Tin tức
Giá đất Huế ra sao sau khi lên thành phố trực thuộc trung ương?

Giá đất Huế ra sao sau khi lên thành phố trực thuộc trung ương?

19/04/2025

Banner PHS

Giá đất Huế ra sao sau khi lên thành phố trực thuộc trung ương?

Dù Huế đã trở thành thành phố trực thuộc trung ương, thị trường bất động sản nơi đây, đặc biệt là giá đất, không những không tăng trưởng mà đa phần có xu hướng giảm so với thời điểm 3 năm trước.

Theo Nghị quyết 175/2024/QH15, Quốc hội quyết định thành lập TP. Huế là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên hơn 4,947km2 và quy mô dân số hơn 1.2 triệu người của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Theo đó, từ ngày 1/1/2025, TP. Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện; 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 78 xã, 48 phường và 7 thị trấn (giảm 17 xã và tăng 9 phường).

TP. Huế thuộc vùng Bắc Trung bộ, giáp TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị; nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Biển Đông.

Bản đồ các đơn vị hành chính mới của TP. Huế - Nguồn: TP. Huế

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) Huế đạt 8.15%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả nước (ước đạt 7 - 7.5%).

Nguồn: Người viết tổng hợp

Trước giai đoạn đại dịch COVID-19 (từ 2015 đến 2019), mức tăng trưởng GRDP của Huế dao động trong khoảng 6.6 - 9% mỗi năm. Do tác động của đại dịch, nền kinh tế năm 2020 của Huế gặp phải những khó khăn nhất định, dẫn đến sự sụt giảm tạm thời khi GRDP chỉ tăng ở mức 2.06%. Tuy nhiên, từ năm 2021 trở đi, với các chính sách phục hồi và đòn bẩy kinh tế địa phương, Huế nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng.

Trong năm 2025, Huế dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 8.5 - 9%. GRDP bình quân đầu người từ 3,200-3,500 USD. Về cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm 48 - 49%, công nghiệp và xây dựng 32 - 33%, nông nghiệp 9 - 10% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 9%...

Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính ngày 1/4/2025, đề xuất 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc diện sắp xếp và 11 đơn vị không thuộc diện sắp xếp. Trong đó, Huế nằm trong danh sách đơn vị hành chính không thuộc diện sắp xếp, sáp nhập.

Dù đã trở thành thành phố trực thuộc trung ương, thị trường bất động sản nơi đây, đặc biệt là giá đất, không những không tăng trưởng mà đa phần có xu hướng giảm so với thời điểm 3 năm trước.

Huế đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản trên địa bàn vào ngày 5/11/2024, trước khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương, để tránh nạn đầu cơ, "thổi" giá đất.

Phần lớn giá đất đều giảm

Xét trong giai đoạn từ quý 1/2022 - quý 1/2025, huyện Phú Vang là nơi có giá đất trung bình giảm mạnh nhất - từ 16.2 triệu đồng/m2 về còn 9.7 triệu đồng, tương ứng giảm 40% trong khoảng thời gian này.

Tiếp đến, thị xã Hương Trà có giá đất từ 3-25 triệu đồng/m2 cho từng vị trí, giá trung bình 11.6 triệu đồng/m2 ở thời điểm quý 1/2022, đã giảm về mức 4-18 triệu đồng/m2 vào cuối quý 1 năm nay, giá trung bình 8.7 triệu đồng, giảm 25%.

Tương tự, thị xã Hương Thủy giá cũng giảm 12%, về còn gần 20 triệu đồng/m2 trong 3 năm qua.

Còn tại TP. Huế cũ (hiện là quận Phú Xuân và Thuận Hóa), khu vực này có giá đất từ 14-147 triệu đồng/m2, trung bình 28.6 triệu đồng trong giai đoạn cuối quý 1/2022; sau đó tăng vọt lên đỉnh gần 104 triệu đồng vào cuối năm 2023, đến tháng 3/2025 lại giảm sâu về còn 24.5 triệu đồng/m2, giá dao động từ 5-65 triệu đồng, giảm 14%.

Nguồn: Người viết tổng hợp từ batdongsan.com.vn

Trong khi đó, 2 huyện có giá đất tăng trong thời gian này là Quảng Điền - từ hơn 8 triệu đồng lên 10.7 triệu đồng/m2, tăng 32% và Phú Lộc từ 11.7 triệu đồng lên 13.6 triệu đồng/m2, tăng 16%.

Riêng thị xã Phong Điền không biến động, vẫn ở mức giá trung bình 6.4 triệu đồng/m2, dao động từ 4-17 triệu đồng trong 3 năm qua.

Nguồn: Người viết tổng hợp từ batdongsan.com.vn

Không thể phủ nhận Huế lên thành phố trực thuộc trung ương sẽ mang lại nhiều lợi thế lớn để phát triển nền kinh tế nơi đây, trong đó có bất động sản, nhưng sẽ đúng trong thời gian đủ dài.

Việc tích giữ tài sản bằng bất động sản là nhu cầu thực tế, nhưng cần lưu ý: giá đất chỉ tăng khi nền kinh tế có sự tăng trưởng rõ rệt. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn lên thành phố thuộc trung ương thì hạ tầng tại Huế vẫn chưa thay đổi, dân cư không khác trước nên người mua cần nhìn vào sự chuyển động, điều kiện phát triển về hạ tầng, dịch vụ ở vùng đất đầu tư.

Tuy vậy, nhìn xa đến năm 2030, thị trường bất động sản Huế được dự báo sẽ tăng trưởng nhờ sở hữu những lợi thế về quy hoạch, hạ tầng và thu hút đầu tư.

Phần lớn đơn vị hành chính cấp huyện của TP. Huế có giá đất giảm trong 3 năm qua
Nguồn: Người viết tổng hợp từ batdongsan.com.vn

Trong năm 2025-2026, TP. Huế cho biết, sẽ có 37 khu đất được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, gồm 29 khu đất dùng để đấu thầu thực hiện dự án khu đô thị, khu dân cư nông thôn và 8 dự án đấu thầu làm nhà ở xã hội.

Trong đó, các khu đất dùng để đấu thầu thực hiện dự án khu đô thị có quy mô lớn trên 150ha phải kể đến như khu đô thị xã Phú Dương, phường Phú Thượng, TP. Huế và xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang (151ha); khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Vinh An, huyện Phú Vang (200ha); khu đô thị sinh thái tại phường Hương Vinh, TP. Huế và xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà (200ha); khu đô thị kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái tại xã Hương Thọ, TP. Huế (200ha).

Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn, xã Thủy Thanh (gần 155ha); khu đô thị sinh thái Thủy Phương - Thủy Dương (172ha).

Thanh Tú

FILI - 10:00:00 19/04/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng