn sóng phẫn nộ bài xích người Hoa. Hiện tượng này đã xảy ra tại Châu Phi và đang lan tràn sang Châu Âu, nhiều chính quyền kiểm soát gắt gao số người Hoa nhập cư bất hợp pháp và hạn chế nhập khẩu hàng Trung Quốc. Hiện tượng này sẽ rất tai hại cho uy tín của chính quyền Trung Quốc và dịch vụ xuất khẩu hàng hóa.

Một nguy cơ khác đang đe dọa đà tăng trưởng là lạm phát. Lạm phát làm giảm trị giá lượng ngoại tệ dự trữ. Trong tháng 4/2010, Bắc Kinh đã bơm vào thị trường tiêu thụ hơn 500 tỷ USD để khuyến khích dân chúng vay tiền để mua bất động sản (vì các phòng ốc trong các tòa nhà chọc trời vừa được xây lên nhưng không có người mua). Mặc khác, Bắc Kinh ra lệnh tăng lãi suất ngân hàng để thu hút số tiền nhàn rỗi trong quần chúng để chống lạm phát. Sự kiện này vô tình hạ thấp mức sống người dân vì không ai dám tiêu xài và tiêu thụ. Tỷ lệ lạm phát trung bình hiện nay tại Trung Quốc ở mức 4,3%/năm (thực tế cao hơn nhiều, tỷ lệ lạm phát phải ở 5% mới đúng với sự thật). Dân chúng sẽ không bỏ tiền vào ngân hàng vì lãi suất ngân hàng không tăng kịp với đà lạm phát.

Nhìn chung, khả năng tăng trưởng cao của Trung Quốc đang khựng lại, những yếu tố ngăn cản hay đe dọa sự tăng trưởng này ngày càng nhiều và chưa có dấu hiệu nào sẽ giảm xuống. Đây là hiện tượng không chỉ là một nguy cơ đối với Trung Quốc mà cho cả với thế giới vì chúng ta đang sống trong một thế giới liên đới. Không một dân tộc nào hay một quốc gia nào ra khỏi khủng hoảng trong an toàn. Giúp Trung Quốc giữ vững tốc độ phát triển là một trong những biện pháp cứu nguy sinh hoạt kinh tế thế giới. Sự suy sụp của Trung Quốc sẽ nghiêm trọng gấp nhiều lần sự phá sản của Hy Lạp hay Ireland, vì nó sẽ kéo theo sự suy sụp toàn cầu về kinh tế.

T.H

diễn đàn doanh nghiệp

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng